Quản lý

“Căng mình” thông đường ở “rốn lũ” miền Trung

29/10/2020, 20:50

Bộ GTVT đã ban hành 10 Công điện, lãnh đạo Bộ đã trực tiếp vào hiện trường để chỉ đạo việc ứng phó, đảm bảo giao thông tại miền Trung.

img
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo tại Hội nghị giao ban công tác tháng 10 của Bộ GTVT diễn ra chiều nay (29/10)

Huy động tổng lực đảm bảo giao thông tại miền Trung

Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn vừa cho biết sẽ giảm giá vé các tàu khách Thống nhất đến miển Trung nhằm đồng hành cùng người dân miền Trung vượt qua khó khăn trong mùa mưa bão.

Ngoài ra, công ty tiếp tục miễn cước vận chuyển hàng cứu trợ của các tổ chức, đơn vị đến người dân miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ, vận chuyển từ tất cả các ga đến các ga Huế, Đông Hà, Đồng Hới, Vinh trên toa xe hành lý nối theo tàu khách, tàu hàng từ nay đến hết ngày 15/11/2020.

Khắc phục thiệt hại do mưa lũ, bảo đảm giao thông, “mở đường” phục vụ cứu hộ, cứu nạn tại miền Trung là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm tại Hội nghị giao ban công tác tháng 10 của Bộ GTVT diễn ra chiều nay (29/10).

Ngay khi mở đầu cuộc họp, bên cạnh việc rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã dành sự quan tâm lớn và yêu cầu các đơn vị báo cáo ngay việc đảm bảo giao thông tại khu vực miền Trung suốt những ngày qua.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện, mưa bão lớn tại miền Trung đã gây thiệt hại nặng trên các tuyến Quốc lộ.

Mưa lớn kéo dài làm cho tình hình giao thông khu vực miền Trung rất phức tạp, nhiều vị trí bị tắc đường do ngập, lụt trên nhiều tuyến QL1, QL9B, QL9C, QL9E, QL12A, QL14B, QL14H, QL15C, QL49, QL49B, QL49C, Đường HCM nhánh Đông, nhánh Tây; sạt lở ta luy dương, ta luy âm với khối lượng lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông của người và phương tiện và đời sống nhân dân. Trong đó thiệt hại nặng nề là các tuyến đường HCM nhánh Đông, đường HCM nhánh Tây, QL8, QL9, QL9B, QL9C, QL9E, QL12A, QL12C, QL14B, QL14H, QL15D, QL49, QL49B; các các tuyến đường địa phương bị ngập chìm trong nước lũ và bị đất đá sạt lở vùi lấp.

Đến nay còn một số vị trí trên 6 tuyến Quốc lộ chưa thông xe cho tất cả các loại phương tiện là QL9B, QL9E, QL12A, QL15D, QL49 và đường HCM nhánh Tây thuộc địa phận các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Thiệt hại trên hệ thống quốc lộ thuộc địa bàn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên ước tính 760 tỷ đồng”, ông Huyện thông tin.

Với phương châm 4 tại chỗ, Tổng cục Đường bộ VN đã chỉ đạo Cục QLĐB II, Cục QLĐB III, và các Sở GTVT huy động nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị cũng như huy động máy móc, thiết bị của các đơn vị trong và ngoài ngành khẩn trương khắc phục thiệt hại bảo đảm giao thông và thường xuyên cập nhật tình hình giao thông báo cáo Bộ GTVT.

Lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN đã tới hiện trường, kịp thời chỉ đạo khắc phục tại các khu vực bị thiệt hại nặng nề nên công tác khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông sau mưa, bão được triển khai nhanh, thông đường sớm.

img
Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo khắc phục giao thông phục vụ công tác cứu nạn

Ngay trong ngày hôm nay (29/10), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã có mặt, trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường sạt lở trên QL40B, DH1 lên xã Trà Leng (Nam Trà My).

Từ 14h trưa nay (29/10), Thứ trưởng đã có mặt tại điểm tiếp cận gần nhất hiện trường sạt lở, trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục nối đường cứu nạn DH1 lên điểm đất đá vùi lấp người dân ở xã Trà Leng.

Đoạn tuyến QL40B từ Bắc Trà My lên ngã ba DH1 đã được đơn vị ngành GTVT thông tuyến tại 4 điểm sạt lở taluy dương, đất đá tràn lấp mặt đường. Riêng đoạn DH1 từ ngã ba QL40B lên Trà Leng dài khoảng 14km hiện còn 5 điểm sạt lở taluy dương, đất đá tràn lấp mặt đường gây khó cho lực lượng cứu hộ cứu nạn.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu lực lượng thi công thay đổi biện pháp xử lý, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công và đến 18h cùng ngày, cơ bản nối đường qua các vị trí sạt lở còn lại lên Trà Leng.

Ngày mai sân bay Chu Lai sẽ khai thác trở lại

img
Do nằm trên đường đi của cơn bão số 9, Cảng hàng không Chu Lai đã bị hư hại một phần mái che phía Bắc của nhà ga hành khách. Một số cây xanh quanh khu vực nhà ga đã bị gãy, đổ

Giữa lúc miền Trung oằn mình trong bão lũ, cả nước ta đều đang chung tay, góp sức hướng về những người dân nơi đây với hàng loạt hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa. Không đứng ngoài cuộc, các hãng hàng không lớn của Việt Nam đều đưa ra những chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ hành khách có lịch trình di chuyển tại các tỉnh thành miền Trung. Theo đó, các hãng sẽ miễn phí cước vận chuyển, phụ thu nhiên liệu và các phí liên quan đến vận chuyển các hàng hóa này bằng đường hàng không với mong muốn làm cầu nối sẻ chia phần nào những khó khăn mà người dân vùng lũ đang gặp phải.

Về hàng không, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho hay từ 6h sáng nay (29/10), các Cảng hàng không Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Phú Bài đã khai thác trở lại. Cảng HKQT Đà Nẵng đã mở cửa trở lại từ 21h tối qua (28/10).

Riêng Cảng hàng không Chu Lai, do bị ảnh hưởng nặng nề, đã phải kéo dài thời hạn đóng cửa khai thác thêm 48 giờ, dự kiến sẽ khai thác trở lại vào 16h00 chiều mai (30/10).

Trước đó, do ảnh hưởng của bão nên các sân bay Tuy Hòa, Phù Cát, Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài đã dừng khai thác từ 18h ngày 27/10. Cảng hàng không Pleiku từ 21h ngày 27/10.

Để đảm bảo an toàn hoạt động bay, an toàn cho người và tài sản tại các cảng hàng không, sân bay, đồng thời hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến khai thác, Cục Hàng không VN yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức trực 24/24 giờ.

Tổng công ty Quản lý bay VN chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng; liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.

Các cảng hàng không, các hãng hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tăng cường công tác phối hợp; cập nhật đầy đủ thông tin khí tượng từ các cơ sở khí tượng hàng không liên quan và căn cứ tình hình thực tế để triển khai các hành động ứng phó cần thiết, giảm thiểu tác động đến khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản của đơn vị trước thiên tai.

Cục Hàng không cũng yêu cầu triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.