Nga cũng lập tức đáp trả, khởi đầu cho “cuộc chiến thông tin” giữa Nga - phương Tây.
Cuộc chiến căng thẳng
Khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3, vài ngày sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, Liên minh châu Âu (EU), Canada cùng nhiều nước khác đã cấm các kênh truyền thông Nhà nước của Nga là RT và Sputnik phát sóng trong phạm vi khối và các nước này.
Mặt khác, các nền tảng kỹ thuật số như Google, Facebook, Twitter, đều có động thái hạn chế truyền thông Nhà nước Nga.
Chẳng hạn, Google đã khóa ứng dụng trên điện thoại của RT ở lãnh thổ Ukraine theo yêu cầu của Kiev. Đồng thời, Google cũng chặn tính năng cho phép RT và một số kênh truyền thông khác của Nga nhận được tiền từ dịch vụ quảng cáo trên trang web, các ứng dụng và video đăng tải trên kênh YouTube.
Phóng viên chiến trường tác nghiệp tại TP Mykolaiv, Ukraine hôm 9/3/2022
Cũng gần như ngay lập tức, nền tảng YouTube thông báo hạn chế truy cập ứng dụng RT trên điện thoại và một số kênh truyền thông khác trên lãnh thổ Ukraine, giảm đề xuất các kênh truyền thông này cho người dùng tại đây.
Với Facebook và Twitter, hai mạng xã hội này cấm các phương tiện truyền thông Nhà nước Nga chạy quảng cáo và kiếm tiền thông qua nền tảng của mình, đồng thời hạn chế việc tiếp cận thông tin của các hãng này.
Chẳng hạn, mỗi khi mở link RT được chia sẻ qua Facebook đều sẽ hiện lên phần thông báo “đây là hãng truyền thông thuộc kiểm soát của Nga”.
Sau khi một số hãng thông tấn Nhà nước Nga bị đóng cửa ở phương Tây, Hạ viện Nga lập tức thông qua một dự luật cho phép Văn phòng Tổng công tố Nga có quyền đóng cửa văn phòng truyền thông nước ngoài ở Thủ đô Moscow nếu quốc gia phương Tây đó “không thân thiện” với truyền thông Nga.
Đồng thời, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhanh chóng ký ban hành luật áp dụng chế tài xử phạt lên đến 15 năm tù với hành vi đăng tải tin tức sai lệch về quân đội Nga.
Theo luật, hành vi tung tin giả về quân đội sẽ bị phạt từ 700 nghìn đến 1,5 triệu ruble hoặc bị phạt tù 3 năm. Nếu sử dụng chức vụ quyền hạn để tung tin giả hoặc tung tin giả để kiếm lợi sẽ bị phạt 5 triệu ruble hoặc bị phạt tù từ 5 - 10 năm. Nếu hành vi phát tán tin giả về quân đội Nga gây hậu quả nghiêm trọng, đối tượng thực hiện sẽ bị phạt tù giam từ 10 - 15 năm.
Tiếp đó, Tổng thống Putin ký ban hành luật về việc áp dụng các hình phạt hành chính và hình sự đối với những hành vi thông tin sai lệch về bất kỳ cơ quan nào của Chính phủ Nga hoạt động ở nước ngoài như các đại sứ quán, văn phòng tổng công tố, lực lượng vệ binh quốc gia, Bộ Tình trạng khẩn cấp...
Những đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tù lên đến 3 năm hoặc nộp phạt 1,5 triệu ruble (14.420 USD).
Khó biết thực hư tại chiến trường Ukraine
Trong khi đó, thực tế tại chiến trường ở Ukraine như thế nào thì chỉ những người trong cuộc mới biết. Bởi, bản thân Ukraine cũng hạn chế hoạt động của các nhà báo tại hiện trường.
Trong một bài viết đăng tải hồi cuối tháng 3 vừa qua, tờ Liberation (Pháp) dẫn lời một số nhà báo có mặt tại Ukraine chỉ trích việc chính quyền Kiev ngăn chặn nhà báo đưa hình ảnh về chiến tranh.
Từ ngày 26/3, Ukraine cấm phát các hình ảnh, video trên mạng xã hội các thông tin liên quan đến vị trí cụ thể của các vụ đánh bom và cảnh thiệt hại theo luật thiết quân luật. Luật này được cho là để bảo vệ lực lượng Ukraine và chỉ duy nhất chính quyền được phép đăng tải các nội dung nói trên.
Quân đội Nga cung cấp hình ảnh binh sỹ Ukraine trên đảo Rắn vẫn còn sống và được phía Nga đưa về đất liền, cung cấp nước, lương thực, trái với thông tin ban đầu do Ukraine đăng tải là các binh sỹ này đã quyết hy sinh để bảo vệ đảo. Ảnh: TASS
Các nhà báo Ukraine và nhà báo nước ngoài tác nghiệp tại Ukraine đều gặp khó khăn khi chỉ cần cầm máy quay đi trên đường cũng bị người dân địa phương chỉ trích là kẻ chỉ điểm hoặc có ý đồ cung cấp thông tin cho quân đội Nga.
Đáng nói hơn, trong một bài viết của hãng CNN về khả năng kiểm soát các loại vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine, báo này dẫn lời một nguồn tin thân cận với tình báo phương Tây thừa nhận, phần lớn thông tin Mỹ và NATO có được đều phụ thuộc vào Chính phủ Ukraine.
Theo CNN, giới chức Mỹ và phương Tây có thể cung cấp thông tin chi tiết về hiện trạng của các lực lượng Nga bên trong Ukraine: Bao nhiêu thương vong, kho chứa vũ khí, loại đạn dược Nga sử dụng. Nhưng khi nhắc đến các lực lượng Ukraine, giới chức nước này thừa nhận phương Tây, kể cả Mỹ, đều hổng thông tin.
Dù có lỗ hổng như vậy, nhưng báo chí phương Tây lại rất dễ dàng đăng tải tất cả thông tin Ukraine công bố, điển hình như sự việc Ukraine công bố binh sỹ nước này đóng quân trên Đảo Rắn quyết không đầu hàng Nga nên đã “tử vì đạo”, tung hô họ là anh hùng.
Nhưng sau đó, giới truyền thông, báo chí phương Tây dường như bẽ bàng khi phía Nga đã tung video chứng minh toàn bộ lính Ukraine thực chất là đã đầu hàng Nga.
Hiện tại, chưa có cơ quan độc lập có thể đứng ra kiểm chứng sự thật đằng sau những thông tin và hình ảnh trên chiến trường Ukraine.
Trong một bài bình luận cách phương Tây đưa tin về cuộc khủng hoảng Ukraine từ trước khi xung đột nổ ra, báo Dailysabah của Thổ Nhĩ Kỳ từng cho rằng, báo chí phương Tây đang cố tình tạo ra một hình ảnh “nước Nga hung hăng”.
Dailysabah đặt vấn đề rằng, một trong những nguyên nhân chính là vì báo chí phương Tây hành động như một “đội quân tuyên truyền” để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Song khi báo chí của nước khác bảo vệ lợi ích của quốc gia họ, báo chí phương Tây lại trực tiếp nhắm vào họ, cáo buộc vi phạm tự do ngôn luận và nhiều vi phạm khác. Dailysabah cho rằng, khi nói đến lợi ích của phương Tây, NATO hay EU, báo chí phương Tây hành động như một đơn vị Nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận