Thời sự Quốc tế

Căng thẳng Nga-Ukraine "thổi bùng" ngân sách quốc phòng thế giới

Căng thẳng Nga-Ukraine đã làm thay đổi chủ trương chi tiêu quân sự của Nga, Ukraine và cả khu vực châu Âu.

Hãng tin Reuters dẫn số liệu công bố ngày 25/4 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy chi tiêu quân sự của châu Âu năm 2021 (trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine) đã tăng vọt bất chấp tác động không nhỏ từ đại dịch tới tăng trưởng kinh tế.

Viện nghiên cứu SIPRI chỉ ra, năm ngoái là lần đầu tiên chi tiêu quân sự toàn cầu đã vượt mức 2.000 tỷ USD, đạt mức 2.113 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2020, mức tăng liên tiếp trong 7 năm.

Theo số liệu từ SIPRI, tại Nga, chi tiêu quân sự năm 2021 tăng 2,9% so với năm 2020, đạt mức 65,9 tỷ USD trong bối cảnh Nga tập trung lượng lớn quân đội dọc biên giới với Ukraine. Chi tiêu quân sự của Nga năm 2021 tương đương 4,1% GDP và là năm thứ 3 liên tiếp quốc gia này tăng chi tiêu quân sự.

img

Xe tăng Thụy Điển, Phần Lan tham gia tập trận chung với NATO vào tháng 3/2022. Ảnh - Reuters

Ông Lucie Beraud-Sudreau - Giám đốc phụ trách Chương trình Sản xuất Vũ khí và Chi tiêu Quốc phòng của SIPRI cho rằng, nhờ doanh số bán xăng, dầu cao nên Nga có thể dư dả tăng cường chi tiêu quân sự trong năm 2021. Trước đó, giai đoạn 2016-2019, chi tiêu quân sự của Nga đã giảm vì giá nhiên liệu thấp và ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt liên quan đến việc Crimea sáp nhập về Nga năm 2014.

Tuy nhiên, Nga vẫn xếp ở vị trí thứ 5 trên thế giới về ngân sách chi tiêu quân sự sau Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Anh.

Với Ukraine, chi tiêu quân sự năm 2021 là 5,9 tỷ USD, chưa bằng 1/10 ngân sách dành cho quân sự của Nga, theo SIPRI.

Còn chi tiêu quân sự của châu Âu tăng tới mức 418 tỷ USD trong năm 2021, tăng 3% so với năm 2020 và 19% so với năm 2012. Qua đó, có thể thấy châu Âu vẫn tiếp tục đà tăng mạnh chi tiêu quốc phòng kể từ sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập về Nga năm 2014.

Các chuyên gia dự báo, hiện tại khi Nga đã thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, sự việc càng khiến khu vực châu Âu thay đổi nhanh chóng chiến lược quốc phòng, qua đó, một loạt các nước tiếp tục hứa hẹn tăng chi ngân sách quân sự.

Các quốc gia như Đức, Bỉ, Đan Mạch và Thụy Điển cam kết sẽ dành khoản ngân sách quốc phòng tương đương 2% GDP trong những năm tới.

Đồng thời, chiến dịch này cũng mở đường cho Thụy Điển và Phần Lan nghĩ lại việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.