Trang thiết bị đầy đủ nên Cảng tổng hợp Thị Vải có năng suất xếp dỡ đạt 8 - 15 nghìn tấn/ngày |
Lượng hàng thông qua cảng đến nay đã gần đạt công suất thiết kế (3,5 triệu tấn/năm). Tuy nhiên, điều mà cảng trăn trở là giá thuê cố định quá cao, năm sau tăng hơn năm trước gây áp lực kinh doanh cho đơn vị.
Dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải là dự án cảng biển trọng điểm do Nhà nước đầu tư với tổng số vốn 12.891 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, trong đó Cảng tổng hợp Thị Vải được đầu tư 3.950 tỷ đồng. Cùng với Cảng container ODA Cái Mép, hai cảng quy mô lớn được triển khai theo mô hình Nhà nước cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển tại Việt Nam. Dự án được công khai đấu thầu lựa chọn đơn vị khai thác theo hình thức hợp đồng cho thuê kết cấu hạ tầng dài hạn.
Việc đấu thầu vừa giải quyết được việc Nhà nước không phải trực tiếp quản lý khai thác (mà lựa chọn đơn vị có năng lực tốt để quản lý khai thác) vừa có thể thu hồi được vốn đầu tư từ tiền cho thuê để đầu tư cho những dự án khác, giảm gánh nặng cho ngân sách. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp hoạt động khai thác cảng biển hiệu quả, tạo môi trường cạnh tranh để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Theo Cảng tổng hợp Thị Vải, đây là chủ trương chính sách phù hợp của Nhà nước, tuy nhiên thời gian qua, việc giá thuê cố định tăng lũy tiến hàng năm cũng là áp lực rất lớn đối với cảng. Cụ thể, từ năm 2016, hàng năm giá thuê cố định tăng 30% so với năm trước. Giá thuê này được tính theo thời hạn hợp đồng Nhà nước cho thuê 30 năm, nếu kinh doanh bị lỗ, đơn vị vẫn phải trả giá cố định trên. Ngoài giá thuê cố định hàng năm rất cao, đơn vị còn phải gánh thêm giá thuê biến đổi tối thiểu theo % doanh thu (có tỉ lệ cụ thể hàng năm) kể cả trong trường hợp kinh doanh lỗ.
Ngoài áp lực trong việc giá thuê cảng tăng, đơn vị còn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh do các cảng container tại khu vực vẫn được tiếp nhận làm hàng tổng hợp, hàng rời ngoài công năng được cấp phép là xếp dỡ container trong khi đó giá dịch vụ trong vài năm gần đây không tăng, thậm chí còn thấp đi. Những chính sách tạo thuận lợi cho các cảng container cùng khai thác hàng tổng hợp vô hình trung đã ảnh hưởng đến chính dự án của Nhà nước cho thuê. Đặc biệt, đối với những dự án nhà nước đầu tư như Cảng tổng hợp Thị Vải, những khách hàng đưa tàu về khu vực có phần rụt rè khi tiếp cận cảng bởi việc cấp phép tàu ra vào cảng luôn khắt khe hơn các cảng khác nên doanh nghiệp khai thác cũng gặp nhiều khó hơn.
Lượng hàng hóa thông qua đạt 1,6 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2018 Hoạt động từ tháng 7/2014, đến nay Cảng tổng hợp Thị Vải kinh doanh khá hiệu quả, năm 2017 lượng hàng xếp dỡ đạt 3,2 triệu tấn. Trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt 1,6 triệu tấn. Như vậy, lượng hàng gần đạt công suất thiết kế (3,5 triệu tấn/năm). Với diện tích 28,2ha gồm hai cầu tàu có chiều dài cầu cảng 600m, Cảng tổng hợp Thị Vải có thể tiếp nhận tàu Panamax tải trọng lên đến 75 nghìn DWT. Trang thiết bị đầy đủ, Cảng có thể cùng lúc tiếp nhận hai tàu lớn để xếp dỡ hàng hóa, năng suất dỡ xếp dỡ đạt 8 - 15 nghìn tấn/ngày. Cảng còn cung cấp đa dạng các dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng như xếp dỡ vận chuyển hàng nông sản, than, phân bón, sắt thép, vật liệu xây dựng... mở rộng dịch vụ lưu trữ hàng hóa, logistics, cho thuê kho với diện tích 10 nghìn m2 và bãi với diện tích lên đến 120 nghìn m2. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận