Cảnh báo cha dượng, cha đẻ là thủ phạm bạo lực tình dục |
Tại Hội nghị Quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội lần thứ 3 (diễn ra từ 29-30/11), hàng loạt thông tin về thực trạng bạo lực tình dục lâu nay được cho là góc khuất đã được công bố. Thậm chí có chuyên gia còn coi bạo lực tình dục là một tội ác nghiêm trọng.
Ám ảnh với nạn nhân bị bạo hành
Tại Hội nghị, bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) chia sẻ: Trong suốt thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề bạo lực tình dục, không biết bao nhiêu lần bà bị ám ảnh “mất ăn, mất ngủ” bởi những câu chuyện của nạn nhân. Day dứt với câu hỏi tại sao có những người phụ nữ có thể chấp nhận, chịu đựng và sống sót trong thời gian đằng đẵng hàng chục năm bị chồng hành hạ. Bà Tú Anh kể: “Tôi đã từng gặp một phụ nữ, công việc của chị là nguồn thu nhập chính trong gia đình, song thường xuyên bị người chồng nghiện rượu đánh đập rồi lại ép quan hệ tình dục ngay sau đó. Thế nhưng, trong lời chia sẻ của mình, người phụ nữ ấy dường như lại có ý “tự hào” về khả năng chịu đựng của bản thân.
Qua những câu chuyện trên, bà Tú Anh nhấn mạnh: Chúng ta không nên chỉ dừng lại ở những con số lượng hóa vụ việc, cần có cách nhìn khác để nghiên cứu chính sách hỗ trợ giải pháp bạo lực tình dục. “Nạn nhân bạo lực tình dục chấp nhận cam chịu vì họ đang phải chịu sức ép vô hình từ những quan niệm sai lầm về tình dục, cùng với những định kiến và khuôn mẫu giới bất bình đẳng, cộng đồng, gia đình và chính bản thân. Nạn nhân phải tự tìm cách đương đầu với hậu quả bạo lực, lạm dụng và quấy rối tình dục hơn là lên tiếng đòi lại công bằng và kết nối với nhau để đấu tranh chống lại những vấn nạn đó”.
Nạn nhân bạo lực tình dục bị biến thành tội nhân
Theo bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNPFA), bạo lực tình dục không dễ xác định vì được che giấu bởi các khuôn mẫu giới và văn hóa. “Nam giới thường nghĩ rằng họ có quyền được kiểm soát thân thể và tình dục của người phụ nữ”, bà Astrid Bant nói. Mặt khác, dưới góc độ pháp lý, thể chế hay quy trình tố tụng hiện nay đang được cho là thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy cảm. Cụ thể, trong nhiều trường hợp, sự chậm trễ của cơ quan hành pháp, thái độ bàng quan, dung túng của cán bộ công quyền đã khiến bạo lực và lạm dụng tình dục bị xem nhẹ hoặc rơi vào im lặng.
Theo bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, không phải ngẫu nhiên Hội nghị Quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội lần này lại có tiêu đề: Nạn nhân hay tội nhân: Những rào cản văn hóa và thể chế trong việc nhìn nhận và giải quyết bạo lực tình dục tại Việt Nam. “Bạo lực tình dục là tội ác nghiêm trọng chống lại phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, thay vì được bảo vệ, giúp đỡ, nhiều nạn nhân và gia đình phải vật lộn với việc thay đổi sinh kế do phải chuyển nơi sinh sống để tránh bị kỳ thị.
Thậm chí, không ít người đã phải tìm đến cái chết để thoát khỏi ám ảnh và bế tắc sau khi bị bạo hành tình dục. Đáng nói, trong nhiều vụ việc, dưới định kiến dư luận xã hội, nạn nhân bạo lực tình dục lại được nhìn nhận như tội nhân. “Trong những vụ bạo hành tình dục, lý do thường được nêu nhất là thủ phạm “không kiềm chế được dục vọng”, nạn nhân “dễ dãi” không đề phòng hoặc “ăn mặc gợi cảm”... Với những nhận thức như vậy, bạo lực tình dục dường như là chuyện không thể tránh khỏi và đó là lỗi của nạn nhân”, bà Hồng bức xúc.
Thống kê của Bộ VH,TT&DL cho thấy, hiện có 10% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực tình dục. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đa phần các vụ bạo lực tình dục bị chìm trong yên lặng, nhất là khi nạn nhân thuộc nhóm người yếu thế như: Phụ nữ di cư, khuyến tật, hành nghề mại dâm hay nhiễm HIV... Mặt khác, trái với quan điểm phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế giao du với người lạ, số liệu thống kê cho thấy, 73% thủ phạm là người quen, trong đó 10% là cha đẻ hoặc cha dượng.
Thủ phạm gồm cả những người được cho là đáng tin cậy như người cao niên, giáo viên, người nổi tiếng hay những người thực thi pháp luật. Ngoài ra, phần lớn các vụ bạo lực tình dục cũng thường xảy ra ở những địa điểm được coi là an toàn như trường học, công sở hay chính trong nhà nạn nhân.
Thống kê của Bộ LĐ,TB&XH cho biết, trung bình mỗi ngày có 3 trẻ em bị xâm hại tình dục được báo cáo, gia tăng tình trạng lạm dục tình dục ở trẻ em trai. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát hơn 2.000 phụ nữ và trẻ em gái ở Hà Nội và TP HCM, có tới 87% đã từng bị quấy rồi tình dục ở khu vực công cộng và trên các phương tiện giao thông. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận