Quản lý

Cảnh sát đường thuỷ TP.HCM nói gì khi nhiều bến thuỷ không phép hoạt động?

02/06/2022, 16:31

Có thể xử lý triệt để được nếu có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các đơn vị, nhất là vai trò của chủ tịch quận huyện chỉ đạo.

Sau khi Báo Giao thông đăng bài phản ánh về những bến không phép hoạt động ở TP.HCM, Thượng tá Đặng Hữu Tiến, Phó Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP.HCM đã có những thông tin rõ hơn về việc kiểm tra, xử lý những bến không phép này.

img

Sà lan chở vật liệu xây dựng cập bến để đưa đá lên bến không phép ngay chân cầu Bà Cua, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức. Bến này hoạt động không hề lén lút mà công khai, rầm rộ cả ngày lẫn đêm trong nhiều tháng qua. (Ảnh chụp trưa ngày 5/5/2022)

Bến không phép hoạt động lén lút, khó xử lý

Thưa Thượng tá, hiện nay TP.HCM còn bao nhiêu bến thủy không phép? Vì sao bến không phép vẫn hoạt động công khai?

Thượng tá Đặng Hữu Tiến: Các bến này tồn tại đã lâu. Đã có những chỉ đạo của UBND thành phố, Công an Thành phố, Phòng CSGT đường thuỷ phối hợp với các cơ quan ban ngành như Cảng vụ ĐTNĐ, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, quận huyện… xây dựng nhiều kế hoạch, trong đó có các kế hoạch chuyên đề xử lý các bến vật liệu cát. Có cả đoàn liên ngành của thành phố gồm nhiều đơn vị phối hợp kiểm tra, xử lý. Từ đó số lượng bến không phép đã giảm rất nhiều.

Năm 2021 kiểm tra rà soát có 51 bến không phép. Lực lượng chức năng đã xử lý rất mạnh, triệt để, hiện nay giảm còn 34 bến không phép.

Vì sao không xử lý triệt để mà vẫn còn 34 bến không phép, thưa Thượng tá?

Thượng tá Đặng Hữu Tiến: Các bến này nằm rải rác ở các quận, huyện như ở Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi… Chúng tôi xử lý nghiêm, nhưng các bến này hoạt động không thường xuyên, lén lút. Ban đêm tàu cập vô bốc hàng lên tíc tắc trong vòng vài tiếng đồng hồ là xong. Trong khi lực lượng CSĐT lại mỏng, không thể nào 24/24h có mặt ở bến đó được, chúng tôi còn thực hiện những nhiệm vụ khác nữa. Do đó có những khó khăn đối với CSĐT để giải quyết triệt để vấn đề này.

Tại một bến không phép, khi CSĐT tuần tra, kiểm tra xử phạt như thế nào?

Thượng tá Đặng Hữu Tiến: Khi CSĐT tuần tra, thấy phương tiện cập bến, bốc cát lên bờ, sẽ lập biên bản xử lý cả phương tiện và chủ bến. Còn nếu phương tiện neo đậu thì không xử phạt được. Trường hợp phương tiện bốc xếp cát vận chuyển trên bờ thì thuộc thẩm quyền kiểm tra đường bộ.

CSĐT vẫn xử lý, nhưng kẹt là khi kiểm tra thì không có phương tiện neo đậu, nhưng trên bến vẫn có cát, chúng tôi đánh giá là bến này vẫn còn hoạt động nhưng lén lút thôi.

PV Báo Giao thông đi quay vào ban ngày thấy có rất nhiều sà làn bốc cát lên bến?

Thượng tá Đặng Hữu Tiến xem các hình đăng trên báo và nói sẽ cho các Trạm kiểm tra và báo cáo lại cụ thể.

Có ý kiến cho rằng, để các bến không phép hoạt đông ngang nhiên, công khai, phải có sự bao che của lực lượng chức năng? Thượng tá đánh giá thế nào?

Thượng tá Đặng Hữu Tiến: Không có chuyện bao che đâu. Từ trước đến giờ, riêng những bến không phép là lực lượng CSĐT xử lý triệt để hết. Còn chuyện ở trên bờ, thuộc thẩm quyền của UBND quận huyện, chúng tôi không nắm, nhưng có cái là xử lý không quyết liệt lắm.

Nếu thuỷ bộ kết hợp chặn cả dưới nước và trên bờ thì chắc dẹp được. Nhưng thực tế ở trên bờ cũng có cái khó khăn, lực lượng không chốt 24/24h, khi rút đi thì bến lén lút hoạt động lại.

Hồi ở quận 12 cho dân phòng chốt 24/24h mấy tháng trời, chủ bến chịu không được phải bỏ luôn. Quan trọng là chủ tịch UBND quận huyện phải chỉ đạo quyết liệt.

img

Cách chân cầu Xây Dựng 400m là "đại bản doanh" các bến cát thuộc phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức.

Thuỷ bộ kết hợp mới xử lý triệt để

Quá trình kiểm tra, xử lý các bến không phép, lực lượng CSĐT gặp những khó khăn gì?

Thượng tá Đặng Hữu Tiến: Từ đầu năm đến nay Phòng CSĐT đã xử phạt 20 trường hợp với số tiền là 400 triệu đồng. Thực tế khi kiểm tra một số bến có giấy phép, tuy nhiên do vấn đề kinh doanh vướng vào các quy định, quy hoạch của thành phố nên Sở GTVT không cấp phép được.

Ví dụ, trước đây có những bến vật liệu xây dựng, sau này địa phương quy hoạch làm bờ đê, bờ kè…hết hạn giấy phép, vì vướng vào quy hoạch nên không được cấp.

Hoặc một số bến vướng vào quy hoạch khu dân cư. Chẳng hạn bến này mở ra để kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng sau đó dân về ở đông, xây nhà cửa xung quanh, không cho xe tải trọng lớn vào khu dân cư, ngành chức năng không gia hạn giấy phép. Cũng có một số bến xin phép tạm phục vụ công trình dự án nào đó từ 6 tháng đến 1 năm, khi dự án hoàn thành nhưng bến vẫn hoạt động, không chịu di dời.

Về phân cấp quản lý, Cảnh sát đường thủy có vai trò quản lý như thế nào trong xử lý các bến không phép?

Thượng tá Đặng Hữu Tiến: CSĐT có vai trò kiểm tra, giám sát các phương tiện chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ. Nếu phát hiện sẽ xử lý. Đối với các phương tiện vận chuyển cát trên địa bàn TP CSĐT làm rất chặt. Khi phương tiện đi vào địa bàn TP, ngoài kiểm tra về đăng kiểm, bằng lái, còn kiểm tra nguồn gốc cát, hoá đơn chứng từ.

Riêng với những bến không phép, có những bến CSĐT đi kiểm tra không thấy, nhưng vài tuần sau quay lại thì thấy có cát trên bờ. Nếu phát hiện tàu thuyền cập bến, bốc hàng lên bến thì CSĐT xử lý ngay. Những bến này không phát hiện trực tiếp, nhưng vẫn đưa vào danh sách bến không phép.

Hàng tháng CSĐT phối hợp với Cảng vụ ĐTNĐ, Thanh tra… đi kiểm tra hết toàn bộ hoạt động của các bến không phép này. Có những bến đoàn kiểm tra thấy không còn nữa thì sẽ loại ra khỏi danh sách. Bến nào phát hiện vẫn còn cát trên bờ thì vẫn đưa vào danh sách theo dõi.

Theo ông những bến không phép có xử lý triệt để được không?

Thượng tá Đặng Hữu Tiến: Có thể xử lý triệt để được nếu có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các đơn vị, nhất là vai trò của chủ tịch quận, huyện chỉ đạo.

Trước kia có 67 bến thủy không phép, đã xử lý nay còn 34 bến. Sắp tới Phòng CSĐT sẽ tham mưu Ban ATGT TP bàn về giải pháp xử lý dứt điểm các bến không phép.

Tuy nhiên, nhu cầu của người dân trong việc lập các bến để cấp vật liệu xây dựng, san lấp vài ngàn khối cát, sử dụng các sà lan để bơm cát. Họ cũng chấp hành bằng cách đi xin giấy phép, nhưng thiếu các quy định về điều kiện cấp phép nên họ không xin được giấy phép. Vì vậy, cũng nên nghiên cứu cấp giấy phép tạm cho các loại hình này. Nếu không cấp thì không quản lý được.

Ở các quận, huyện, trước khi giải toả các bến không phép, cũng nên quy hoạch một khu để hoạt động cung cấp vật liệu xây dựng, cát đá được tập trung và quản lý một cách hiệu quả.

Cảm ơn Thượng tá!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.