Cuộc làm việc của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng ngày 5/9 với các tỉnh ĐBSCL nổi lên một đòi hỏi bức thiết: cát san lấp nền cho cao tốc ở miền Tây!
Nằm chờ cát, một số hạng mục của các dự án thành phần xây dựng cao tốc ở miền Tây như Cần Thơ – Sóc Trăng, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Cao Lãnh – An Hữu, Mỹ An – Cao Lãnh… đã chậm và có nguy cơ chậm tiến độ.
Hình ảnh từ hiện trường của PV Báo Giao thông cho thấy đã có những đoạn dự án cao tốc máy móc nằm chỏng chơ vì chờ cát. Không có cát san lấp nền thì không thể tiếp tục thi công.
Miền Tây cần đường. Tiến độ hối thúc. Cho nên những hình ảnh và thực trạng đó càng nhức nhối, đòi hỏi phải sớm được giải quyết!
Có thiếu cát thật không khi miền Tây với chín khúc sông rồng chở nặng phù sa ôm ấp trong lòng nó nguồn tài nguyên cát rất lớn?
Theo Bộ GTVT, bốn dự án giao thông trọng điểm cao tốc ở miền Tây giai đoạn này cần 54 triệu mét khối cát san nền. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: hiện đã cấp 121 giấy phép khai thác cát, khối lượng khoảng 80 triệu mét khối. Các tỉnh cũng đã cấp phép thăm dò thêm gần 40 triệu mét khối nữa. Vậy là không thiếu!
Không thiếu nhưng các tỉnh có mỏ cát vẫn cứ… băn khoăn. Băn khoăn đó là gì? Là trước nay địa phương khai thác cát theo Luật Khoáng sản. Nay trước đòi hỏi cấp bách làm cao tốc, Thủ tướng giao Bộ GTVT làm việc với các địa phương để giao mỏ cát khai thác cho chủ đầu tư, nhà thầu được khai thác phục vụ dự án.
Lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, An Giang băn khoăn: làm sao giám sát, kiểm soát được?
Cát là nguồn lợi lớn ở ĐBSCL. Mới đây, cát "đưa" cả Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, Giám đốc Sở TN&MT và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp vào vòng lao lý do có dấu hiệu trục lợi từ cát. Chuyện lợi ích riêng tư liên quan đến cát thì rất nhiều thân bằng quyến thuộc của lãnh đạo nhiều nơi dây dưa, dân tình biết hết.
Dù xảy ra bê bối về quản lý cát, nhưng cũng phải khen An Giang có điểm cộng khi mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát; tàu thuyền, sà lan, vựa cát… phải có camera giám sát, cài đặt thiết bị để cơ quan quản lý nằm được số chuyến, khối lượng, giao dịch…
Các tỉnh băn khoăn về việc làm sao giám sát hình thức khai thác cát, khối lượng khai thác cũng dễ hiểu nhưng chưa đúng, chưa đủ. Việc các tỉnh cần nêu ra với Phó thủ tướng, với Bộ trưởng GTVT là đề xuất giải pháp kiểm soát. Đó mới đúng là trách nhiệm và phần việc của cơ quan quản lý địa phương.
Nếu địa phương còn băn khoăn về sự "ăn gian" của chủ đầu tư, của nhà thầu, thì đề xuất và thống nhất giải pháp kiểm tra, giám sát. Ai làm sai, người đó chịu. Đừng vì trước đó "trong nhà" có người lem nhem mà "nhìn ai" cũng thấy kẻ gian, từ đó sợ trách nhiệm.
Giải pháp đó, như tỉnh An Giang đề xuất: là số hoá, công nghệ hoá hoạt động giám sát, như qua camera, định vị GPS với sà lan, tàu thuyền; giám sát bằng hoá đơn nguồn gốc hàng hoá… Hiện nay toàn bộ ô tô kinh doanh đã gắn hộp đen thì tàu thuyền hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cũng phải gắn là điều hợp lý.
Thậm chí, đây còn là cơ hội chuẩn hoá hoạt động đặc thù trong lĩnh vực này, vốn rất dễ "ăn gian", giúp cơ quan quản lý nâng cấp chất lượng giám sát của mình.
"Không thể chần chừ nữa! Không thể để công trường thiếu cát!", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đòi hỏi. Chủ đầu tư, nhà thầu và các tỉnh phải ngồi lại để cao tốc có cát thi công, đó là mệnh lệnh của cuộc sống. Đó cũng là trách nhiệm của các bên liên quan.
Nơi nào ì ạch, lần lữa, nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ!
Cát là tài nguyên. Hạt cát ở chín khúc sông rồng gắn liền với nhà cửa, đất đai, sinh kế, môi trường… của ĐBSCL. Cho nên, được giao khai thác cát để làm dự án trọng điểm quốc gia, thì chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương phải có trách nhiệm với việc mình được giao.
Có tâm thì không lem nhem. Có tầm thì quản lý được. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Ai không làm được thì đứng sang một bên", đừng ngáng chân người khác và làm cản ngại sự phát triển.
Đây là lúc cần giải pháp, không phải lúc chần chừ băn khoăn!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận