Bộ Công an vừa đề xuất cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong dự án xây dựng CCCD mới. Việc đổi từ chứng minh nhân dân (CMND) sang thẻ CCCD mã vạch vừa được triển khai, thì lại có đề xuất thẻ CCCD gắn chip, khiến nhiều người không tránh khỏi băn khoăn.
Có gây phiền hà?
Giữa tháng 8/2020, dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khu vực cấp đổi CCCD của Công an TP Hải Phòng vẫn có rất đông người tới thực hiện thủ tục cấp đổi căn cước.
Dù được các cán bộ công an giải thích sắp tới có thể cấp đổi thẳng từ CMND (giấy) sang CCCD gắn chip thay vì CCCD mã vạch như hiện tại, nhưng chị Hương Giang (ở ngõ 175, phố Tôn Đức Thắng, quận Lê Chân, Hải Phòng) vẫn đề nghị cấp CCCD. Chị Giang cho biết: “CCCD gắn chip tôi thấy còn xa vời lắm. Tôi đang có nhu cầu đổi CMND đã hết hạn sử dụng sang CCCD để thực hiện giao dịch mua bán nhà, đất. Tôi chỉ băn khoăn, mình vừa làm CCCD mã vạch xong, sắp tới lại thay đổi CCCD gắn chip thì có phải làm lại không?”.
“CCCD mới nghe nói có nhiều thông tin cá nhân, vậy có đảm bảo yếu tố bảo mật cho công dân trong trường hợp bị mất căn cước?”, anh Tuấn Vũ (trú quận Hồng Bàng) thắc mắc trước đề xuất của Bộ Công an về việc cấp thẻ CCCD gắn chip thay thế cho CCCD hiện tại (mã vạch).
Mới đây, tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước đề xuất gắn chip điện tử vào CCCD, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho rằng, việc cấp thẻ CCCD gắn chip sẽ giúp giảm bớt giấy tờ, thủ tục cho người dân và thuận tiện hơn trong công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, theo ông Hồng, khi triển khai dự án mới sẽ tốn kém, đầu tư chi phí ban đầu lớn.
“Đơn cử dự án làm thẻ căn cước và xây dựng dữ liệu cư dân quốc gia hiện tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, con số để làm thẻ gắn chip chắc chắn sẽ cao hơn, nên trước khi thực hiện cần cân nhắc kỹ”, ông Hồng đề xuất và cho rằng, vấn đề mấu chốt hiện nay là Bộ Công an phải xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì chỉ khi hệ thống này hoàn thiện, kết nối được với các hệ thống dữ liệu của ngành khác thì việc dùng thẻ CCCD gắn chip mới hiệu quả.
CCCD đã cấp không cần phải đổi
Trước những băn khoăn này, Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, đơn vị chủ trì xây dựng dự án cho biết, Bộ Công an bắt đầu cấp thẻ CCCD từ năm 2016, đến nay có 16 tỉnh, thành được trang bị hạ tầng để cấp với trên 16 triệu thẻ. Các tỉnh còn lại, công dân đang sử dụng chứng minh thư 9 và 12 số.
“Thẻ CCCD gắn chip giúp truy vấn thông tin nhanh, thuận lợi hơn; được tích hợp thêm dữ liệu của công dân như bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… để có thể sử dụng cho nhiều giao dịch, giải quyết nhiều thủ tục. Bộ Công an dự kiến trường hợp được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận cấp thẻ gắn chip, các đơn vị sẽ cấp cho công dân đủ 14 tuổi trở lên hay những người cấp lần đầu vào tháng 7/2021”, ông Huệ nói.
Về lý do sao không đề xuất cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử ngay từ đầu, Thiếu tướng Tô Văn Huệ giải thích, khi triển khai Dự án Luật CCCD thì Bộ Công an đã tính toán đến 2 phương án sử dụng mã vạch hay gắn chip.
Tuy nhiên, thời điểm năm 2016 có nhiều hạn chế về hạ tầng kỹ thuật thông tin, kinh phí và nhu cầu của xã hội đối với chip điện tử chưa phổ biến như hiện nay. Ngoài ra, nếu lúc đó sử dụng chip thì phải mua ở nước ngoài với giá thành cao. Hiện nay, một số doanh nghiệp của Việt Nam đã có thể chủ động sản xuất chip nên giá thành giảm đi nhiều.
Về việc người dân băn khoăn nếu mới cấp CCCD (mã vạch), khi chuyển đổi sang CCCD mới (gắn chip) lại phải tiến hành cấp đổi gây phiền hà, lãng phí, ông Huệ khẳng định, người dân vẫn có thể sử dụng CMND 12 số hoặc thẻ CCCD gắn mã vạch đã được cấp tới khi hết thời hạn hoặc tới độ tuổi phải cấp đổi.
Cũng theo ông Huệ, CCCD sẽ không được gắn định vị, điều này đã được quy định rõ, do đó không lo ngại việc lộ, lọt thông tin cá nhân.
Đối với việc bảo mật thì dù công dân có bị mất CCCD thì người khác cũng không thể sử dụng được vì CCCD tích hợp những trường thông tin nhận dạng như vân tay, đặc điểm nhận dạng... Loại thẻ này sẽ lưu trữ các đặc điểm nhận dạng trên khuôn mặt bằng hình ảnh, vân tay ảnh và sinh trắc học...
Bắt đầu từ 1/1/2016, theo Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 thì việc cấp thẻ CCCD có gắn mã số định danh (mã số công dân) được triển khai rộng rãi cho người từ 14 tuổi trở lên và không mất phí, trường hợp đổi và cấp lại sẽ mất từ 50.000 - 70.000 đồng.
Thẻ gồm các thông tin như: Ảnh, số thẻ, họ và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn. Mặt sau có thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận