Ngày 6/3, Đoàn công tác của tỉnh Bạc Liêu do ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn cùng ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành và UBND thành phố Bạc Liêu đã đến kiểm tra hiện trạng di tích Di tích lịch sử đồng hồ Thái Dương (còn gọi là đồng hồ đá).
Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao Sở Xây dựng phối hợp cùng với sở, ngành liên quan và UBND thành phố Bạc Liêu hoàn thiện các bước theo quy định sớm triển khai trùng tu, sửa chữa Di tích đồng hồ Thái Dương, tạo cảnh quan đô thị, thu hút khách du lịch đến với Bạc Liêu.
Di tích lịch sử đồng hồ Thái Dương hơn 100 năm tuổi (tọa lạc trên đường 30/4, phường 3, thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu) do nhà bác học Lưu Văn Lang (1880 - 1969, ở Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), kỹ sư ngành Công Chánh đầu tiên của Nam bộ xây dựng từ đầu thế kỷ XX.
Đồng hồ được xây dựng từ năm 1913 và trở thành chiếc đồng hồ xem giờ bằng ánh nắng mặt trời duy nhất còn sót lại ở Việt Nam. Vị trí đồng hồ nằm tại thành phố Bạc Liêu.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Bạc Liêu, đồng hồ được làm từ chất liệu gạch như đất nung và xi măng, qua thời gian chịu ảnh hưởng nắng, mưa gió nên vật liệu đồng hồ dần bào mòn, bề mặt của chiếc đồng hồ hiện có nhiều vết bong tróc, khó có thể nhận biết đầy đủ vạch phân chia các số La Mã.
Đồng thời, phần nước sơn cũng bị bong tróc, không đảm bảo mỹ quan, ảnh hưởng đến việc xem giờ, cho thấy dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, cần được trùng tu, sửa chữa.
Tính đến nay, tuổi thọ đồng hồ trên 100 năm tuổi, so với quy định tuổi thọ công trình thì di tích cũng đã hết niên hạn sử dụng.
Việc lựa chọn phương án trùng tu đồng hồ rất quan trọng nhằm gìn giữ giá trị di sản của di tích lịch sử đồng hồ Thái Dương; chống xuống cấp, tạo vẽ mỹ quan cho khu vực và thu hút khách du lịch đến tham quan tại khu di tích nói riêng và đến Bạc Liêu nói chung.
Theo dự thảo phương án trùng tu, sửa chữa sẽ vệ sinh bề mặt đồng hồ; phục chế đồng hồ Thái Dương theo hiện trạng, chất liệu bằng đất nung; đào hố khai quật xác định mặt nền ban đầu, gia cố đế móng bằng bê tông cốt thép, đổ bê tông mặt nền, làm bậc tam cấp xung quanh và hệ thống chống ngập.
Đồng thời, bố trí hệ thống chiếu sáng nghệ thuật lên đồng hồ Thái Dương; trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan và cắt tỉa cây xanh xung quanh để có ánh nắng chiếu vào đồng hồ.
Kinh phí thực hiện trùng tu, sửa chữa Đồng hồ Thái Dương khoảng trên 800 triệu đồng.
Đồng hồ Thái Dương có chiều cao khoảng 60cm, bao gồm một trụ hình chữ nhật ở giữa nhô ra và hai bên hai mảng hình vuông màu nâu sậm, trên đó mỗi bên kẻ 6 chữ số La Mã từ 1-6 và từ 7-12. Xung quanh đồng hồ được lát gạch để tạo mỹ quan cho khu di tích.
Buổi sáng, ánh mặt trời chiếu thẳng vào đồng hồ. Nhờ vào trụ hình chữ nhật ở giữa nhô ra tạo thành một vệt đen hiện trên mảng hình vuông kế bên. Vệt đen dừng ở vị trí nào là số giờ của thời điểm đó. Sai số của đồng hồ đá so với các loại đồng hồ hiện nay chỉ khoảng 5 phút.
Năm 2006, UBND tỉnh Bạc Liêu đã quyết định công nhận đồng hồ Thái Dương là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận