Tại đường ven rạch Cả Đôi thuộc ấp Khánh Nghĩa, xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) dài trên 1km, PV Báo Giao thông ghi nhận có hơn 20 hộ dân đang sinh sống hoặc có đất canh tác trong khu vực này, với các loại cây trồng chủ yếu là hoa kiểng, xoài và mít…
Ông Trần Văn Thành (ngụ xã Tân Khánh Đông) cho biết, năm 2019, người dân địa phương đã đóng góp tiền, hiến đất, góp công và vận động các nhà hảo tâm để cùng với chính quyền địa phương xây dựng cầu Cả Đôi 2 và cầu Rạch Đục Miễu (tổng kinh phí hơn 220 triệu đồng) nằm trên tuyến đường ven rạch Cả Đôi.
Nhiều người dân ở ấp Khánh Nghĩa hy vọng, khi có cầu bê tông kiên cố, địa phương sẽ sớm đầu tư làm đường để lưu thông thuận lợi.
Thế nhưng, hai cây cầu (mặt cầu rộng 3,5m) đã xây dựng hoàn thành gần bốn năm qua nhưng công trình đường đến nay vẫn nằm im.
"Muốn phát triển kinh tế - xã hội phải có cầu với đường, do vậy, tôi đã đóng góp kinh phí và tham gia vận động thêm nguồn xã hội hóa đã bắc được hai cây cầu.
Cũng như nhiều người dân trong khu vực ven rạch Cả Đôi, tôi mong chính quyền địa phương giải quyết vướng mắc, sớm làm đường để hệ thống cầu, đường được đồng bộ, phát huy tối đa công năng", ông Thành cho biết thêm.
Bà Huỳnh Thị Vân (ngụ xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, nhiều năm qua, vì đường ven rạch Cả Đôi là con đường đất gồ ghề nên người dân chỉ có thể đi lại, chở hàng hóa bằng xe hai bánh.
Còn mùa mưa thì đường lầy lội, việc lưu thông vất vả hơn nhiều do đường đất nhỏ hẹp, bùn lầy.
"Thời gian qua, khu đất rộng khoảng 1ha của tôi phải bỏ hoang vì đường chưa xây dựng, việc chở hoa cảnh, phân bón rất khó khăn.
Tôi quyết định cho thuê phần đất này nhưng nhiều người đến xem địa thế đều ngại chuyện đường sá nên đến nay khu đất vẫn để cỏ mọc um tùm", bà Vân nói.
Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh Đông thông tin, nguyên nhân khiến việc đường ven rạch Cả Đôi chưa thể thi công dù đã xây dựng cầu là do có một đoạn ở đầu đường dài hơn 50m tiếp giáp với ĐT848 nằm trên đất của hai hộ dân.
Cả hai hộ này không sinh sống ở gần tuyến đường, không có quyền lợi trực tiếp khi công trình được xây dựng nên chưa đồng ý hiến đất làm đường mà yêu cầu phải hỗ trợ chi phí bồi thường.
"Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động hai hộ dân bàn giao mặt bằng để làm đường.
Nếu không được, xã sẽ đề xuất cấp trên nghiên cứu, xem xét có thể đưa tuyến đường ven rạch Cả Đôi vào danh mục công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công để có kinh phí bồi thường và hoàn thiện tuyến đường.
Hoặc từ nguồn kinh phí xây dựng cứng hóa các ô bao sản xuất, địa phương sẽ xây dựng tuyến đường ven rạch Cả Đôi theo hướng kết nối với một tuyến đường khác để không đi qua phần đất đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng", ông Ba nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận