Du lịch

Câu chuyện phía sau 13 thành phố "ma" lớn nhất thế giới

22/02/2020, 19:00

Trên thế giới, nhiều thành phố được xây dựng hiện đại nhưng lại không thu hút được người dân tới sinh sống.

1. Ordos Kangbashi, Trung Quốc

img

Nằm ở Nội Mông, Ordos Kangbashi được xây dựng như một thành phố hiện đại với các tòa nhà cao tầng, sân vận động lớn và nhiều không gian công cộng. Toàn bộ cơ sở hạ tầng được xây dựng trong 10 năm, nhưng thành phố lại không thu hút được người dân tới sống. Hiện tại, phần lớn các tòa nhà ở đây vẫn bị bỏ không.

2. Ashgabat, Turkmenistan

img

Ashgabat được mệnh danh là thành phố có nhiều tòa nhà đá cẩm thạch nhất thế giới. Với diện tích 4,5 triệu m2, thành phố này có 543 tòa nhà được xây dựng từ đá cẩm thạch và nơi đây cũng có vòng đu quay lớn nhất thế giới. Ngày nay, Ashgabat giống như một thị trấn “ma” do văn hóa cô lập ở đây. Turkmenistan là một trong những quốc gia có ít du khách nhất thế giới.

3. Wittenoom, Australia

img

Được thành lập vào năm 1946, Wittenoom từng là một thị trấn mỏ ở Tây Australia. Đến những năm 1950, nơi đây trở thành thị trấn lớn nhất ở vùng Pilbara. Nhưng nhu cầu về quặng amiăng do lo ngại về sức khỏe khiến các mỏ phải đóng cửa vào năm 1966 và phần lớn cư dân chuyển khỏi Wittenoom để tìm công việc khác. Thị trấn này chính thức đóng cửa vào năm 2007.

4. Ruby, Arizona, Mỹ

img

Ruby là một trong những thị trấn bỏ hoang được bảo tồn nguyên vẹn nhất ở Mỹ. Với một khu mỏ được thành lập vào những năm 1870 để khai thác vàng, bạc, đồng, chì và kẽm, Ruby nhanh chóng thu hút nhiều cư dân tới sinh sống và chính thức trở thành thị trấn vào năm 1910. Nhưng các nguồn tài nguyên cạn kiệt, cư dân dần rời bỏ thị trấn trước khi nó chính thức rơi vào tình trạng hoang phế vào năm 1940.

5. Varosha, Đảo Síp

img

Vào đầu những năm 1970, Varosha là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới. Những khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Đảo Síp vào năm 1974, người dân đã bỏ chạy khỏi Varosha. Thành phố này bị bỏ hoang và chịu sự kiểm soát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1974 đến nay.

6. Craco, Italia

img

Thành phố Craco được xây dựng từ trước năm 1060. Trải qua lịch sử hàng nghìn năm, nơi đây đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột. Vào năm 1963, 1.800 cư dân cuối cùng đã rời khỏi thành phố và họ được tái định cư tại thị trấn mới Craco Peschiera. Mặc dù bị bỏ hoang, Craco ngày nay trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Italia.

7. Centralia, Pennsylvania, Mỹ

img

Một nỗ lực dọn rác chôn lấp vào năm 1962 đã vô tình làm cháy mỏ than ngầm dưới bề mặt thị trấn Centralia. Than cháy âm ỉ trong nhiều năm khiến cư dân dần rời bỏ nhà của họ, do lo ngại những hố tử thần xuất hiện và ngộ độc khí CO. Nơi đây chính thức trở thành thị trấn hoang vào năm 1992.

8. Tianducheng, Trung Quốc

img

Tianducheng được xây dựng mô phỏng theo thành phố Paris ở Pháp, bao gồm tòa tháp Eiffel nổi tiếng. Với khả năng phục vụ hơn 10.000 cư dân, thành phố này cho đến nay hầu như không có người sinh sống trừ các nhân viên của một công viên giải trí gần đó.

9. Pripyat, Ukraine

img

Được xây dựng vào năm 1970, thành phố Pripyat là nơi ở của các công nhân làm việc tại nhà máy hạt nhân gần đó. Thành phố có hơn 13.000 căn hộ, trường học đủ chỗ cho 5.000 học sinh, hàng chục cửa hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim, sân thể thao, trung tâm văn hóa, bệnh viện,… Sau thảm họa nổ nhà máy hạt nhân Chernobyl vào năm 1986, toàn bộ cư dân ở thành phố đã được sơ tán và nơi đây vẫn bị bỏ hoang cho đến nay.

10. Đảo Hashima, Nhật Bản

img

Hòn đảo nằm ở ngoài khơi thành phố Nagasaki, từng là nơi sinh sống của 5.000 người, khi các mỏ khai thác than hoạt động ở đây vào năm 1887. Nơi đây giống như một thành phố hiện đại với các tòa nhà cao tầng, rạp chiếu phim, bể bơi, cửa hàng và hộp đêm. Nhưng khi các mỏ đóng cửa vào năm 1974, cư dân trên đảo dần chuyển hết vào đất liền.

11. Oradour-sur-Glane, Pháp

img

Oradour-sur-Glane là một ngôi làng nhỏ ở Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Vào tháng 6/1944, binh sĩ Đức đã tàn sát 642 cư dân trong làng và chỉ ít người còn sống sót. Sau chiến tranh, ngôi làng trở thành biểu tượng tội ác của phát xít Đức và được chuyển thành nơi tưởng niệm và bảo tàng.

12. Bodie, California, Mỹ

img

Vào cuối những năm 1800, Bodie là một thị trấn mỏ đông người sinh sống. Đến năm 1882, dân số tại thị trấn giảm nhanh chóng, khi các công ty khai thác mỏ phá sản và mọi người tìm đến nơi khác để kiếm sống. Thị trấn chính thức trở nên hoang phế vào năm 1940.

13. Kayaköy, Thổ Nhĩ Kỳ

img

Kayaköy từng là một cộng đồng nhộn nhịp với khoảng 2.000 cư dân người Hy Lạp. Vào năm 1923, cuộc chiến tranh Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến người dân ở đây rời bỏ nhà của họ và chạy sang Hy Lạp. Khoảng 350 ngôi nhà và hai nhà thờ vẫn bỏ hoang từ đó cho đến nay và dần bị tàn phá bởi thời tiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.