Khi nói về cầu Hàm Rồng, ắt hẳn ai cũng nhớ đến vùng đất Thanh Hóa. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, dưới những làn mưa bom, bão đạn, bao lần phá rồi lại xây... đến nay cây cầu đã 120 tuổi.
Ngược dòng thời gian, từ những tư liệu lịch sử đang còn lưu giữ của ngành GTVT Thanh Hóa, cầu Hàm Rồng được biết đến là cầu đường sắt duy nhất trên "đường thiên lý Bắc - Nam" qua dòng sông Mã.
Năm 1901, thực dân Pháp xây dựng cầu Hàm Rồng với mục đích tạo tuyến đường sắt xuyên Việt, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc khai thác xứ Đông Dương.
Tuy nhiên, sau khi khảo sát địa chất, các kỹ sư Pháp, Đức, Ý đã không thể xây dựng được trụ cầu vì cấu tạo lòng sông phức tạp, độ chênh nước cao ở đoạn đầu Rồng, núi Ngọc khiến dòng chảy như thác lũ, mặt đá lòng sông nghiêng có độ dốc cao lại nhiều hang động nên khó thi công ngầm.
Cuối cùng, kỹ sư Đayđé và Pilé chọn kiểu cầu vòm - là loại cầu không có trụ giữa mà dùng chốt néo cầu. Và đến năm 1904, cầu Hàm Rồng với lối kiến trúc vòm thép không có trụ đã xây xong, hiện đại nhất Đông Dương thời bấy giờ.
Năm 1946, cầu bị phá hủy theo chủ trương "Tiêu thổ kháng chiến" của Việt Minh nhằm ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược.
Mãi đến năm 1963, cầu được các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ thiết kế và thi công khôi phục lại, trở thành cầu có trụ giữa như hiện nay, với chiều rộng 17m (gần gấp đôi cầu cũ là 9m), gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ.
Cầu được khánh thành đúng dịp sinh nhật lần thứ 74 (19/5/1964) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dù nhiều lần bị giặc Mỹ đánh phá, cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang đứng vững, tựa vào núi Hàm Rồng, soi bóng trên dòng sông Mã, trở thành chứng tích lịch sử quan trọng cho ý chí kiên cường, bất khuất và lòng yêu nước của quân dân xứ Thanh.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đinh Huy Vinh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đường sắt Thanh Hóa cho biết: "Cầu Hàm Rồng là một địa chỉ đỏ từ thời kỳ chiến tranh cho đến ngày nay.
Thời gian qua, chúng tôi luôn cắt cử cán bộ, nhân viên tuần kiểm, bảo dưỡng định kỳ trên đoạn tuyến đường sắt qua cầu Hàm Rồng. Khi phát hiện hư hỏng hay sự cố đều được xử lý ngay để những chuyến tàu chạy qua êm thuận".
Những hình ảnh cầu Hàm Rồng xưa và nay:
Cầu được thiết kế có trụ giữa, 2 nhịp dầm liên kết bu lông cường độ cao với chiều rộng 17m. Mặt cầu gồm có 2 phần: Phần đường sắt và phần đường ô tô chạy 2 bên.
Hình ảnh sụt lún kè đê sông Mã và mố cầu Hàm Rồng năm 2018.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận