Khi con cái ở tuổi vị thành niên hay tuổi dậy thì, việc cha mẹ thấu hiểu và nhận thức các vấn đề rất quan trọng. Nếu cha mẹ hiểu được nhu cầu cảm xúc của con cái, mâu thuẫn giữa 2 bên có thể giảm đi rất nhiều.
Nếu cha mẹ muốn con mình trở nên tốt hơn, họ cần “đọc” được cảm xúc của chúng.
Có người hỏi ông Trương, một chuyên gia giáo dục ở Trung Quốc rằng: “Có quy tắc nào phải tuân theo để cha mẹ có thể sống hòa thuận với con cái không? Điểm mấu chốt là gì?”.
Ông Trương trả lời: “Tôi không thể nói cụ thể một điểm mấu chốt, bởi các tình huống cụ thể ở mỗi gia đình khác nhau”.
Trong nhiều trường hợp, dù biết lý thuyết nhưng khi thực hành với con cái lại không như ý muốn. Đặc biệt đối với trẻ vị thành niên, chúng rất thất thường và không phải lúc nào cũng nghe lời cha mẹ. Vì vậy, giai đoạn này giống như một thách thức trong vấn đề cha mẹ dạy dỗ con cái.
Những thay đổi trong não bộ khi con cái ở tuổi vị thành niên
Các nghiên cứu tâm lý của nhiều chuyên gia ở Mỹ phát hiện ra rằng, tuổi dậy thì sẽ làm thay đổi sự phát triển não bộ, dẫn tới trẻ có những đặc điểm tâm lý riêng ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Đây là giai đoạn mà trẻ rất nhạy cảm và tò mò về nhiều thứ.
So với hầu hết các giai đoạn của cuộc đời, bộ não của thanh thiếu niên phát triển mạnh mẽ về cảm xúc. Những loại cảm xúc thăng trầm, vui buồn sẽ ảnh hưởng tới nội tâm của trẻ.
Các nghiên cứu về thanh thiếu niên đã phát hiện ra rằng, cảm xúc của trẻ bộc phát mạnh mẽ hơn nhiều so với người lớn, ngay cả trong những tình huống bình tĩnh.
Điều này có nghĩa là thanh thiếu niên có nhiều khả năng bộc phát cảm xúc mạnh, ngay cả khi không có gì kích thích họ. Nó giải thích tại sao thanh thiếu niên phản ứng mạnh mẽ với những gì cha mẹ và những người khác nói.
Có một người mẹ chia sẻ về biểu hiện dậy thì của con gái mình khiến nhiều phụ huynh đồng cảm.
Khi thấy căn phòng bẩn thỉu, bừa bộn, quần áo vương vãi khắp nơi, cô liền mắng con: “Làm gì có ai sống được trong một cái phòng kinh khủng như thế này”.
Cô con gái đáp lại: “Con chẳng thấy bẩn chỗ nào cả. Tại sao mẹ lại tự ý vào phòng con rồi đứng đó chê bai đủ thứ hết vậy, mẹ đi ra ngoài đi”. Vừa nói cô bé vừa đẩy mẹ ra khỏi phòng mình.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, kiểu đối thoại này không phải là giao tiếp mà là buộc tội và chỉ trích. Người mẹ không nhận ra cảm xúc và áp lực đằng sau đứa trẻ.
Sau này, qua nghiên cứu người mẹ biết được rằng, môi trường sống của trẻ vị thành niên phản ánh trạng thái của não bộ của chúng. Ví dụ, khi trẻ bị căng thẳng, trạng thái tinh thần và não bộ hỗn loạn, căn phòng cũng bừa bộn.
Khi trọng tâm của giao tiếp là quan tâm đến cảm xúc của con cái, việc cha mẹ hòa hợp với trẻ sẽ hài hòa hơn rất nhiều.
Cha mẹ nên làm gì khi con cái đang ở tuổi vị thành niên?
Một nhóm chuyên gia về tâm lý thanh thiếu niên đều công nhận rằng, rất khó để thay đổi thói quen hành vi của trẻ trong giai đoạn này. Thế nhưng, chỉ cần cảm xúc trẻ được thấu hiểu, hành vi của chúng có thể nhanh chóng được điều chỉnh.
Nếu cha mẹ thấy con cái làm những điều sai, thay vì quan sát cảm xúc của con mình như thế nào, họ thường muốn sửa sai cho con ngay lập tức. Lúc này, trẻ sẽ thể hiện sự phản kháng và chống đối một cách mãnh liệt lại cha mẹ. Còn cha mẹ thì trấn áp con cái bằng những lời nói và hành vi gay gắt hơn, cứ thế tạo thành một vòng luẩn quẩn không ngừng.
Trong gia đình, nếu cảm xúc của trẻ không được chấp nhận và đáp ứng trong một thời gian dài, chúng sẽ che giấu hoặc kìm nén cảm xúc thật của mình, những tác động tiêu cực sẽ kéo theo.
Cha mẹ biết được đây là thời điểm nhạy cảm của con mình, họ chú ý và quan tâm tới cảm xúc của con hơn, tùy theo nhu cầu của con mà biết tiến lùi đúng lúc. Đó là điều mọi đứa trẻ khi bước vào tuổi dậy thì đều khao khát cha mẹ mình có thể thấu hiểu được.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận