Khi bạn sắp trở thành cha mẹ, xu hướng chung là sẽ luôn nung nấu ý định trở thành những phụ huynh tốt nhất cũng như cung cấp tất cả mọi thứ mà con muốn và cố gắng không để chúng cảm thấy thiếu thốn về vật chất.
Tuy nhiên, điều này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn, bởi khi trẻ dễ dàng có ngay những thứ chúng muốn, yêu sách sẽ ngày một đòi hỏi hơn và chúng sẽ dần không biết quý trọng sự cố gắng hay nhận ra tình yêu thương của cha mẹ dành cho chúng.
Đáp ứng vì mặc cảm tội lỗi
Cuộc sống tất bật hiện đại khiến các bậc phụ huynh luôn ở tình trạng bận rộn, với áp lực về công việc và vô số thứ phải lo lắng vô hình chung khiến bạn không có nhiều thời gian dành cho con cái. Cảm giác tội lỗi đó khiến bạn muốn tặng cho con cái mọi thứ mà chúng đòi hỏi và sau đó, chu kỳ lại lặp lại: bạn cần phải làm việc chăm chỉ hơn nữa, để chi trả cho tất cả những đòi hỏi đó.
Điều gì xảy ra khi bạn đáp ứng mọi đòi hỏi của con?
Đánh mất khả năng giành chiến thắng và biết cách đối phó với sự thất vọng
Bạn sẽ biến con thành những đứa trẻ chưa bao giờ phải đối mặt với một khoảnh khắc thất vọng bởi bạn đã luôn ở đó để làm theo mọi điều chúng muốn. Thất vọng là một cảm giác lành mạnh của trẻ và bạn đã lấy đi một công cụ để chúng đối mặt với cuộc sống.
Trong cuộc đời của chúng ta, không phải mọi thứ luôn diễn ra một cách hoàn hảo. Nếu trẻ không được học cách đối phó với sự thất vọng từ sớm, thì chúng sẽ có một thời gian khó khăn khi trở thành người lớn.
Không thể tự mình đi đến thành công
Ý chí và sự kiên trì là những phẩm chất rất tích cực của bất kỳ ai. Nhưng hãy nghĩ về những gì sẽ xảy ra nếu bạn luôn được trao mọi thứ mình mong muốn, thậm chí không cần phải yêu cầu.
Kết quả là trẻ sẽ mất đi sự tập trung, không hiểu được điều quan trọng là phải làm việc chăm chỉ để có được những điều chúng muốn. Trẻ trở nên thụ động, không biết cách chiến đấu cho những gì mình cần, và về lâu dài chúng sẽ không biết phải làm gì để có được điều chúng thực sự muốn.
Mất khả năng đấu tranh để thích nghi
Khả năng phục hồi là một phẩm chất mà bất kỳ ai cũng cần có để vượt qua trở ngại và biết cách thích nghi với thay đổi. Nếu bạn không bao giờ nói không với con, bạn đã ngăn trở trẻ phát triển các kỹ năng xã hội và trí tuệ cảm xúc cần thiết.
Lời khuyên hữu ích
Không cần nói không với tất cả mọi đòi hỏi của trẻ, bạn nên tìm hiểu để biết những gì con thực sự cần và thiết lập ranh giới rõ ràng. Giải thích cho con hiểu rõ lý do tại bạn không đồng ý với đòi hỏi đó. Thoạt đầu trẻ sẽ không phản ứng theo hướng tích cực, nhưng đó là khởi đầu để bé học được cách tự kiểm soát và chấp nhận rằng không phải mọi thứ cứ muốn là được và bé phải làm gì đó để giành chiến thắng.
Cho trẻ thể hiện được trách nhiệm. Hãy để cho con được trải nghiệm cuộc sống đích thực, tham gia làm việc nhà như mọi thành viên khác trong gia đình tất nhiên là xử lý công việc phù hợp với lứa tuổi. Trẻ sẽ học cách đánh giá cao mọi thứ, trở thành người có trách nhiệm và cảm thấy tự hào vì được đóng góp công sức.
Cuối cùng, hãy cố gắng dành nhiều thời gian cho con hơn nữa. Ngay cả khi nó chỉ trong một vài phút thư giãn bên nhau, điều con thực sự cần là được ở bên bạn và được cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc buồn vui.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận