Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
“Nhiều hội, ngành nghề ra đời mời các lãnh đạo nghỉ hưu về làm lãnh đạo rồi đi xin đủ thứ”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật về Hội tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, sáng 22/9.
Công chức chỉ được lập hội khi được tổ chức phân công
Dự thảo Luật về Hội quy định những trường hợp bị hạn chế quyền lập hội gồm có đối tượng là cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc QĐND, CAND. Tuy nhiên, nhiều ĐB lại băn khoăn về việc không đảm bảo quyền công dân của những đối tượng này nếu hạn chế quyền lập hội của họ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đại diện cho cơ quan thẩm tra dự án luật cho biết, các đối tượng trên chỉ được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động các hội có đăng ký, khi được cơ quan có thẩm quyền phân công. “Nghĩa là với các hội không đăng ký, lập ra do tự nguyện, tự quản, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm như các hội đồng hương, đồng môn, hội yêu cây cảnh... thì không ai bị cấm tham gia cả. Thực tế hiện nay cán bộ, công chức cũng tham gia nhiều hội như vậy”, ông Định nói và nhấn mạnh thêm, riêng ở các hội có đăng ký, có tư cách pháp nhân, hoạt động như một thực thể pháp lý, thì các cán bộ, công chức và những người đang làm trong quân đội, công an bị hạn chế.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, mức độ hạn chế là nếu không được phân công thì cán bộ, công chức và những người đang làm trong quân đội, công an không được phép tham gia lãnh đạo, quản lý, sáng lập hội”, ông Định nói.
Giải trình thêm vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng nêu một thực tế: “Nhiều đồng chí chuẩn bị nghỉ hưu thì xin thành lập Ban vận động thành lập hội. Chuyện này rất nhiều nên trong dự thảo Luật về hội, chúng tôi đề nghị đối với cán bộ, công chức lãnh đạo từ cấp vụ trở lên, sau 5 năm nghỉ hưu mới được tham gia thành lập, sáng lập, ban lãnh đạo của hội”.
Đảm bảo nguyên tắc tự trang trải kinh phí hoạt động
Đây là thực tế được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập, phản ánh thực trạng từ khi bà còn giữ chức Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH. “Tôi từng làm Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH nên biết rất rõ chuyện “cứ mỗi thứ trưởng về hưu là có một hội ra đời”. Thực ra các hội này hoạt động rất tốt, huy động nguồn lực xã hội tốt, nhưng quá nhiều thành ra việc đi vận động doanh nghiệp, vận động tài trợ cũng khiến doanh nghiệp than vãn”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh việc Luật này ra đời nhằm quy định nguyên tắc, chính sách, quyền, nghĩa vụ, điều cấm để chúng ta quản lý nhà nước về hội hiệu quả hơn.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh khi luật ra đời thì nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội là tự trang trải kinh phí hoạt động phải được đảm bảo. “Thực tế hiện nay, nhiều hội, ngành nghề ra đời lại mời các lãnh đạo nghỉ hưu về làm lãnh đạo hội, rồi lại đi xin đủ thứ từ trụ sở, xe, đến kinh phí hoạt động. Nhiều bộ trưởng nói với tôi là lo lắm vì bao nhiêu hội cứ “đeo” theo xin tiền”, Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng và nói thêm, việc dự thảo luật về hội nhấn mạnh Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí hoạt động cho hội khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao.
Kết luận lại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đánh giá Dự thảo luật đã được hoàn chỉnh, có thể trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới để thông qua vì không “nợ” dân thêm nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận