Tòa án không phải quyền tài phán của huyện, tỉnh
Phát biểu tại tổ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay về nội dung liên quan đổi mới tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử đang có nhiều ý kiến băn khoăn.
Ông Bình cho biết, về đổi mới tòa án cấp cao, tối cao, thành lập tòa án chuyên biệt thì cơ bản ý kiến các cơ quan thẩm định ủng hộ. Nhưng riêng đổi tòa án cấp tỉnh thành tòa án phúc thẩm và tòa án cấp huyện thành tòa án sơ thẩm vẫn còn nhiều ý kiến.
Giải thích thêm, ông Bình nêu, việc đổi tên này thực hiện theo đúng Nghị quyết 27 của Đảng về tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử.
Thẩm quyền xét xử thì Hiến pháp quy định tòa án có hai cấp là phúc thẩm, sơ thẩm. Trường hợp đặc biệt có giám đốc thẩm, tái thẩm.
Bên cạnh đó, trong lịch sử hình thành tòa án từ năm 1946 và ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 cũng là tòa án sơ thẩm, phúc thẩm.
"Đây không phải câu chuyện mới, bây giờ chúng ta mới nghĩ ra mà từ thời Cụ Hồ lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng đã tổ chức tòa án như thế này. Tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử là đúng bản chất tố tụng, phù hợp thẩm quyền, đảm bảo tính độc lập và cũng phù hợp với tổ chức tòa án quốc tế. Các nước họ cũng tổ chức theo thẩm quyền xét xử", ông Bình nói.
Ông Nguyễn Hòa Bình chỉ rõ ở đây cần hiểu rõ tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, thực hiện quyền tài phán quốc gia chứ không phải quyền tài phán của huyện, tỉnh.
Khi ta tổ chức theo tỉnh, huyện có thể dễ ngộ nhận là tỉnh chỉ đạo huyện về mặt hành chính và như thế không đảm bảo độc lập.
"Việc đổi này đơn thuần là một cái tên nhưng nội hàm là bước tiến lớn, phù hợp với các quy định chung của thế giới, phù hợp với truyền thống pháp lý của chúng ta", ông Bình nêu rõ.
Về ý kiến cho rằng đổi tên như vậy có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác, ông Bình nhìn nhận không có gì ảnh hưởng. Ở đây Đảng giám sát, các cơ quan khác vẫn phối hợp chặt chẽ, không có thay đổi.
"Luật Tố tụng ghi tòa án huyện, tỉnh nhưng trong điều khoản thi hành dự luật chúng tôi đã ghi rõ từ nay trở đi tòa án huyện được hiểu là sơ thẩm, tòa án tỉnh là phúc thẩm. Nếu luật như thế thì các luật khác không có gì phải sửa đổi", ông Bình nhấn mạnh.
Khi năng lực các thẩm phán sơ thẩm nâng lên sẽ giao thêm nhiệm vụ
Có ý kiến tại sao phúc thẩm vẫn xử các vụ sơ thẩm, ông Bình lý giải, theo luật hiện hành là như vậy, bởi những vụ án tham nhũng lớn, huyện chưa đủ năng lực thì đưa lên tỉnh xử.
"Bây giờ gọi là phúc thẩm nhưng vẫn xử sơ thẩm. Điều này căn cứ vào nhiệm vụ chủ yếu của huyện vẫn là xử sơ thẩm, không có gì phải bàn.
Ở tỉnh vẫn chủ yếu xử phúc thẩm, nhưng trong một số trường hợp luật giao thì tỉnh vẫn xử sơ thẩm. Đây là do quy định của luật", ông Bình giải thích.
Ông dẫn chứng ở các nước thì tòa án tối cao vẫn xử sơ thẩm chứ không chỉ xử giám đốc thẩm.
"Chúng ta thấy lâu lâu nước nọ, nước kia bắt Tổng thống, Thủ tướng, nghị sĩ Quốc hội, bộ trưởng thì những chủ thể đặc biệt như vậy sẽ giao cho tòa án tối cao xử.
Với phiên xử sơ thẩm đó thì trước đó có cơ chế trung thẩm tức là sơ thẩm của tối cao đồng thời là phúc thẩm, tức bản án có hiệu lực, không có kháng cáo, kháng nghị. Do đó, không có quan ngại câu chuyện tại sao phúc thẩm vẫn xử sơ thẩm", ông Bình nói thêm.
Trong tương lai, theo ông Bình khi năng lực của tòa án sơ thẩm (tòa án huyện) tốt lên, giỏi, cao thì việc giao cho cấp sơ thẩm xét xử có mức án cao chung thân, tử hình, trên 15 năm là đích hướng đến.
"Chúng ta không đành lòng năng lực của thẩm phán cấp sơ thẩm chỉ dừng lại ở xét xử vụ án với mức án chỉ dưới 15 năm như quy định hiện tại. Thực tế, tòa án cấp quận của Brazil cũng có thể bác bỏ quyết định bổ nhiệm Phó tổng thống.
Ngay một thẩm phán tòa án khu vực của Mỹ thôi cũng bác được sắc lệnh của Tổng thống. Trong tương lai khi năng lực các thẩm phán sơ thẩm nâng lên sẽ hướng tới giao thêm nhiệm vụ", ông Bình nêu rõ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận