Qua thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 nhận thấy cháu Trương Quỳnh C. (27 tháng tuổi, ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) bị điếc bẩm sinh. Sau khi hội chẩn tại Liên chuyên khoa Tai mũi họng – Răng hàm mặt, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, bệnh nhân Trương Quỳnh C. đã được chỉ định cấy điện cực ốc tai vào ngày 25/1 và ca phẫu thuật đã thành công.
Do hoàn cảnh gia đình cháu bé 27 tháng tuổi trên đặc biệt khó khăn, chi phí phẫu thuật cao, đặc biệt là chi phí mua máy điện cực ốc tai vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã tài trợ 50 triệu đồng, đồng thời đã kêu gọi tài trợ từ Viện thẩm mỹ LA RATIO ở TP.HCM với số tiền 100 triệu đồng và được sự tài trợ một phần tiền máy từ Công ty MED-EL.
Theo Bệnh viện Trung ương Huế, căn bệnh điếc bẩm sinh khiến hàng trăm nghìn trẻ em Việt Nam không thể nghe, nói và phải sống một cuộc đời lặng lẽ. Kỹ thuật cấy điện cực ốc tai đã mở ra cơ hội giúp trẻ khiếm thính được sống như một người bình thường. Nếu không được can thiệp y học sớm, trẻ sẽ bị điếc, câm vĩnh viễn và sống cuộc đời khuyết tật trong hình thù lành lặn.
Cấy điện cực ốc tai là gì?
Cấy điện cực ốc tai là phương pháp phẫu thuật hiện đại đưa toàn bộ các chuỗi điện cực vào trong ốc tai với mức độ an toàn vô trùng tuyệt đối. Với chiếc điện cực ốc tai này bệnh nhân nghe được âm thanh từ mọi dải tần số khác nhau. Sau đó, qua quá trình huấn luyện, họ sẽ nghe, nói gần như người bình thường.
Để kỹ thuật cấy điện cực ốc tai hiệu quả thì bệnh nhân phải được cấy trước 5 tuổi, vì sau 5 tuổi thì hiệu quả sẽ không được như mong muốn. Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ngành Y không ngừng phát triển, việc triển khai những kỹ thuật cao là cần thiết.
Trong thời gian gần đây, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang và trang thiết bị y tế hiện đại. Trên cơ sở đó, liên chuyên Khoa Tai mũi họng - Răng hàm mặt Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 được sự quan tâm và hỗ trợ của lãnh đạo bệnh viện đã triển khai mổ cấy điện cực ốc tai - cứu tinh của trẻ điếc bẩm sinh. Đây là một trong những kỹ thuật cao, lần đầu tiên được triển khai tại Bệnh viện Trung ương Huế, đem đến cho trẻ em câm điếc bẩm sinh một tương lai mới, sớm hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa, có thể trở lại đi học ở các trường bình thường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận