Dự án đầu tiên không vượt tổng mức đầu tư
Nhà thầu Phương Thành thi công rải thảm bê tông nhựa nóng tại đèo Pha Đin
Gần 20 năm kể từ khi dự án nâng cấp QL6 đầu tiên (Hòa Bình - Sơn La) hoàn thành, ký ức những tháng ngày “ăn cơm nắm, bám đèo, cheo leo sườn núi” vẫn chưa khi nào phai mờ trong tâm trí ông Triệu Khắc Dũng, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng và chất lượng công trình giao thông (nay là Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ GTVT).
Những năm 1997 - 1998, QL6 mặt đường chỉ rộng 3,5m, nền rộng 5,5m. Các đoạn đường qua đèo Thung Khe, Chiềng Đông, Sơn La, Pha Đin… quanh co, số khúc cua tay áo đếm không xuể.
“Thời điểm ấy, nghĩ đến chuyện lên Tây Bắc ai cũng ái ngại khi thời gian đi từ Hà Nội đến Điện Biên mất tới 3 ngày với xe khách và 5 ngày với xe tải”, ông Dũng nhớ lại và cho biết, để đánh thức tiềm năng khu vực và phục vụ xây dựng hệ thống thủy điện Sơn La, việc nâng cấp, cải tạo mở rộng QL6 đặt ra cấp thiết.
Dự án đầu tiên được nghiên cứu là đoạn Hòa Bình - Sơn La (Km78 - Km321) với quy mô mặt đường 7m, nền rộng 9m. Bán kính đường cong qua các khu vực như: Dốc Cun, đèo Thung Khe, đèo đá Mộc Châu, đèo Chiềng Đông… được yêu cầu phải được mở rộng, thay vì bó hẹp trong bán kính 15-20m.
Khoảng năm 1998 - 1999, khi đang làm ở Công ty CP Tư vấn thiết kế đường bộ (Heco - đơn vị thành viên của TEDI), từ dự án cải tạo đèo Đá Đẽo (Quảng Bình), ông Dũng được TEDI yêu cầu quay lại Hà Nội làm chủ nhiệm đề án nghiên cứu thiết kế nâng cấp QL6.
Việc nâng cấp từng được Heco báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT khi ấy là Thứ trưởng Phạm Quang Tuyến nhưng không thành. Nguyên nhân do phương án đưa ra không cải tạo được tất cả các đường đèo, chấp thuận bán kính đường cong rất nhỏ (20 - 25m).
“Tiếp nhận công việc, sau khoảng 1 tháng thực địa, báo cáo được chúng tôi hoàn thiện, thuyết trình với thứ trưởng lần hai. Sau 1,5 tiếng báo cáo, tường minh tất cả các vấn đề, phương án nhận được sự đánh giá cao”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, ở giai đoạn đầu nâng cấp QL6, việc cải tạo đường qua đèo Thung Khe là khó nhất. Yêu cầu đầu tiên đối với đoạn tuyến này là phải cấm đường, đảm bảo ATGT trong lúc nổ mìn phá đá.
Phương án giao thông ngoại tuyến nhanh chóng được triển khai trước khi khởi công cải tạo QL6. Hướng tuyến được xây dựng từ QL32 đến Thu Cúc, Đèo Khế (Phú Thọ) theo QL37 qua Bắc Yên, Phù Yên nhập vào Cò Nòi lên Tây Bắc.
Dự án nâng cấp QL6 đoạn Hòa Bình - Sơn La và đoạn Sơn La - Tuần Giáo sau này gần như là dự án đầu tiên của ngành GTVT không vượt tổng mức đầu tư. Kết quả này có được nhờ bước nghiên cứu được đơn vị tư vấn làm rất kỹ.
Ròng rã trong 6 - 12 tháng, các khu vực khó khăn qua đèo lớn đều có 2-3 tổ công tác nằm ở hiện trường, ngày đi đo đạc, tối về nghiên cứu phương án điều chỉnh từng cánh tuyến, đường cong.
Lập kỳ tích trên đỉnh Pha Đin
Theo ông Triệu Khắc Dũng, trong lúc dự án nâng cấp QL6 đoạn Hòa Bình - Sơn La đang triển khai, đoạn Sơn La - Tuần Giáo và Tuần Giáo - Lai Châu tiếp tục được chủ trương nghiên cứu đầu tư nâng cấp để phục vụ thủy điện Lai Châu.
Đoạn Sơn La - Tuần Giáo (Km321 - Km406) được ưu tiên nghiên cứu cải tạo trước bởi lúc đó giao thông qua đèo Pha Đin rất khó khăn.
Cung đường đèo dài 32km khi ấy có gần chục khúc cua tay áo bán kính nhỏ (10 - 15m). Nhiều đoạn có độ dốc dọc rất lớn, kéo dài liên tục, từ 12-15%, cục bộ có điểm tới 19%.
Địa hình khó khăn, các nghiên cứu trước đây đều cho rằng không thể cải tạo cung đường qua Pha Đin mà nên chọn phương án tránh con đèo này. Heco tiếp tục được giao nghiên cứu.
“Sau những ngày lặn lội từ sáng sớm trên đỉnh đèo, mất hàng chục tiếng qua nương, rừng xuống Tuần Giáo để khảo sát hướng tuyến, tôi khẳng định, việc cải tạo đường qua đèo Pha Đin có thể làm được.
Giữa những luồng ý kiến trái chiều, năm 2001, đoàn công tác của Bộ GTVT một lần nữa hành quân lên Pha Đin. Căn cứ thông tin thực tế và tài liệu liên quan, việc cải tạo QL6 qua đèo Pha Đin được chấp thuận”, ông Dũng nhớ lại.
Nhớ về những ngày bám đèo Pha Đin mở đường thắng lợi, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) cho biết, với cơ duyên từng tham gia thi công nhiều dự án giao thông miền núi phức tạp, Phương Thành Tranconsin được lựa chọn thi công gói thầu số 8 (Km379 - Km385) nằm trọn trên đỉnh Pha Đin.
Bắt tay vào thực hiện dự án (khoảng năm 2007), thách thức lớn nhất với nhà thầu là vừa thi công, vừa phải đảm bảo giao thông trên tuyến thông suốt.
Ông Khôi cũng không quên sự khắc nghiệt của thời tiết miền sơn cước. Mùa đông, mùa xuân thì mưa phùn, trời rét căm căm. Có lúc nhiệt độ trên đỉnh đèo xuống độ âm, đun rau không chín, nấu nước không sôi. Công nhân vừa làm vừa phải đốt lửa sưởi ấm.
Đèo dốc cheo leo, công tác huy động vật liệu cũng là một thách thức. Quá trình thi công, nhà thầu phải sang tận Tuần Giáo mua vật tư, vật liệu. Trên cung đường dốc ngược với độ dốc 9-10%, mỗi chuyến xe chỉ chở được 7-8m3 vật liệu thi công thay vì 12-15m3/chuyến như chạy đường bằng.
“Để tối ưu thời gian huy động vật liệu thi công, trạm trộn bê tông xi măng, bê tông asphalt cũng được đặt ngay trên đỉnh đèo”, ông Khôi chia sẻ.
Xác định địa chất khu vực đèo Pha Đin rất phức tạp khi nền đường có nước ngầm phía dưới, nếu không giải quyết được, kết cấu áo đường có tốt đến mấy vẫn bị phá hoại. Việc xử lý mái dốc taluy âm, taluy dương nếu không đúng, trúng, có làm tường chắn vẫn sẽ sụt trượt.
Từ kinh nghiệm làm nhiều đường miền núi, Phương Thành đã cùng chủ đầu tư, tư vấn đưa ra giải pháp làm rãnh thấm, tường chắn có tầng lọc ngược.
Trải qua 20 tháng thi công, đến năm 2008, Phương Thành Tranconsin không chỉ đưa gói thầu số 8 về đích đúng tiến độ mà còn tham gia cứu trợ gói thầu 12 (Km403 - Km406) bị chậm.
“Sau 15 năm đưa vào khai thác, đến nay, QL6 qua đèo Pha Đin công trình vẫn đảm bảo chất lượng, mặt đường êm thuận, không bị nún lứt, taluy không hề bị sụt trượt”, ông Khôi trải lòng.
QL6 là con đường chính nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc của Việt Nam, với chiều dài toàn tuyến là 504km.
Tháng 3/2005, QL6 đoạn từ Hoà Bình đi Sơn La được nâng cấp. Tiếp đó đoạn từ đèo Sơn La qua đèo Pha Đin đến Tuần Giáo, Điện Biên. Cuối năm 2010, đoạn từ Tuần Giáo đến Mường Lay, Lai Châu được cải tạo mở rộng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận