Đường bộ

Chi phí GPMB để nâng cấp 7km QL91 dự tính hơn 7.000 tỷ đồng

14/04/2023, 20:14

Mỗi căn nhà mặt tiền trên QL91 có giá bồi thường rất cao nên chi phí GPMB cho dự án mở rộng 7km tuyến đường này sẽ mất hàng ngàn tỷ đồng.

Ngày 14/4, liên quan đến dự án Mở rộng và nâng cấp QL91 (đoạn Km0 - Km7), ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ cho biết, dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đề xuất và chưa có nguồn vốn để thực hiện. Sở đã nghiên cứu và đề xuất rất nhiều phương án để triển khai dự án này.

img

QL91 đoạn qua quận Bình Thủy, TP Cần Thơ

Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết thêm, dự án đang trong giai đoạn trình Quốc hội.

"Nếu dự án được bố trí vốn để thực hiện thì chi phí đền bù rất cao. TP đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất khảo sát lại và dự kiến mất khoảng hơn 7.000 tỷ đồng cho chi phí đền bù. Còn chi phí xây lắp chỉ khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng. Mỗi căn nhà ở mặt tiền đường này và đất bồi thường trên dưới chục tỷ đồng", ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, nếu thuận lợi Cần Thơ sẽ được bố trí trong đợt 1, khoảng hơn 3.000 tỷ đồng để tập trung triển khai trong 2 năm 2023 và 2024.

Hồi tháng 3, UBND Cần Thơ có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - Trần Việt Trường về việc đầu tư nâng cấp, cải tạo QL91 (đoạn Km0 - Km7).

UBND TP giao Trung tâm Phát triển quỹ đất TP phối hợp với các quận Ninh Kiều, Bình Thủy thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

img

Chi phí GPMB cho dự án này ước tính trên 7.000 tỷ đồng do nhà, đất mặt tiền tuyến QL này có giá rất cao

Sở GTVT chủ động trong việc thực hiện các thủ tục để chuẩn bị đầu tư, đảm bảo đúng trình tự, lập kế hoạch tiến độ triển khai cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Sở GTVT cũng phối hợp Sở TN&MT, KH&ĐT, 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy tham mưu đề xuất phương án tái định cư.

QL91 qua TP Cần Thơ dài gần 51km được Bộ GTVT đầu tư nâng cấp, mở rộng với 3 dự án (3 đoạn). Trong đó, đoạn Km7 - Km14 và đoạn Km14 - Km50+889 đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2015.

Riêng đoạn Km0 - Km7 được UBND TP Cần Thơ phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư 1.398 tỷ đồng sử dụng vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ.

Khi đang triển khai bồi thường, hỗ trợ thì dự án bị đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ.

Bộ GTVT bàn giao cho UBND TP Cần Thơ quản lý kể từ ngày 1/1/2008 và được đặt tên là đường Cách Mạng Tháng Tám và Lê Hồng Phong.

Tại Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30/8/2021, Chính phủ giao UBND TP Cần Thơ là cơ quan chủ trì thực hiện dự án này trong giai đoạn 2021-2030 bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động khác.

Tháng 7/2022, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP Cần Thơ rà soát, bố trí số vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025 của TP và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai, thực hiện dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.