Y tế

Chiến lược 5 bước để cai thuốc lá thành công

09/12/2021, 18:00

Có rất nhiều người muốn bỏ thuốc lá và đã bỏ được dễ dàng trong lần cố gắng đầu tiên nhưng chẳng bao lâu sau đó lại bị tái nghiện.

Rất nhiều người muốn bỏ thuốc lá và đã bỏ được dễ dàng trong lần cố gắng đầu tiên nhưng chẳng bao lâu sau đó lại bị tái nghiện.

Tuy nhiên, trên thế giới đã có hàng triệu người bỏ thuốc lá thành công với chiến lược 5 bước.

img

Chất gây nghiện nicotine có trong cả cây thuốc lá tự nhiên lẫn khói thuốc lá Ảnh: Tạ Hải

Nguyên nhân khiến bỏ thuốc lá khó khăn

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lợi ích của cai thuốc lá là rất rõ ràng thế nhưng để thực hiện thì lại không dễ dàng chút nào.

Cai thuốc lá không đơn giản chỉ là việc từ bỏ một thói quen lâu ngày. Chất nicotine có trong thuốc lá chính là một chất gây nghiện, nó tác động lên não theo cách tương tự như heroin và cocain, tạo ra cảm giác sảng khoái.

Vì lẽ đó, có rất nhiều người muốn bỏ thuốc lá và đã bỏ được dễ dàng trong lần cố gắng đầu tiên nhưng chẳng bao lâu sau đó lại bị tái nghiện.

“Nicotine có trong cả cây thuốc lá tự nhiên lẫn khói thuốc lá. Sau khi hít phải khói thuốc, nicotine sẽ được hấp thụ vào máu tại niêm mạc phổi. Sau đó nicotine sẽ đi đến nhiều bộ phận của cơ thể, trong đó có não bộ. Đây là nguyên nhân chính khiến cho thuốc lá khó bỏ, là chất gây nghiện cực mạnh”, Ths. Vũ Thị Minh Thu, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y tế (Cục Y tế GTVT) nói và cho biết thêm, cai thuốc lá không những khó khăn do lệ thuộc nicotine, người ta nhận thấy người nghiện thuốc lá còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý xã hội khác.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho rằng, chất nicotine làm việc hút thuốc lá trở thành một trong những thói quen khó bỏ nhất.

Mức độ khó bỏ tương tự như việc phải từ bỏ heroin. Một nghiên cứu của hiệp hội này cho thấy, khoảng 70% những người hút thuốc nói rằng họ muốn bỏ thuốc lá và khoảng một nửa số đó cố gắng từ bỏ thuốc lá mỗi năm, nhưng chỉ có 4 -7% thành công mà không cần sự giúp đỡ.

Nghiện thuốc lá được xem là một tính cách xã hội phức tạp, là sự kết hợp giữa các thói quen, suy nghĩ, tình cảm, các hoạt động và công việc hàng ngày.

Có nhiều người hút thuốc lá vì thói quen và thói quen này dường như gắn liền với các công việc hàng ngày ở nhà cũng như ở nơi làm việc…

Những người hút thuốc cũng có thể liên kết việc hút thuốc với các thói quen khác, nên ngưng hút đồng nghĩa với việc thay đổi nhiều thói quen.

Ngoài ra, vì hành động hút thuốc như một dấu hiệu giải tỏa tâm trạng, việc bỏ thuốc sẽ càng khó khăn hơn.

Các nhà nghiên cứu gần đây đã xem xét 28 nghiên cứu khác nhau đối với những người cố gắng từ bỏ sử dụng các chất họ bị nghiện.

Trong các trường hợp không được hỗ trợ cai nghiện, khoảng 18% có thể bỏ rượu và hơn 40% là có khả năng bỏ thuốc phiện hoặc cocain, nhưng chỉ có 8% có thể bỏ hút thuốc lá.

Chiến lược 5 bước

Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) chỉ ra rằng, thèm hút thuốc lá là triệu chứng nổi bật nhất của việc cai thuốc lá.

Thường bắt đầu trong vòng 1-2 giờ sau lần hút cuối cùng, đạt đỉnh sau vài ngày, có thể kéo dài vài tuần. Dần dần, các cơn thèm sẽ cách xa nhau nhưng những cơn thèm thuốc nhẹ có thể kéo dài trong 6 tháng.

Khi ngừng nicotine đột ngột, não sẽ không còn tiết ra hormone “hạnh phúc” dopamine như thường lệ. Ban đầu, bạn sẽ rất khó chịu nhưng từ từ cơ thể sẽ thích nghi.

Để có thể chống chọi với khoảng thời gian khó khăn này, người cai hãy nhai kẹo cao su hoặc đi bộ để quên cơn thèm thuốc.

Trước hiện tượng bị ho dai dẳng sau khi cai thuốc lá, Trưởng phòng nghiệp vụ Y tế (Cục Y tế GTVT) phân tích, điều này cho thấy phổi đang tốt hơn, không có gì nguy hiểm.

“Khi hút thuốc lá, các lông mao ở đường thở sẽ bất hoạt và xẹp xuống. Khi bạn bỏ thuốc, lông mao sẽ khôi phục lại hình dạng và chức năng của chúng, giúp đẩy các chất độc ra khỏi phổi. Đây là nguyên nhân vì sao bạn ho trong giai đoạn cai thuốc lá. Để giảm tình trạng ho, bạn có thể uống nhiều nước, dùng mật ong hoặc các thuốc trị ho không kê đơn”, bà Thu lý giải.

Theo chuyên gia y tế, trong quá trình cai thuốc, người cai có thể có các triệu chứng giống cảm cúm như: Sốt nhẹ, khó chịu, viêm xoang, ho, đau nhức cơ thể…

Đây chỉ là phản ứng của cơ thể đối với những thay đổi đột ngột. Các triệu chứng này thường sẽ biến mất sau một vài ngày.

Người cai có thể dùng thuốc giảm đau hoặc hạ sốt để giảm triệu chứng tuy nhiên vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ vì các loại thuốc này đều có tác dụng phụ nhất định.

Căng thẳng và dễ kích động là những triệu chứng thường thấy khi cai thuốc lá, gây ra bởi sự rối loạn nghiêm trọng của hệ nội tiết.

Điều này không chỉ gây ra những thay đổi tâm trạng, bao gồm cả những cơn nóng giận bùng phát đột ngột và phi lý, mà còn kích hoạt những thay đổi sinh lý ngắn hạn, như tăng huyết áp và nhịp tim.

Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ có vấn đề về trí nhớ, khó tập trung và chóng mặt.

Để khắc phục tình trạng này, người cai nên tự nhắc mình đây chỉ là những cảm xúc nhất thời; Tham gia các hoạt động vui vẻ cùng bạn bè như nói chuyện, dùng bữa trưa, xem phim, hòa nhạc; tập thể dục, thể thao.

Tránh uống cà phê, soda hoặc trà. Dùng các kỹ thuật thư giãn như massage, ngâm mình trong nước ấm hoặc hít sâu bằng mũi rồi thở ra bằng miệng...

Mặc dù khó khăn, trên thế giới đã có hàng triệu người bỏ thuốc lá thành công. Chương trình vận động ngưng hút thuốc lá của Tổ chức Sức khỏe Thế giới đưa ra chiến lược ngưng hút thuốc lá gồm 5 bước và người muốn cai thuốc lá được khuyến khích đi từ bước này sang bước khác để đạt được thành công.

Chiến lược 5 bước bao gồm: Bước 1: Chưa có ý định cai thuốc lá; bước 2: Có ý định cai thuốc lá; bước 3: Chuẩn bị kế hoạch; bước 4: Thực hiện cai thuốc lá; bước 5: Củng cố kết quả đạt được, chống tái nghiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.