Điện ảnh

Chiến lược khôn ngoan của điện ảnh Hàn Quốc

09/06/2021, 07:05

Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến điện ảnh thế giới ngưng trệ, hàng loạt dự án của Hàn Quốc vẫn được nhiều nước mua bản quyền.

img

Mine - tác phẩm với sự tham gia của bộ đôi nữ chính Lee Bo Young và Kim Seo Hyung đạt rating trung bình trên toàn quốc là 9,4%, đánh dấu mức cao nhất mọi thời đại

Theo báo cáo từ Viện Phát triển xã hội thông tin Hàn Quốc, xuất khẩu phim truyền hình K-drama đạt 273,27 triệu USD trong năm 2019, tăng 11% so với 241,89 triệu USD năm 2018.

Hai năm trở lại đây, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến điện ảnh thế giới ngưng trệ, hàng loạt dự án của Hàn Quốc đã hoặc đang được nhiều nước mua bản quyền làm lại.

Tháng 3/2021, Philippines phát sóng phiên bản làm lại (remake) “Gặp gỡ” của đài tvN với sự tham gia của bộ đôi Song Hye-kyo và Park Bo-gum. Một bộ phim kinh dị - lãng mạn khác “Let’s Fight, Ghost” (2016) cũng được Thái Lan remake và thu hút đông đảo người xem. Gần đây nhất, Mỹ thông báo sẽ làm lại bộ phim kinh dị gay cấn của OCN là “Trap” và “Hotel del Luna”.

Còn Studio Dragon cho biết sẽ hợp tác sản xuất bộ phim truyền hình dài tập có tựa đề The Big Door Prize với Công ty Skydance Television của Mỹ cho Apple TV +. Đây là là lần đầu tiên một nhà sản xuất Hàn Quốc có cơ hội thực hiện một bộ phim truyền hình gốc Hoa Kỳ phục vụ khán giả toàn cầu.

Thực tế, từ khoảng 10 năm trở lại đây, Chính phủ Hàn Quốc luôn đặt chiến lược phát triển văn hóa là yếu tố then chốt với những nguyên tắc, mục tiêu rõ ràng, thông qua các cơ quan đa phương, tổ chức chính phủ, phi chính phủ…

Theo giới chuyên môn, để đạt được những thành công hiện tại, chắc chắn không thể thiếu sự mạo hiểm và tầm nhìn xa của các nhà làm phim Hàn Quốc. Để đa dạng nội dung, họ không ngại đưa vào sản xuất một loạt tác phẩm mới lạ, nhất là thể loại khoa học viễn tưởng, zombie tốn kém kinh phí. Sự thành công của “Mine”, “Penthouse”, “Vincenzo”… với nội dung không ngại đụng chạm tới các vấn đề xã hội nhức nhối như tham nhũng, cuộc chiến tranh giành quyền lực, sự phân cấp giàu nghèo, bạo lực tình dục… đã chứng minh cho điều này.

Trên Korea Times, chuyên gia phê bình phim Yun Suk- jin lý giải: “Không giống các bộ phim truyền hình Nhật Bản có nhịp độ chậm và tràn ngập những cuộc trò chuyện trần tục hay các bộ phim truyền hình Trung Quốc có cốt truyện lỏng lẻo và thiếu tính liên kết, phim truyền hình Hàn Quốc xây dựng nội dung kịch tính, lôi cuốn cảm xúc của khán giả”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.