An ninh hình sự

Chiêu thức tinh vi “phù phép” xe gian kiếm lời chục tỷ

05/04/2024, 06:33

Với chiêu thức tinh vi, các nhóm đối tượng "hô biến" những chiếc xe cũ thành xe mới, làm giả giấy tờ rồi đem bán lại. Nhiều người mua không mảy may nghi ngờ, đến khi công an gọi lên làm việc mới tá hỏa.

"Khai sinh" xe máy không giấy tờ để bán lại

Cuối tháng 1 vừa qua, Công an TP.HCM triệt phá đường dây mua xe máy đã qua sử dụng đục lại số khung, số máy rồi "phù phép" thành xe mới để bán ra thị trường.

Chiêu thức tinh vi “phù phép” xe gian kiếm lời chục tỷ- Ảnh 1.

Chiếc xe gian bị CSGT Hà Nội tạm giữ do gắn biển số của phương tiện khác.

Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can các đối tượng Bùi Văn Tân (SN 1983, chủ hệ thống cửa hàng xe máy Tân Tiến ở Bình Chánh, TP.HCM), Nguyễn Sỹ Toàn, Nguyễn Thị Kiều Oanh và nhiều đồng phạm. Trong đó, Bùi Văn Tân giữ vai trò cầm đầu.

Thủ đoạn của nhóm này là sau khi bán xe máy mới cho khách, Toàn và Oanh giữ lại rất nhiều phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của các hãng xe. Tiếp đó, Tân mua lại các phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.

Để hợp thức phiếu này, Tân thu mua xe máy cũ, xe không rõ nguồn gốc (không có giấy tờ đăng ký) tại các hiệu cầm đồ hoặc mua trên mạng xã hội. Sau đó, thuê người đục lại số khung, số máy sao cho trùng khớp với thông tin ghi trên phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.

Cuối cùng, Tân và đồng bọn "phù phép" lại thành xe mới bằng cách móc nối với các đối tượng môi giới để làm dịch vụ đăng ký xe mô tô. Như vậy, hàng nghìn chiếc xe gian bỗng hóa thành xe có giấy tờ trước khi được bán ra thị trường.

Cũng với thủ đoạn làm giả giấy tờ, đường dây của Nguyễn Kim Long (SN 1980, ở Hà Tĩnh) và đồng phạm lại tinh vi hơn khi nhập khẩu trái phép phôi giấy tờ giả đăng ký xe, bằng lái ô tô… từ nước ngoài về Việt Nam.

Sau đó, các đối tượng tìm người cần làm giấy tờ giả để hợp thức hóa những xe ô tô cũ không rõ nguồn gốc, xe đang thế chấp tại ngân hàng. Từ đây, xe gian được tiêu thụ ra thị trường, qua đó các đối tượng thu lợi bất chính tới 15 tỷ.

Biến xe gian thành xe chính chủ

Trước đó, Công an quận Long Biên, TP Hà Nội phát hiện một ổ nhóm trộm cắp, tiêu thụ xe máy chuyên nghiệp trên địa bàn quận. Nhóm này thường chọn trộm cắp, tiêu thụ xe máy hạng sang, đắt tiền rồi làm giả đăng ký xe, giấy chứng minh nhân dân, bằng lái xe… để bán xe theo dạng chính chủ với giá cao.

Thủ đoạn của nhóm này là thường rêu rao "nhà có việc, cần tiền gấp" nên muốn bán xe. Giá xe chỉ rẻ hơn một chút so với giá thị trường. Cũng vì thế, khách mua xe đều chắc mẩm mua được hàng chính chủ nên cũng ít người đi sang tên. Chỉ tới khi đường dây bị cơ quan chức năng triệt phá, những người mua xe được công an triệu tập họ mới ngỡ ngàng biết mình đã tiêu thụ xe gian.

Cuối tháng 3 vừa qua, Công an tỉnh Hải Dương cũng bắt giữ 3 đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn rao bán xe máy giá rẻ qua mạng. Các đối tượng này thường lên mạng tải hình ảnh các dòng xe máy phổ biến trên thị trường về rồi đăng lên các hội nhóm facebook có nhiều thành viên, chạy quảng cáo với nội dung "bán xe máy không giấy tờ giá rẻ, giao hàng tận nơi"...

Khi có người muốn mua xe, các đối tượng sẽ kết bạn qua tài khoản zalo, tư vấn xe để khi khách chọn được, sẽ yêu cầu chuyển tiền đặt cọc. Khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng tiếp tục đóng vai người giao hàng liên tục gọi điện cho bị hại thông báo về tiến độ vận chuyển, yêu cầu khách thanh toán rồi sau đó chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã nhận.

Mua bán, sử dụng xe gian dễ vướng lao lý

Theo một chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, để "lật tẩy" được gốc tích của những chiếc xe gian, lực lượng chức năng thường phải sử dụng nghiệp vụ để tìm ra những dấu vết khả nghi trong hồ sơ, đồng thời kiểm tra thực tế phương tiện đó.

Cán bộ này cũng cho biết, việc khó khăn nhất là xác minh, đọc vị dấu vết đã bị tẩy xóa của những chiếc xe máy đã đục số khung, số máy hoặc soi giấy đăng ký xe. Thậm chí, nhiều chiếc xe máy cũ bị tẩy xóa số máy, số khung nên không xác định được thông số.

Khi đó, cơ quan chức năng phải phối hợp tiến hành trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự, sử dụng cả chất hóa học để tìm ra thông số mà nhà sản xuất in trên thân xe.

Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua bán, sử dụng, lưu hành các loại xe máy không có giấy tờ, xe không rõ nguồn gốc hoặc xe bị làm giả biển số, giấy đăng ký.

Những chiếc xe gian này khi tham gia giao thông nếu bị cảnh sát phát hiện, tài sản sẽ bị tịch thu. Còn người liên quan có thể phải chịu trách nhiệm về hình sự, hoặc bị xử phạt hành chính do dính líu đến hành vi mua bán, sử dụng xe gian.

Cách nào để tránh mua phải xe gian?

Theo luật sư Hà Thị Khuyên (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Nghị định 100/2019 quy định, lỗi điều khiển xe gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp bị phạt 4-12 triệu (đối với xe ô tô), 300 nghìn - 4 triệu đồng (nếu là xe máy). Nếu hành vi làm giả hoặc sử dụng biển số xe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật, người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để tránh gặp rắc rối về pháp lý, luật sư khuyến cáo người dân khi sử dụng xe máy cũ, nhất là các trường hợp kinh doanh xe cũ cần lưu ý, xe máy gắn biển 5 số mặc định là biển số định danh của người đang đứng tên trên giấy đăng ký xe, không phải người đang sử dụng.

Do biển số định danh chỉ áp dụng với biển 5 số, nên xe đã đăng ký biển ba hoặc bốn số trước đây vẫn tiếp tục được phép tham gia giao thông. Vì vậy, người dân cần lưu ý, đặc biệt với các xe gắn biển ba hoặc bốn số. Để tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, người mua cần có kỹ năng kiểm tra, hoặc có thể nhờ cơ quan quản lý phương tiện hỗ trợ xác minh nguồn gốc trước khi mua bán, sử dụng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.