Ngày 1/7/2017 là thời điểm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô được chính thức đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện - Ảnh: Tạ Tôn |
Đã hơn bốn tháng trôi qua kể từ thời điểm các điều kiện kinh doanh dưới hình thức thông tư bị bãi bỏ từ ngày 1/7/2016, song đến nay, Thông 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 của Bộ Công thương quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.
Thực tế cho thấy, kể từ khi ban hành năm 2011 đến nay, Thông tư 20 đã góp phần quan trọng thiết lập trật tự thị trường ôtô nhập khẩu; Đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi xe… Tuy nhiên, bên cạnh đó, Thông tư 20 cũng được cho chưa phải là giải pháp toàn diện và tốt nhất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông như: Chỉ mới điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống; Chỉ mới áp dụng cho hàng nhập khẩu; Không điều chỉnh xe đã qua sử dụng, xe quà biếu, quà tặng…
Cuối tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Thông tư 20 có những việc không tốt và bỏ Thông tư 20 thì phải có biện pháp thay thế để quản lý tốt hơn các vấn đề thị trường và xã hội phát sinh”. Song đến nay, cơ quan đầu mối là Bộ Công thương vẫn chưa đề xuất, đưa ra được bất cứ văn bản pháp lý nào nhằm hoàn thiện chính sách quản lý thị trường ôtô. Điều này khiến chính các cơ quan quản lý cũng lúng túng trong vận dụng chính sách; Đồng thời, khiến nhiều DN “không biết đằng nào mà lần” để xây dựng chiến lược kinh doanh; Mặt khác cũng chưa bịt được kẽ hở để một số DN lợi dụng như nhập xe dưới hình thức biếu tặng, sau đó bán ra thị trường…
Tháng 11 vừa qua, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe ôtô được bổ sung vào danh mục này.
Trong lúc chờ đến thời điểm Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, một số cơ quan cũng đã có sự chuẩn bị chính sách quan trọng. Cụ thể như Bộ GTVT đã dự thảo Quy định việc kiểm tra về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu về trình tự, cách thức thực hiện và hàng rào kỹ thuật nhằm đảm bảo bình đẳng với xe sản xuất, lắp ráp trong nước trong kiểm tra, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng. Theo đó, nhà nhập khẩu phải cung cấp hồ sơ thiết kế hoặc tài liệu tương đương. Hay Bộ Tài chính, cuối tháng 11 vừa qua cũng có Công văn 16875 quy định, DN nhập khẩu xe phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại thời điểm làm thủ tục hải quan, đồng thời phải được kiểm tra mã số VIN nhằm đảm bảo xe có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, tình trạng… rõ ràng.
Tuy nhiên, để thị trường ô tô vận hành nhịp nhàng theo hành lang pháp lý mới từ ngày 1/7/2017, các cơ quan có trách nhiệm như Bộ Công thương, Bộ KH&ĐT… cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ bây giờ, từ việc xây dựng các điều kiện cụ thể, lấy ý kiến góp ý đến tuyên truyền chính sách rộng rãi. Trên cơ sở đó, các DN sản xuất, kinh doanh có thể chủ động trong kế hoạch đầu tư, mở rộng hay thu hẹp thị trường; Người tiêu dùng cũng có nhiều cơ hội lựa chọn… Tránh tình trạng có phần bị động, lúng túng như xử lý với Thông tư 20 vừa qua, gây những phản ứng, băn khoăn không đáng có cho thị trường, DN.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận