Thời sự

Chính thức cho phép phá sản doanh nghiệp nhà nước

08/11/2016, 21:31
image

Nghị quyết nêu rõ việc xử lý dứt điểm các DDNNN thua lỗ; xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định.

bieu-quyet-1478597715972

Tỷ lệ ĐBQH thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Cuối giờ chiều 8/11, với 407/420 ĐBQH biểu quyết tán thành (chiếm 82,39% tổng số ĐBQH), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn  2016-2020. 

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ quan điểm xây dựng mô hình tăng trưởng lấy hiệu quả, thước đo là năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo tín hiệu và cơ chế thị trường. Cùng với đó là phân bổ lại để sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước và các thành phần kinh tế khác theo nguyên tắc thị trường vào những ngành, lĩnh vực và vùng có hiệu quả cao, có tác động lan tỏa. Khắc phục tư tưởng bao cấp, xin-cho, ỷ lại..

Mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế là giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Quy mô nợ công hàng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP, giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống mức dưới 3%.

Theo Nghị quyết, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn Nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư. Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh việc "xử lý dứt điểm các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp".

Nghị quyết cũng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế là cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công, đổi mới căn bản cách thức quản lý và thái độ làm việc của công chức nhà nước, phục vụ đi đôi với quản lý; minh bạch hóa quản lý nhà nước, tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước... 

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.