Y tế

Chớ coi thường tác dụng chữa bệnh của các loại rau gia vị dân giã

05/01/2024, 10:20

Nếu như hành, tía tô được sử dụng để giải cảm, hỗ trợ điều trị cúm thì nhiều loại rau gia vị khác cũng có tác dụng phòng chống bệnh tật.

Nhiều loại rau gia vị ngoài việc mang lại giá trị thực phẩm còn có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Hành lá, kinh giới, tía tô... thường dễ trồng, nhanh chóng có sản phẩm an toàn sử dụng hàng ngày.

Theo BSCK2. Huỳnh Tấn Vũ, BV Đại học Y dược TP.HCM, trong ăn uống, cơ sở để đánh giá các món ăn là tính nhiệt (nóng), hàn (lạnh), bình (mát), ấm (giữa nhiệt và bình). Cơ sở này cũng được dùng trong kê đơn thuốc y học cổ truyền.

Thức ăn có vị chua, vị đắng thuộc "bình" hoặc "ấm"; mặn thuộc "ấm". Nhưng thực phẩm có tính nhiệt và ôn, vị cay vị ngọt đều thuộc "dương". Còn thực phẩm có tính hàn và bình, có vị chua, vị đắng và vị mặn đều thuộc "âm".

Việc sử dụng một số loại rau, gia vị hỗ trợ điều trị cảm cúm tại nhà cần lưu ý cách chế biến, liều dùng của từng loại và các kiêng kỵ khi dùng các loại thực phẩm này để đạt hiệu quả điều trị cao.

Chớ coi thường loại rau gia vị dân giã nhưng làm thuốc chữa bệnh- Ảnh 1.
Chớ coi thường loại rau gia vị dân giã nhưng làm thuốc chữa bệnh- Ảnh 2.
Chớ coi thường loại rau gia vị dân giã nhưng làm thuốc chữa bệnh- Ảnh 3.
Chớ coi thường loại rau gia vị dân giã nhưng làm thuốc chữa bệnh- Ảnh 4.

Các loại rau gia vị có tác dụng trong hỗ trợ điều trị cúm.

Hành hay còn gọi là hành hoa, thông bạch, đại thông… Trong hành có acid malic, phytin và chất alylsunfit, còn có tinh dầu (chủ yếu có chất kháng sinh alixin có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh).

Theo y học cổ truyền, hành có vị cay, bình mà không độc, dùng làm thuốc ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, sắc uống lấy nước chữa các chứng sốt, sốt rét, cảm, nhức đầu, mặt mày phù thủng. Ăn nhiều hành quá thì tóc bạc, hư khí xông lên không ra mồ hôi được. Khi bị cảm mạo, đầu nhức, mũi ngạt thì có thể dùng hành giã nát, thêm nước sôi vào nồi xông, hoặc cho hành vào cháo nóng mà ăn thì chóng khỏi.

Liều dùng: mỗi lần có thể dùng liều 30-60 gam dưới hình thức thuốc sắc hay giã nát ép lấy nước uống. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Đơn thuốc chữa cảm mạo, nhức đầu mũi ngạt có hành: Hành 30 g, đạm đậu xị 15 g, sinh khương 10 g, chè hương 10 g, nước 300 ml, đun sôi, gạn bỏ bã, uống khi còn đang nóng, uống xong đắp chăn kín cho ra mồ hôi.

Chữa trẻ con cảm mạo: Hành 60 g, sinh khương 10bg. Hai thứ giã nát, thêm một cốc nước thật sôi vào, dùng hơi xông vào miệng và mũi, ngày làm mấy lần, không cần cho uống.

Kinh giới còn gọi là kinh giới tuệ, giả tô, khương giới, chứa nhiều tinh dầu và các hoạt chất chống oxy hóa và chống viêm.

Theo y học cổ truyền, kinh giới vị cay, tính ôn, tác dụng phát biểu khứ phong, lợi yết hầu, thanh nhiệt tán ứ phá kết. Dùng chữa ngoại cảm phát sốt (giải cảm hàn), làm ra mồ hôi, ôn ấm dạ dày và hệ tiêu hóa.

Liều dùng hàng ngày là 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Dùng 3 – 10g dạng thuốc sắc, có thể chữa khỏi cảm cúm mùa hè, say nóng, sốt không đổ mồ hôi, nhức đầu.

Thuốc cảm: Hoa kinh giới, tía tô, hương nhu, ngải cứu, hoắc hương, các vị bằng nhau, dùng nước sắc nhiều lần, hợp các nước sắc lại, cô đặc thành cao viên bằng hạt ngô. Khi bị cảm uống chừng 7 – 8 viên. Dùng nước lá tre mà chiêu thuốc. Trẻ con chỉ dùng 2-4 viên.

Chữa cảm cúm: Kinh giới sao vàng tán nhỏ. Khi bị cảm dùng 6 – 8g bột này.

Cháo kinh giới: Kinh giới 50g nấu lấy nước bỏ xác. Thêm 50g gạo tẻ và 50g đậu xanh vào nấu nhừ. Mỗi ngày ăn 2 – 3 lần để phòng cảm mạo mùa hè, thanh nhiệt.

Trường hợp tự ra mồ hôi, không phải ngoại cảm, nhức đỉnh đầu do âm hư hỏa vượng thì không được dùng kinh giới.

Tía tô, từ lá, cành đến quả đều được sử dụng là một vị thuốc. Trong toàn cây tía tô có chứa 0.5% tinh dầu, nhiều flavonoid và acid hữu cơ với hàm lượng khác nhau giữa các bộ phận của cây.

Theo y học cổ truyền, tía tô có vị cay, tính ôn, có tác dụng phát tán phong hàn, lý khí khoan hung, giải uất, hóa đờm, an thai. Dùng chữa ngoại cảm phong hàn, nôn mửa, động thai.

Lá tía tô: Làm cho ra mồ hôi, chữa ho, chữa cảm mạo, giúp cho sự tiêu hóa, giảm đau, giải độc. Liều: 5-10 g dạng thuốc sắc. Ăn cháo nóng tía tô (bằng cách thái nhỏ lá tía tô với hành, trộn vào cháo) cũng là một cách giải cảm nóng.

Cành tía tô: Điều hòa lưu thông khí, làm giảm rối loạn chức năng dạ dày, giảm đau, phòng ngừa sẩy thai. Liều 5 – 10g.

Quả tía tô: Giảm khó thở và giảm ho, trừ đờm, làm thư giãn ruột. Chủ trị: ho và khó thở do ứ trệ đờm, táo bón. Liều: 3 – 10g.

Cần lưu ý, với những người bị biểu hư, tự ra mồ hôi cấm dùng.

Húng chanh còn có tên là rau tần, tần dày lá, rau thơm lông… Theo y học cổ truyền, húng chanh có vị cay, hơi chua, tính ấm, trừ đờm, giải cảm, thanh nhiệt, tiêu độc, dùng để trị cảm cúm, ho hen, sốt cao, sốt không ra mồ hôi được, viêm họng, cảm cúm, khản tiếng.

Cách dùng húng chanh chữa bệnh:

Dạng thuốc sắc, hoặc giã lấy nước uống, ngày dùng 10 - 15g

Dùng nấu nước xông cho ra mồ hôi chữa cảm cúm: dùng riêng húng chanh tươi, hoặc dùng phối hợp với một số cây cỏ khác như lá sả, lá bưởi, lá tre, lá bạch đàn sẵn có ở địa phương.

Dùng 5 – 7 lá húng chanh tươi rửa sạch, ngâm với nước muối. Sau đó nhai và ngậm, nuốt ngấm vào họng dần dần, để chữa ho.

Tuy nhiên với húng tranh, cần lưu ý lá và thân cây húng chanh có nhiều lông nên với những người có làn da nhạy cảm sử dụng cẩn thận tránh bị kích ứng da. Hiện chưa có nghiên cứu về tác dụng của húng chanh đối với phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ đang cho con bú. Vì vậy, tốt nhất là không nên tự ý sử dụng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.