Kinh tế

Chờ đường lớn “đánh thức” vùng đất vàng Nhơn Trạch

13/09/2023, 06:26

Đường Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành… là những dự án giao thông xuyên qua Nhơn Trạch được kỳ vọng sẽ đánh thức thành phố "ngủ đông" suốt hơn 20 năm nay.


Đìu hiu sau cơn sốt đất

photo-1694484267348

Một dự án từng sôi động ở Nhơn Trạch nay được ví là thành phố ma.

Hiện nay, từ TP.HCM đi Nhơn Trạch (Đồng Nai) có hai đường: Một là qua phà Cát Lái (cầu Cát Lát đang được khởi động); hai là đi cao tốc TP.HCM - Long Thành, chừng 20 phút là tới. Từ Nhơn Trạch, có thể nhìn thấy biển Vũng Tàu.

Nhơn Trạch có ba mặt giáp sông, nằm giữa khu "tam giác vàng" TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.

Nơi này từng được kỳ vọng sẽ trở thành đô thị hiện đại, đáng sống. Hơn 20 năm trước, rất nhiều người từ TP.HCM đến đây mua đất. Nhưng suốt hai thập kỷ qua, Nhơn Trạch vẫn vậy, chưa có nhiều thay đổi. Các dự án địa ốc từng làm mưa làm gió nhưng đến nay vẫn đìu hiu, vắng lặng.

Chỉ có tuyến đường trung tâm là có cư dân sinh sống, người dân kinh doanh cà phê giải khát, mua bán ký gửi bất động sản. Còn vào sâu bên trong nhà cửa dù đã được xây dựng kiên cố, nhà phố, biệt thự… nhưng đều vắng bóng người, cỏ dại vây kín lối đi.

Đáng nói, đường Lê Hồng Phong, một trong những tuyến đường lớn nhưng một bên đường đa số là đất trống hoặc những căn nhà 2 - 3 tầng đã xây dựng phần thô bị bỏ hoang, dây leo vây kín. Một số khu vực được người dân tận dụng trồng khoai mì (sắn) hoặc chăn thả trâu bò.

Bên cạnh đó, toàn huyện Nhơn Trạch còn có nhiều dự án bất động sản lớn như: Khu đô thị Swan Park; khu dân cư Thăng Long Home Phước An; Long Tân City… nhưng đa số cũng vắng cư dân sinh sống.

Ông Nguyễn Thế Hưng, người kinh doanh bất động sản cho biết, Nhơn Trạch dù là vùng ven của tỉnh Đồng Nai nhưng chỉ cách TP.HCM một con sông, khí hậu mát mẻ, cây trái tốt tươi nên nhiều người kỳ vọng đầu tư vào Nhơn Trạch sẽ sinh lời lớn. 

Mấy lần sốt đất, Nhơn Trạch đều sốt theo. Nhưng do hiện tại giao thông từ TP.HCM về Nhơn Trạch chưa thuận lợi nên ở đây đa số chỉ có giới đầu cơ, chưa có nhiều cư dân mua đất với mục đích sinh sống.

"Nhơn Trạch có hai lần sốt đất, một là khi có thông tin sẽ xây cầu Cát Lái và hai là thông tin địa phương này được quy hoạch là đô thị loại II. Mỗi lần như vậy, giá đất ở Nhơn Trạch tăng lên gấp 3 - 4 lần so với trước và hút khách từ TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… đến đầu tư.

Trước năm 2000, giá đất ở Nhơn Trạch chỉ mấy trăm nghìn đồng/m2 tuy nhiên sau đó khoảng năm 2003 - 2004 đã tăng lên 800.000 - 1.500.000 đồng/m2. Do chủ yếu ở đây là đầu cơ, mua nhanh bán lướt, ít có người mua để ở nên đi các dự án toàn đất trống, nhà bỏ hoang", ông Hưng cho hay.

Ông Hưng nhớ lại, năm 2003, khi có thông tin quy hoạch Nhơn Trạch thành đô thị loại II, hai xã Phước An và Long Thọ đã đón các "ông lớn" gồm Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (XDHN) đến đầu tư dự án. Các dự án của doanh nghiệp này từng "gây bão", hút lượng khách lớn tìm về giao dịch mua bán. Thời điểm này các lô đất khoảng 100m2 được bán với giá từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng/m2, riêng các lô biệt thự hoặc mặt đường trung tâm có giá từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng/m2.

"Dù từng sôi động như thế nhưng đến nay đã trải qua khoảng 20 năm, các dự án này đều đìu hiu, rất thảm. Chắc vài ba năm tới khi cao tốc Bến Lức - Long Thành, cầu Nhơn Trạch, đường Vành đai 3 - TP.HCM, sân bay Long Thành cất cánh thì bất động sản ở Nhơn Trạch sẽ được khơi thông. Còn hiện tại phải tiếp tục chờ", ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, vài tháng nay sau khi khởi động đường Vành đai 3, có nhiều khách tiếp tục đến xem đất nhưng không xuất hiện giao dịch mua bán. Đa phần người xem chủ yếu nghe ngóng tin tức, nắm thông tin thị trường và chờ thời. Bất động sản ở địa phương chững nhưng giá đất không rẻ, có những khu giá đất vẫn ở đỉnh 50.000.000 - 60.000.000 đồng/m2.

Hạ tầng giao thông làm bàn đạp

photo-1694484267988

Cung đường lớn ven dự án bất động sản thành nơi chăn thả bò.

Chị Thơm Phan, một người môi giới bất động sản nói rằng, Nhơn Trạch trước đây chủ yếu là ao hồ, đồng ruộng. Người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông, làm ruộng, nuôi vịt… ít ai nghĩ đến việc mua bán đất. 

Nhưng từ những năm 2000 đến nay, từng cơn sốt đất quét qua, nhiều người bán đất, bán ruộng… trở thành "đại gia chân đất".

"Khởi đầu sôi động như thế nhưng sau hàng chục năm vẫn không nhộn nhịp được như Cẩm Mỹ, Long Khánh, Xuân Lộc nơi có QL56, QL1, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây… đi qua. Muốn người dân về sống thì cầu đường phải đầy đủ, giao thông thuận lợi, còn bây giờ về TP.HCM vẫn đi bằng phà, kẹt xe nối dài thì khó thu hút được cư dân", chị Thơm Phan chia sẻ.

Chị Thơm Phan nói thêm, mấy đợt sốt đất trước, có những tuần chị kiếm được kha khá nhờ vào việc môi giới đất, lướt đất: "Khi đó có những ngày tôi bán được 10 lô đất là bình thường. Nhưng từ đầu năm 2023 đến giờ chỉ bán được một lô đất nhỏ. Giờ phải buôn bán online và bán nước ven đường để mưu sinh.

Nhơn Trạch tương lai là địa phương giáp ranh sân bay Long Thành, đây là lợi thế rất lớn. Vì vậy chỉ cần các dự án sân bay, cầu đường, cảng… về đích là Nhơn Trạch nhất định sẽ thắng lớn, môi giới như chúng tôi mới ăn nên làm ra", chị Thơm Phan nhận định.

Một chuyên gia bất động sản cho rằng, Nhơn Trạch có nhiều mặt thuận lợi để phát triển nhưng lại thiếu hạ tầng giao thông kết nối với TP.HCM. 

Vì thế, việc đẩy nhanh xây cầu Cát Lái và khi các tuyến cao tốc đi vào khai thác mới thu hút được cư dân. 

Nhưng trước mắt muốn hình thành một đô thị lớn, thu hút nhà đầu tư, Nhơn Trạch phải xây dựng thêm các tiện ích điện - đường - trường - trạm, các trung tâm thương mại, giải trí… để đón đầu.

Chia sẻ với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho rằng, hàng chục năm qua Nhơn Trạch là địa phương được quy hoạch có nhiều tuyến giao thông kết nối, cầu, cảng… 

Nhưng thực tế vẫn chưa kết nối được hạ tầng giao thông do nhiều dự án mới khởi động, chưa hoàn thành.

"Lợi thế của chúng tôi là giáp TP.HCM và sân bay Long Thành, địa phương cũng phát triển mạnh công nghiệp. Do đó tương hạ tầng giao thông hoàn thiện, bất động sản sẽ sôi động xứng với tiềm năng. Nhơn Trạch cũng hứa hẹn trở thành địa điểm đáng sống. Khơi thông đường đến TP.HCM sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Ngoài các dự án cao tốc, địa phương còn chờ cầu Cát Lái, hy vọng cầu được xây dựng sớm để nối đôi bờ", bà Hương nhấn mạnh.

Đến năm 2030 sẽ thành lập thành phố Nhơn Trạch

Đầu năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển đô thị Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ thành lập thành phố Nhơn Trạch đạt các tiêu chí cơ bản của một đô thị loại II.

Theo quy hoạch, trung tâm hành chính mới của đô thị Nhơn Trạch gồm địa bàn 4 xã: Phú Thạnh, Long Tân, Phước An và Vĩnh Thanh có diện tích hơn 1.600ha, trong đó tiểu khu đô thị trung tâm được định hình là trung tâm hành chính mới của thành phố Nhơn Trạch trong tương lai có quy mô khoảng 600ha.

Tương lai thành phố Nhơn Trạch được đánh giá có điểm mạnh về kết nối giao thông với cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 - TP.HCM, đường 25C nối dài, và đường liên cảng Phước An…


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.