Nhọc nhằn mưu sinh
8h sáng một ngày đầu tháng 6, chưa phải cao điểm du lịch, nhưng chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đã tấp nập tàu thuyền mua bán nông sản. Giữa những chiếc ghe thuyền chở hoa quả, nước ngọt, rau củ, đồ ăn sáng... là lác đác những chiếc ghe thuyền chở du khách.
Chợ nổi Cái Răng nhìn từ trên cao.
Quan sát của PV, đa phần du khách chỉ chụp ảnh, thưởng ngoạn cảnh sông nước và phiên chợ độc đáo trên sông. Còn giao dịch mua bán hàng hóa diễn ra không nhiều.
Trên chiếc ghe nhỏ cắm một chiếc sào treo các loại sản vật như bí ngô, bắp cải, thanh long… là những thứ đang rao bán, chị Nguyễn Thị Tâm (ngụ quận Cái Răng) cho biết, khách vẫn tới với chợ nổi nhưng chủ yếu là để ngắm cảnh.
"Nếu có mua hoa quả cũng chỉ mua ít để ăn vặt. Giờ các chợ, sạp hàng trên bờ rất nhiều, nên khách không mặn mà với việc mua, mang đồ từ chợ nổi về", chị Tâm lý giải và cho biết, mỗi ngày thu nhập từ bán hàng trên chợ nổi chỉ khoảng 100 nghìn đồng.
Theo chị Tâm, do chợ nổi Cái Răng họp từ khoảng 4h - 10h hàng ngày, nên để kiếm thêm thu nhập, ngoài bán hàng, chị còn nhận chở hàng thuê, chở khách du lịch tham quan chợ: "Thu nhập không cao, nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn bám chợ nổi để mưu sinh, không thì biết làm gì kiếm sống".
Quá khứ hoàng kim
Từ nhỏ đến lớn sống và mưu sinh ở chợ nổi Cái Răng, ông Nguyễn Văn Khanh (65 tuổi) vẫn nhớ, tầm 40-50 năm trước, chợ nổi là chợ đầu mối lớn nhất vùng. Đây là nơi mua bán sầm uất không chỉ của riêng Cần Thơ mà còn cả khu vực.
Hàng hóa mua bán chủ yếu trên chợ nổi Cái Răng là nông sản.
Chợ nhóm họp từ 3h sáng, kéo hàng trăm ghe thuyền từ các nơi hội tụ về mua bán, hoạt động nhộn nhịp cả khúc sông. Có ghe đi cả đêm từ Kiên Giang chở khóm, rau củ quả, có ghe đi từ Cà Mau chở khô, mắm lên. Còn có cả ghe chở cừ tràm, lá dừa lên bán để người ta dựng nhà.
"Hồi đó, đường sá có nhiều và đẹp như bây giờ đâu. Vùng này sông nước, muốn đi đâu chỉ có thể dùng ghe xuồng. Mà buôn bán thì cần phải vận chuyển hàng hóa, đi bằng ghe là tiện nhất. Do đó, hồi ấy ai có ghe thuyền trên chợ nổi là có cuộc sống khá giả", ông Khanh kể.
Ông Nguyễn Minh Thành cùng vợ gắn bó gần 30 năm ở chợ nổi Cái Răng cho biết, khi đường sá mở mang, người dân thay vì sắm ghe thuyền, họ mua xe tải để vận chuyển hàng hóa, nhanh hơn rất nhiều.
"Mấy chục năm trước, tôi đi khắp nơi lấy nông sản về chợ nổi bỏ mối, bán lại cho những người buôn bán nhỏ. Bây giờ làm vậy hết có ăn rồi, tôi phải thay đổi kiểu khác là bán trái cây cho khách du lịch. Lợi nhuận tất nhiên là không bằng, nhưng đó là cách để trụ lại", ông Thành cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Chính, hàng xóm và cũng là bạn đồng niên của ông Khanh kể thêm: "Thời đó, mấy chiếc ghe còn thắp cả đèn bão để thấy đường buôn bán, nhìn từ xa sáng rực. Cảnh hàng trăm ghe thuyền tải đầy hàng hóa nhộn nhịp trên sông là ký ức khó quên. Thông thường, sau 3-4 tiếng họp chợ, mặt trời vừa lên là phiên chợ nổi cũng dần tan".
Loay hoay tìm cách giữ chợ nổi
Theo TS Nguyễn Trọng Nhân, trường Đại học Cần Thơ, qua tham vấn người dân địa phương, chợ nổi Cái Răng có thể được hình thành vào đầu thế kỷ XX sau khi luồng lưu thông giữa sông Cần Thơ với rạch Cái Tư và sông Cái Lớn thuận tiện.
Hình ảnh những chiếc ghe bầu neo đậu sát nhau chờ ăn hàng đang thưa dần ở chợ nổi Cái Răng.
"Cứ hình dung những chợ đầu mối lớn ở Cần Thơ bây giờ như: Tân An, Cái Khế hoành tráng như thế nào thì ngày xưa chợ nổi Cái Răng cũng cỡ như thế. Đi đâu nghe giới thiệu nhà ở gần chợ nổi Cái Răng nghe cũng sang hẳn", ông Khanh tiếp lời.
Hệ thống giao thông thuỷ thời điểm đó gần như nắm thế độc quyền. Trong khi đó, ghe xuồng là phương tiện đi lại duy nhất. Chợ nổi hình thành là tất yếu, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hoá.
Cũng từ lý do đó, ở các con sông khác ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang cũng hình thành nhiều chợ nổi trứ danh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ở miền Tây chỉ còn chợ nổi Cái Răng, những khu chợ khác đã "chìm" hoặc không còn hình thù chợ nổi nữa.
Theo khảo sát của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, hiện có khoảng trên 200 ghe thuyền hoạt động trên chợ nổi Cái Răng. Giờ chợ nổi không còn là nơi chủ yếu để mua bán hàng hoá, nông sản nữa, thay vào đó là điểm du lịch.
Tuy nhiên, khi thành điểm du lịch, thu nhập chỉ rơi vào một số người như chủ tàu du lịch, chủ điểm bán hàng ăn sáng… Còn thương hồ - thành phần chính tạo nên chợ nổi, họ bán nông sản, hầu như chỉ ngậm ngùi nhìn khách du lịch lướt qua…
Giải pháp căn cơ là phải giữ chân thương hồ ở lại, tạo thu nhập cho họ thì mới duy trì được chợ nổi. Nếu không có chợ nổi, cũng chẳng có du lịch. Lãnh đạo TP Cần Thơ đã thấy được vấn đề này từ rất sớm, nên đã chỉ đạo Viện Kinh tế - Xã hội TP xây dựng đề án phát triển, bảo tồn chợ nổi.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ cho biết, đề án từng được xây dựng nhưng có một số vấn đề chưa phù hợp nên thành phố đã chỉ đạo đơn vị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Đến nay, phương án cụ thể vẫn chưa thống nhất nên chợ nổi vẫn loay hoay tự cố gắng… nổi.
Theo phản ánh của các tiểu thương mưu sinh ở chợ nổi Cái Răng, từ khi bờ kè sông Cần Thơ hoàn thành đã gây khó khăn không ít cho hoạt động chợ nổi. Cụ thể, kè sông chạy dọc chợ nổi với độ cao từ 3-4m so với mạn thuyền khiến việc lên xuống hàng hoá rất khó khăn.
Hiện UBND quận Cái Răng đã bố trí một bến thuỷ. Dù vậy, so với thời điểm trước, bến thuỷ này chỉ giải quyết được một phần vấn đề.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận