Nghị định 27 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156 năm 2018, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, có thêm quy định về tạm sử dụng rừng, sẽ có hiệu lực từ ngày 6/3.
Theo Nghị định 27, tạm sử dụng rừng là việc sử dụng rừng để thực hiện thi công công trình tạm phục vụ thi công dự án lưới điện để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về xây dựng, điện lực và các pháp luật khác có liên quan nhưng không chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với diện tích tạm sử dụng rừng.
Điều kiện phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng
Nghị định 27 nêu rõ các điều kiện cần phải đáp ứng để được phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng. Theo đó, việc tạm sử dụng rừng chỉ được phép trong trường hợp dự án bắt buộc phải sử dụng trên diện tích có rừng do không thể bố trí trên diện tích đất khác.
Tuy nhiên, yêu cầu cần hạn chế tối đa diện tích tạm sử dụng rừng và chặt hạ cây rừng trong phạm vi diện tích được tạm sử dụng (không chặt hạ cây rừng có đường kính từ 20 cm trở lên ở vị trí từ mặt đất đến vị trí 1,3 m của thân cây).
Đối với từng dự án, trường hợp có cả chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và tạm sử dụng rừng phải có quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác (đối với phần diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng).
Nếu dự án không chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhưng có tạm sử dụng rừng, phải có quyết định chủ trương đầu tư, hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc quyết định phê duyệt dự án đầu tư.
"Diện tích tạm sử dụng phải được điều tra, đánh giá về hiện trạng, trữ lượng, tác động của việc tạm sử dụng rừng đối với hệ sinh thái rừng. Nội dung tác động vào rừng, trồng lại rừng, phục hồi rừng phải được thể hiện đầy đủ, chi tiết trong Phương án tạm sử dụng rừng", nghị định nêu.
Thời gian tạm sử dụng rừng cũng được yêu cầu phải được xác định rõ trong văn bản đề nghị quyết định phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng (không quá thời gian thực hiện dự án). Còn việc trồng lại rừng, không được quá 12 tháng, tính từ thời gian tạm sử dụng rừng kết thúc trong Phương án tạm sử dụng rừng được phê duyệt.
Nghị định 27 cũng quy định, không tạm sử dụng rừng trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, phạm vi diện tích rừng có các loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm; không lợi dụng việc tạm sử dụng rừng để chặt, phá rừng, săn bắt động vật rừng, khai thác, vận chuyển gỗ và lâm sản trái quy định của pháp luật, hợp thức hóa gỗ và lâm sản khai thác trái pháp luật.
Bên cạnh đó, những chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy, công cụ, phương tiện không được đưa vào rừng trái quy định của pháp luật; không xây dựng, đào, bới, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên và các hoạt động khác trái quy định của pháp luật làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên, hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng.
Ai quyết phương án tạm sử dụng rừng?
Theo Nghị định 27, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng. Trường hợp diện tích rừng tạm sử dụng thuộc phạm vi quản lý của chủ rừng là các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành, chủ tịch UBND tỉnh phải có văn bản lấy ý kiến của bộ, ngành chủ quản và chỉ phê duyệt khi được sự đồng ý của bộ, ngành chủ quản.
UBND cấp tỉnh cũng có nhiệm vụ chỉ đạo cơ quan lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh hướng dẫn, kiểm tra chủ đầu tư, chủ rừng trong quá trình triển khai phương án tạm sử dụng rừng được phê duyệt, kiểm tra việc trồng lại rừng, đánh giá, nghiệm thu kết quả trồng lại rừng sau tạm sử dụng rừng.
Chủ đầu tư dự án lưới điện chỉ được tác động vào rừng để triển khai xây dựng các công trình tạm phục vụ thi công dự án lưới điện sau khi phương án tạm sử dụng rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện đúng phương án tạm sử dụng rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về nội dung quyết định phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng và điều chỉnh phương án tạm sử dụng rừng; kiểm tra việc thực hiện tạm sử dụng rừng; chịu trách nhiệm nếu vi phạm các điều kiện phê duyệt, điều chỉnh phương án tạm sử dụng rừng, nếu để xảy ra chặt, phá, mất rừng, khai thác, vận chuyển gỗ và lâm sản trái phép, làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng...; định kỳ trước ngày 31/12 hàng năm báo cáo kết quả tạm sử dụng rừng về Bộ NN&PTNT.
Bộ NN&PTNT sẽ là đơn vị kiểm tra việc thực hiện tạm sử dụng rừng theo quy định tại nghị định này. Bộ Công thương chỉ đạo việc lập, điều chỉnh các quy hoạch điện, phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư các dự án lưới điện theo thẩm quyền, đảm bảo nguyên tắc hạn chế tối đa việc tạm sử dụng rừng, nhất là rừng tự nhiên khi xây dựng các dự án lưới điện.
Đường dây 500kV mạch 3 được Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành vào tháng 6, để tăng cung ứng điện cho miền Bắc, tránh tình trạng thiếu điện cục bộ như cao điểm hè năm 2023.
Vướng mắc lớn nhất của đường dây này là chưa có quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và thủ tục tác động vào rừng để mở đường thi công tạm. Theo EVN, diện tích rừng phần đường tạm của đường dây 500kV cung đoạn Quỳnh Lưu – Thanh Hóa là 3,49ha; đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu là 6,01ha.
Để đảm bảo tiến độ, ngày 15/2, Thủ tướng yêu cầu bổ sung quy định về việc tạm sử dụng rừng để triển khai ngay các công trình xây dựng tạm phục vụ thi công dự án đường dây và các dự án truyền tải điện cấp thiết khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận