Nước tiểu chữa đau mắt đỏ?
Trong mấy ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền cách thức chữa đau mắt đỏ bằng nước tiểu. Một tài khoản tên T.N viết: "Em chia sẻ phương pháp chữa đau mắt đỏ bằng cách dùng nước tiểu trẻ em nhỏ vào mắt 3 giọt, 3-6 lần/ngày". Thông tin này cũng lan truyền ở nhiều hội nhóm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS.BS Hoàng Cương, Phó trưởng ban Truyền thông, BV Mắt TƯ, khẳng định: "Chưa có nghiên cứu khoa học, hay bài thuốc nào chứng minh rằng nước tiểu dùng để "chữa" đau mắt đỏ. Đây là thông tin phi khoa học. Chưa kể thành phần của nước tiểu chủ yếu là nước, urê, muối, đặc biệt vi khuẩn. Việc dùng nước tiểu để nhỏ mắt đang viêm giác mạc cấp sẽ càng khiến bội nhiễm nặng hơn do nhiễm khuẩn".
Ông Cương cũng khuyến cáo, người bệnh cần tránh xa các thông tin điều trị đau mắt đỏ bằng cách nhỏ sữa mẹ, hay xông, đắp lá trầu không, diếp cá…
Cùng quan điểm, TS.BS Đặng Xuân Nguyên, Hội Nhãn khoa Việt Nam phân tích, với việc dùng lá trầu không để xông khi bị đau mắt đỏ có thể khiến người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu vì tinh dầu nóng có trong loại lá này. Tuy nhiên, sau đó mắt sẽ càng phù nề do đang tổn thương lại thêm hơi nóng, có thể gây bỏng giác mạc, loét giác mạc, khiến nhiễm khuẩn nặng hơn.
Tương tự với việc đắp lá diếp cá, đắp nha đam vào vùng mắt khi bị đau mắt đỏ… có thể làm mắt mát dịu hơn nhưng không thể lường trước có loại vi khuẩn trong đất nếu thâm nhiễm, sẽ gây bội nhiễm hơn. Thực tế đã có nhiều trường hợp gặp biến chứng, khó phục hồi.
Chia sẻ thêm về những thói quen sai lầm trong điều trị đau mắt đỏ khiến bệnh nặng hơn, BSCKII Nguyễn Thị Mai Hương, Khoa Chấn thương Mắt, BV Mắt TƯ cho biết: Đó là việc nhiều người tiện dùng giấy ăn, giấy ướt để thấm lên mắt đau mà không biết rằng chúng chứa hương liệu, hóa chất tẩy trắng; hay việc dùng khăn tay, lau xong lại cất vào túi quần, túi áo…. làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, bội nhiễm.
Ngoài ra, việc người bệnh tự ý mua thuốc điều trị có thành phần corticoid, cũng để lại hậu quả đáng tiếc ảnh hưởng đến thị lực.
Lưu ý hiện tượng giả mạc ở bệnh nhân đau mắt đỏ
BS Cương cho biết thêm, bệnh viêm kết mạc cấp thường xuất hiện sau khi mắt tiếp xúc với nguồn bệnh vài ngày. Người bệnh sẽ thấy đỏ mắt, mi mắt sưng nề, cộm như có dị vật trong mắt, có thể chảy nước mắt, xuất tiết nước trong, dính làm cho người bệnh khó mở mắt nhất là buổi sáng ngủ dậy.
Khi khám sẽ thấy mi và kết mạc cương tụ phù nề, giác mạc thường không bị tổn thương. Lúc đầu bệnh xuất hiện ở một mắt sau lan ra hai mắt. Một số trường hợp viêm nặng có thể xuất hiện giả mạc bao bọc mặt trong mi mắt làm mi sưng nề nhiều, đau nhức, khó mở mắt.
Nếu viêm chỉ khu trú ở kết mạc thì sẽ không ảnh hưởng đến thị lực, bệnh nhân chỉ thấy khó nhìn do mắt sưng nề, xuất tiết. Nhưng nếu viêm vào giác mạc thì bệnh nhân sẽ nhìn mờ đi, chói, sợ ánh sáng.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể có sốt, viêm đường hô hấp trên, rối loạn tiêu hóa, có hạch trước tai.
Khi bị bệnh bệnh nhân nên đến các cơ sở nhãn khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị đúng vì có nhiều bệnh mắt nguy hiểm cũng có triệu chứng tương tự như bệnh viêm loét giác mạc, glocom, viêm màng bồ đào….
"Đặc biệt, dịch năm nay ghi nhận với nhiều trường hợp xuất hiện giả mạc ở kết mạc mi, người bệnh cần đến khám bác sĩ nhãn khoa. Khi mắt có giả mạc thì nhất thiết phải được làm thủ thuật bóc giả mạc nếu không sẽ gây ra những biến chứng nặng nề cho giác mạc.
Thủ thuật này phải được làm ở phòng tiểu phẫu vô trùng để tránh bội nhiễm các vi khuẩn khác. Nhiều khi phải bóc giả mạc tới vài lần mới khỏi viêm kết mạc.
Ngoài các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc mắt và toàn thân để tăng cường hiệu quả điều trị", BS Cương khuyến cáo.
Trước diễn biến phức tạp của dịch đau mắt đỏ ở nhiều địa phương, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu phát hiện), đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giá thuốc, tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận