Chọn thiết bị cảnh báo có phản quang, dày dặn
Khảo sát của PV tại các cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động trên đường Khuất Duy Tiến, Lê Duẩn, Đê La Thành (Hà Nội).., có nhiều loại đồ được bày bán với mục đích cảnh báo khẩn cấp dành cho các phương tiện tham gia giao thông. Giá cả, mẫu mã đa dạng nhưng có nhiều loại mỏng mảnh, đặt trên đường có mưa hay gió mạnh khó trụ vững.
Chị Thanh Bình, chủ cửa hàng bán đồ bảo hộ trên đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân) cho biết có nhiều loại thiết bị cảnh báo được tài xế tìm mua mấy hôm nay.
Cụ thể, biển tam giác phản quang kích thước 44 x 41x 33cm có giá 200.000 đồng/chiếc, cọc tiêu chóp nón PE 001 dài 100cm, tiêu phản quang dẻo, áo phản quang, đèn nháy sáng giá hơn 100.000 đồng/chiếc tùy vào kích thước.
Theo chị Bình, nhiều tài xế xe đường dài tìm mua biển tam giác cảnh báo có phản quang, loại có chân vững. Loại này có thể gập lại để trong hộp, rất gọn gàng, không chiếm diện tích trên xe.
Trên các sàn thương mại điện tử như Shoppe, Tiki, Lazada..., cũng có vô khối sản phẩm cảnh báo giao thông được bày bán với nhiều mức giá nhưng không quá chênh lệch với giá bán tại các cửa hàng. Cọc giao thông dán phản quang hình nón chất liệu nhựa dẻo giá khoảng 100.000 đồng/chiếc, biển tam giác cảnh báo giá 125.000 đồng/chiếc hay đèn cảnh báo nháy đỏ có giá từ 150.000 đồng/chiếc tùy vào cường độ sáng và kích thước.
Chia sẻ với Báo Giao thông, đại diện một sàn thương mại điện tử chuyên bán thiết bị PCCC, bảo hộ lao động cho biết: Mặt hàng này ngày nào cũng bán được, các công ty vận tải trang bị theo xe, thường đặt theo số lượng lớn.
"Chủ yếu khách đặt biển tam giác phản quang vì mặt hàng này có tính nhận biết cao, không chiếm diện tích, dễ dàng gấp gọn bỏ vào cốp nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng về biển báo giao thông", người này cho hay.
Xe gặp sự cố trên đường, cảnh báo thế nào?
Chia sẻ với Báo Giao thông, một chuyên gia giao thông cho rằng nếu đỗ, dừng xe trên đường, việc bật các đèn cảnh báo khẩn cấp là chưa đủ, thực tế tài xế thường đặt thêm biển cảnh báo ở cách xa xe ít nhất 30m - 100m mới đảm bảo an toàn.
"Mặt biển báo giao thông làm bằng hợp kim nhôm cần đáp ứng các tiêu chuẩn về độ bền, độ phẳng, độ cứng và độ dày, với chiều dày tối thiểu là 3mm", chuyên gia này nhấn mạnh.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải có tín hiệu báo cho người khác biết.
Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.
Nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT quy định về báo hiệu đường bộ (được sửa đổi bổ sung bởi QCVN 41:2019/BGTVT), để cảnh báo xe đang đỗ chiếm một phần đường xe chạy cần đặt trên mặt đường biển số W.247 "Chú ý xe đỗ".
Biển được đặt cách xe phía trước và phía sau xe (theo chiều đi) 5m. Biển đặt trực tiếp trên mặt đường. Đối với đoàn xe gồm nhiều xe cùng đỗ, chỉ đặt biển này ở phía trước xe đầu và sau xe cuối cùng của đoàn xe trên đường hai làn xe.
Đối với đường một chiều, chỉ đặt một biển sau xe (hoặc đoàn xe) đỗ.
Luật Giao thông đường bộ yêu cầu chung là có giải pháp cảnh báo, còn biện pháp như thế nào không quy định cụ thể.
Trên xe phải luôn có biển cảnh báo và áo phản quang
Là một lái xe đường dài lâu năm, anh Trần Hùng (Nam Định) cho biết nếu xe gặp sự cố hay tài xế gặp vấn đề về sức khỏe không thể tiếp tục lái xe, nên bật đèn cảnh báo nguy hiểm (biểu tượng hình tam giác, màu đỏ bố trí trên bảng điều khiển trung tâm) để báo hiệu cho các phương tiện khác đang lưu thông. Sau đó, từ từ điều khiển xe vào sát làn đường bên tay phải.
Tại nhiều nước, cọc tiêu giao thông hay biển tam giác phản quang là một trong những trang bị tiêu chuẩn đi kèm cùng xe. Tuy nhiên, tại Việt Nam, trang bị này chỉ có trên các dòng xe đắt tiền, xe nhập khẩu nên nhiều bác tài phải tự trang bị các loại thiết bị này theo xe.
Khi dừng xe sửa chữa, tài xế nên mặc thêm áo phản quang kết hợp với việc đặt biển tam giác phản quang quanh khu vực sửa chữa.
Trong trường hợp trời tối, nên đặt đèn nháy sáng ở nơi đặt biển tam giác phản quang. Đa số các xe đường dài đều có phụ xe, những lúc này tài xế nên nhờ họ cầm đèn cảnh báo, giữ biển báo từ xa để tăng khả năng nhận biết và giữ cho biển báo không bị gió cuốn làm ảnh hưởng tới các phương tiện khác.
"Tài xế có thể dễ dàng mua được những trang bị an toàn này từ các cửa hàng bán phụ kiện ô tô hay thậm chí là mua online trên mạng. Giá của mỗi trang bị này chỉ khoảng từ 100.000 đến 200.000 đồng nhưng lại có thể giúp tài xế bảo vệ an toàn tính mạng và phương tiện", anh Hùng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận