Chị Hol cùng các con thắp nhang cho người chống quá cố.
Chồng hi sinh do nhảy xuống cống cứu người, 4 mẹ con phải sống tạm ở nhà cha mẹ ruột, bản thân bị bệnh tim không tiền mua thuốc. Đó là hoàn cảnh của chị Huỳnh Thị Kim Hol (37 tuổi, ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu), vợ của anh Châu Khêl (37 tuổi) - người vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng “Tổ quốc ghi công”.
Chồng ra đi đột ngột, gánh nặng đè lên vai vợ trẻ
Tiếp xúc với chúng tôi, chị Kim Hol chia sẻ, 13 năm trước chị và anh Khêl lấy nhau, cả hai cùng là người Khmer. Sau đó, anh Khêl từ Sóc Trăng về Bạc Liêu ở rể.
Lần lượt 3 đứa con của anh chị chào đời Châu Khiêm (13 tuổi, học lớp 7), Châu Minh Khel (12 tuổi, học lớp 6) và Châu Thị Bé Tuyền (6 tuổi, học lớp 1).
Ban đầu anh Khêl được cha mẹ vợ cho mượn miếng đất gần nhà để thả tôm, nhưng càng thả càng thất bại, nợ tiền thức ăn khoảng hơn 100 triệu đồng.
Hoàn cảnh quá khó khăn, để có tiền trả nợ và lo cho các con ăn học, lo thuốc men cho vợ, anh Khêl quyết định đi thu mua cá của những người ở xóm rồi đem ra chợ Nông sản (phường 3, TP Bạc Liêu) để bán lại kiếm lời, mỗi ngày cũng được khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Dù số tiền lời này cũng chẳng đủ vào đâu so với các khoản chi của gia đình, nhưng anh không ngại khó mà động viên vợ và cố gắng làm.
“Hồi còn sống ảnh (anh Khêl - PV) hiền lắm, ai mượn gì ảnh cũng làm, hàng xóm có việc gì cần đến là ảnh giúp ngay mà không nghĩ ngợi gì”, chị Hol chia sẻ.
Cháu Châu Thị Bé Tuyền (6 tuổi, con gái út của anh Khêl), ngồi buồn bã mỗi khi nhớ tới người cha quá cố.
Cũng theo chị Hol, ngày anh Khêl gặp nạn (21/10/2020), anh vẫn đi bán cá bình thường như bao ngày ở chợ Nông sản (phường 3, TP Bạc Liêu, cách nhà khoảng 10km). Khoảng 18h, anh Khêl thu xếp đồ đạc lên xe chuẩn về nhà. Lúc này, có người kêu cứu ở dưới cống thoát nước trong chợ, nên anh nán lại với ý định cứu người dù bản thân không biết bơi.
“Cùng lúc đó, có một bác nắm tay ngăn chồng em lại hỏi: Con có biết bơi không mà xuống cứu? Ảnh nói: Con không biết, thì bác này kêu: Con về đi đừng cứu nguy hiểm lắm. Nhưng rồi chồng em thấy người kêu cứu tội nghiệp nên liền xuống cứu. Người ta (ông La Văn Thuận - người bị nạn) được đưa lên rồi, còn chồng em ở dưới luôn…”, chị Hol kể lại trong nước mắt.
Anh Khêl mất đi, khó khăn đè nặng đôi vai của chị Hol, khi một mình chị vừa phải tìm việc làm trang trải cuộc sống, vừa phải điều trị bệnh, lo cho 3 đứa con ăn học và trả nợ cho đại lý thức ăn.
Với thành tích xuất sắc dũng cảm trong cứu nạn, cứu hộ anh Châu Khêl được Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng bằng khen.
"Em rất tự hào về chồng em"
Tâm sự về ước nguyện lúc còn sống của người chồng quá cố, chị Hol cho biết: “Trước khi mất, anh Khêl có tâm sự với em rằng: Anh sẽ ráng lo làm kiếm tiền lo bệnh cho em và các con ăn học, còn dư thì trả nợ từ từ. Ảnh còn hứa sẽ dành dụm ít tiền để cất ngôi nhà nho nhỏ, rồi lấy ít đồ tạp hóa về cho em bán hằng ngày cho đỡ buồn. Vậy mà...! Giờ em phải chấp nhận rồi, em không biết phải làm sao, nhưng em phải mạnh mẽ để nuôi con”.
Khi được PV thông tin về việc anh Khêl vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị cấp bằng “Tổ quốc ghi công” chị Hol tỏ vẻ vui mừng.
“Em rất cảm ơn lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương đã quan tâm giúp đỡ cho gia đình em. Em rất tự hào về chồng em, vì anh ấy đã làm được việc tốt, ảnh cứu người mà quên cả sinh mạng của mình”, chị Hol xúc động.
Vị trí nơi anh Khêl tử vong khi dũng cảm cứu người ở khu vực chợ Nông sản.
Nói về con rể, bà Lâm Thị Sen (57 tuổi, mẹ vợ anh Khêl) chia sẻ: “Nó hiền lắm, biết chăm lo cho vợ con, dù có khó khăn mấy cũng không nghe nó than vẫn gì, nó là trụ cột của gia đình, giờ nó mất rồi, vợ con nó cũng khổ lắm, tôi cũng già yếu rồi không giúp gì được cho con”.
Nhìn về phía con gái út của anh Khêl, bà Sen xót xa: “Nó biết ba nó mất rồi, nhưng cứ tưởng vài bữa ba nó lại về, chiều nào ba anh em nó cũng ra trước hiên nhà ngóng ba về. Tối ngủ mà nó cứ khóc đòi ba”.
Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH TP Bạc Liêu, trường hợp của anh Châu Khêl, căn cứ theo các quy định hiện hành, việc đề nghị Chính phủ xem xét công nhận liệt sĩ và cấp bằng "Tổ quốc ghi công" là có căn cứ.
Ghi nhận sự hy sinh trong trường hợp dũng cảm cứu người trong trường hợp cấp bách tại chợ Nông sản (phường 3, TP Bạc Liêu) ngày 25/2, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký Tờ trình gửi Bộ LĐ-TB&XH xem xét thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho anh Châu Khêl.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã tặng Bằng khen cho anh Châu Khêl vì đã có thành tích xuất sắc dũng cảm trong cứu nạn, cứu hộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận