Đường bộ

Chốt phương án thiết kế đường gom dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng

10/09/2022, 07:09

Bộ GTVT hướng dẫn cụ thể các địa phương phương án thiết kế đường gom thuộc dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.

Đường gom qua khu đông dân cư không vượt quá 2 làn xe cơ giới

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng về việc triển khai Nghị quyết số 91 ngày 25/7/2022 của Chính phủ về dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1.

img

Bộ GTVT hướng dẫn cụ thể phương án thiết kế các hạng mục công trình: đường gom, hầm chui dân sinh, nút giao thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Ảnh minh họa

Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ, đảm bảo tiến độ yêu cầu, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp với các chủ đầu tư dự án thành phần thỏa thuận các nội dung về hướng tuyến, đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt, nút giao theo một số nguyên tắc.

Cụ thể, đường gom là đường kết nối dân sinh thống nhất quy mô chủ yếu theo đường giao thông nông thôn loại A hoặc loại B tùy theo nhu cầu.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 188,2 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 44.691 tỷ đồng. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe ô tô cao tốc, giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe phân kỳ, bề rộng nền đường 17m. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần.

Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Riêng đối với một số đoạn kết nối khu đông dân cư, xem xét quy mô lưu thông 2 làn xe cơ giới; tư vấn nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn quy mô phù hợp.

“Nếu đường cao tốc đi trùng đường địa phương thì hoàn trả theo quy mô tương đương đường hiện hữu. Nếu đường hoàn trả kết nối trực tiếp với các quốc lộ và trùng với quy hoạch của địa phương thì có thể xem xét theo quy hoạch của địa phương, nhưng quy mô không vượt quá 2 làn xe cơ giới”, Bộ GTVT hướng dẫn.

Về công trình hầm chui dân sinh, cầu vượt, Bộ GTVT cũng đề nghị nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông khu vực để luận chứng, lựa chọn vị trí, quy mô cho từng hầm chui.

Nếu khu vực lân cận đã có cầu vượt thì không sử dụng hầm chui có tĩnh không lớn. Các hầm chui có quy mô lớn, tư vấn phân tích, so sánh kinh tế - kỹ thuật với phương án cầu vượt để lựa chọn giải pháp phù hợp.

Đối với hạng mục nút giao, Bộ GTVT đề nghị thiết kế chỗ giao nhau trên đường cao tốc đảm bảo quy mô cầu vượt ngang cơ bản theo quy mô đường hiện hữu.

Trường hợp địa phương đã có quy hoạch mở rộng đường ngang nhưng phần mở rộng không đủ để xây dựng thêm 1 đơn nguyên cầu mới thì có thể xem xét xây dựng cầu vượt ngang theo quy mô quy hoạch.

“Trường hợp quy hoạch của địa phương là đường mới nhưng chưa đầu tư xây dựng thì không xem xét xây dựng cầu vượt trong dự án đường bộ cao tốc (khi xây dựng đường ngang, địa phương đầu tư cầu vượt qua đường cao tốc)”, văn bản nêu.

img

Nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng để các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023, Bộ GTVT đề nghị các địa phương hoàn thành việc bàn giao hồ sơ cắm cọc GPMB trong tháng 1/2023 - Ảnh minh họa

Bàn giao hồ sơ cắm cọc GPMB trong tháng 1/2023

Song song với hướng dẫn một số hạng mục liên quan đến dự án cao tốc, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao, tiếp nhận hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB của các dự án thành phần theo từng giai đoạn, cơ bản hoàn thành trước ngày 20/1/2023.

Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, chỉ đạo các địa phương xác định sơ bộ nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư; triển khai GPMB khu tái định cư (nếu có), đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

“Các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc ban hành giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất bảo đảm đúng quy định pháp luật, tuyệt đối không làm tăng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng bất hợp lý.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, thống nhất đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng theo khung chính sách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho dự án thành phần 1 và 4, đảm bảo tương đồng về đơn giá đền bù GPMB tại các khu vực giáp ranh giữa các dự án thành phần”, Bộ GTVT đề nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.