Những vũng biển tại Cù Lao Xanh thoai thoải uốn cong, được bao bọc bởi nước trong vắt nhìn thấu đáy... |
Nằm cách đất liền Quy Nhơn 24 km về phía Đông Nam, hòn đảo nhỏ Cù Lao Xanh có diện tích 5 km2, chiều dài 4 km, nơi rộng nhất chỉ 1,2 km, gây ấn tượng về màu xanh đúng như tên gọi. Có phong cảnh đẹp, nhưng Cù Lao Xanh một thời gian dài gần như là một điểm đến vô danh trên bản đồ du lịch Việt Nam, và nay vẫn bị xem là “hòn đảo của người già và trẻ em”.
Một hòn đảo bốn bề sóng nước, ngó trước ngó sau đều thấy biển, mà người dân lại không thể sống được bằng nghề biển.
Theo UBND xã Nhơn Châu, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm cao nhất tại Cù Lao Xanh cũng chưa tới 1.000 tấn, và ngày càng giảm mạnh, có năm chưa đạt 400 tấn. Thu nhập bình quân tháng của nhiều người dân thậm chí không tới nổi triệu đồng, dân số có thời điểm giảm xuống chỉ còn 2.000 người.
Mong chờ khởi sắc
Những tín hiệu của sự thay đổi bắt đầu đến từ giai đoạn 2016. Cùng với sự khởi sắc ấn tượng của du lịch Bình Định, cái tên Cù Lao Xanh dần dà được nhắc đến nhiều hơn, bên cạnh những Kỳ Co, Eo Gió, Trung Lương…
“Trước đây điều kiện kinh tế khó khăn, thanh niên trẻ trên đảo buộc phải rời đảo vào đất liền. Giờ thì khác xưa, nhiều ngành nghề phát triển, trong đó có dịch vụ du lịch, thanh niên đã bắt đầu về quê để phát triển kinh tế”, người đứng đầu xã Nhơn Châu cho biết.
Với khoảng 500 hộ dân sống tập trung chủ yếu ở bãi trước, toàn bộ diện tích 325 ha của Cù Lao Xanh phần lớn vẫn hoang vu, với những rặng đá chồng chất cạnh bờ biển cát trắng.
Những vũng biển tại Cù Lao Xanh thoai thoải uốn cong, được bao bọc bởi nước trong vắt nhìn thấu đáy với những dải san hô và rong biển đủ màu sắc. Màu xanh của cây lá, của biển và trời như hòa làm một, tạo ra một khung cảnh ngoạn mục, đủ gây ấn tượng cho bất cứ du khách nào lần đầu đặt chân tới đây.
Tháng 8/2017, ông Phan Văn Binh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu cho biết tính từ đầu năm, đã có trên dưới 1.500 lượt khách tìm đến Cù Lao Xanh.
Con số này không nhiều, nếu không nói là vẫn rất nhỏ nếu so với gần 4 triệu lượt khách đã đến với Bình Định trong năm 2017. Nhưng với người dân Cù Lao Xanh, đây là con số chất chứa niềm vui.
Tuy nhiên, để “hòn đảo của người già và trẻ em” này thực sự trở thành một điểm đến trên bản đồ du lịch Việt Nam như nhiều địa điểm khác của Bình Định, người dân Cù Lao Xanh vẫn còn một hành trình cam go ở phía trước.
Hiện cả đảo chủ yếu vẫn sử dụng nguồn điện từ máy phát chạy dầu diesel chạy từ 17h - 23h hàng ngày, với vài chuyến tàu nhỏ luân phiên chở người dân đi về giữa đảo và đất liền.
Du lịch trên đảo vẫn hoàn toàn tự cung tự cấp, nhỏ lẻ, hầu như không có bất cứ cơ sở lưu trú nào. Về lâu dài, tình trạng này khó có thể đưa du lịch Cù Lao Xanh phát triển bài bản, đồng bộ như nhiều khu vực khác tại Bình Định.
Người đứng đầu xã Nhơn Châu đã hơn một lần bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư hãy về Cù Lao Xanh để mở mang về hạ tầng, giúp phát triển du lịch cũng như cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây.
Mong muốn này của ông Phan Văn Binh đã bước đầu trở thành sự thật khi UBND tỉnh Bình Định thông qua chủ trương đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái FLC Cù Lao Xanh vào tháng 8/2017, với chủ đầu tư là FLC Faros.
FLC Cù Lao Xanh có gì?
Theo quy hoạch dự kiến, khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái FLC Cù Lao Xanh có diện tích 120 ha, trong đó diện tích sử dụng là hơn 105 ha, bao gồm 47,2 ha mặt đất đảo và 57,9 ha mặt nước.
Dự án sẽ bao gồm nhiều hạng mục đồng bộ như khách sạn, biệt thự rừng, resort ghềnh đá, bungalow trên biển, tháp vọng cảnh, bãi tắm, khu vui chơi dưới nước, nhà hàng, spa, gym…, với tổng vốn đầu tư gần 486 tỷ đồng.
Chủ đầu tư của dự án, FLC Faros là một trong những nhà thầu xây dựng có tiếng của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng được biết tới với vai trò là chủ đầu tư của hàng loạt dự án lớn.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ROS của FLC Faros là một trong những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong ngày đầu năm 2018, và cho đến hiện tại cũng đang là một trong những khoản đầu tư sinh lời tốt nhất cho cả 3 quỹ ETF chính đang hoạt động trên thị trường.
Danh mục đầu tư của FLC Faros đang bao gồm 11 dự án, có tổng mức đầu tư 3 tỷ USD, trong đó nhiều dự án triển khai cùng Tập đoàn FLC, như quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình, dự án FLC Quy Nhơn, công viên Safari Quy Nhơn, khách sạn The Coastal Hill, khu đô thị FLC Lux City Sầm Sơn…
Với FLC Cù Lao Xanh, “chúng tôi muốn xây dựng một quần thể nghỉ dưỡng hoà hợp với thiên nhiên và hạn chế tối đa tác động đến môi trường trong quá trình thực hiện”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC Faros cho biết.
Cũng theo ông, dự án này khi đi vào hoạt động sẽ gia tăng cơ hội khai thác du lịch cho toàn bộ người dân tại Cù Lao Xanh, không chỉ là việc làm tại dự án, mà còn là các hoạt động đa dạng khác như home-stay, dịch vụ du lịch cho du khách…
“Chúng tôi muốn chia sẻ càng nhiều càng tốt các cơ hội với người dân ở đây”, người đứng đầu FLC Faros nhấn mạnh.
Mô hình đầu tư vào các điểm du lịch còn sơ khai từng được FLC Faros và FLC triển khai thành công tại Thanh Hóa, Bình Định, đã chứng tỏ hiệu quả lớn về kinh tế và xã hội khi đưa vào vận hành, khai thác trong các năm gần đây.
Chủ đầu tư FLC Faros kỳ vọng, nếu được nhân rộng và áp dụng tại Cù Lao Xanh, mô hình này sẽ biến hòn đảo ngọc thành một điểm đến mới đáng nhớ tại Việt Nam. Kết hợp với Eo Gió - Kỳ Co - Quy Nhơn, các địa danh này sẽ kiến tạo thành một chuỗi các điểm đến tiêu biểu của Bình Định, góp phần đưa vùng đất võ trời văn trở thành một “thiên đường du lịch mới” của Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận