Ảnh minh họa |
Biết tôi về quê, anh bạn thân từ hồi bé, nay làm cán bộ xã vội đến thăm. Nghe tiếng anh chào từ ngõ nhưng không thấy người đâu. Hóa ra anh còn đang xem xét chiếc nồi áp suất tôi mới đổi, của một hãng sản xuất đồ gia dụng trong nước nhưng mọi tiêu chuẩn kỹ thuật đều theo châu Âu. Chúng chỉ khác nhau những dòng chữ ghi trên sản phẩm. Vì là hàng trong nước sản xuất, bán cho thị trường nội địa, nên không ghi bằng tiếng nước ngòai. Thấy nồi áp suất tôi đem về ghi chữ Việt, anh vừa ngó nghiêng soi từng li từng tí, vừa lắc đầu. Lát sau, khi đã ngồi đối ẩm qua chiếc bàn trà, anh ra vẻ thông cảm bảo:
- Các ông có tiếng là đi nhiều, biết lắm, sành điệu, biết mọi sự hay dở mà sao vẫn còn bập vào cái anh “chữ nội” này.
Nghe ngạc nhiên, tôi hỏi:
- Chữ nội là cái gì vậy?
- Thế là các bố còn khờ khạo lắm. Ông cứ nhìn những dòng chữ hướng dẫn sử dụng trên cái nồi áo suất ông mua về kia mà xem, ông không thấy là nó cứ quê quê thế nào ấy à?.
Tôi suýt thì bật cười bởi ông nhà quê từ đầu đến chân lại chê một sản phẩm của công nghệ hiện đại là quê quê. Nhưng vì phép lịch sự, vả lại biết rằng chả đáng để tranh luận, nên tôi im lặng, coi như công nhận là mình dốt. Về sau hỏi ra mới biết là nhà ông rất kị loại hàng hóa ghi “chữ nội”. Đang cơn cao hứng, lại biết có người nghe, bạn tôi lên lớp cho tôi một hồi:
- Ông không biết thôi, chứ cái gì nó cũng có lý của nó. Một đồ vật, dù chỉ là hàng bình dân, thì đây vẫn cứ phải kén chữ ngoại. Sang nhất là chữ Tây (ý bạn tôi muốn nói là chữ viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý…) còn bét ra cũng là anh loằng ngoằng giun dế. Trông nó đẳng cấp hẳn. Chữ nội, vứt!
Tôi lại mắt tròn mắt dẹt. Tôi thật thà hỏi bạn tôi rằng “cái anh loằng ngoằng giun dế” là cái gì, thì anh bạn tôi bảo luôn:
- Là chữ Thái Lan, chữ In Đô hay Hàn Quốc, Đài Loan gì đó.
Đến vậy thì tôi chọn im lặng là hơn.
Nhưng tôi tưởng chỉ những người quanh năm chân lấm tay bùn, cả đời không đọc sách như bạn tôi mới nghĩ như vậy. Nào ngờ khi trở về, ghé thăm anh bạn là trí thức chữ bồ chữ cạp hẳn hoi, định bụng kể làm quà cho anh câu chuyện tức cười kia, thì thấy chính anh cũng đang hì hục đánh trần “ngoại hóa” dòng chữ trên chiếc quạt nhà mình. Nguyên bản nó là của hãng Đ.C, hình thức không thua kém gì hàng Nhật sản xuất tại Thái hay Malaysia. Vận hành cũng khá êm ái. Giá cả thì rẻ chỉ bằng non nửa. Chỉ khác mỗi một thứ là thay vì ghi trên mác dòng chữ ngoại, thì lại là chữ nội. Anh bạn tôi kiếm ở đâu về một tệp đề-can, loại bán đầy ngoài chợ trời, đang tìm cách bóc đi những chiếc đề can cũ để dán đề can mới ấy vào. Anh làm thật là tỉ mẩn, ngang với việc mỗi khi ngồi xuống bàn viết lách gì đó. Nhưng khi anh viết lách, trông không nhễ nhại như khi anh dùng các loại dao kéo. Có lẽ vì hoa mắt, khi đứng dậy đi rửa tay để tiếp tôi, anh loạng choạng rồi ngã oạch xuống nền, đầu lao vào tường sứt một miếng, máu toe toét. Tôi vội giúp anh đứng dậy, lấy khăn ấp vào vết thương. Anh vừa xuýt xoa vừa bước vào nhà vệ sinh.
Lát sau anh quay ra với một cục bướu bằng quả ổi trên đầu. Thấy tôi nhìn anh ái ngại, anh vội giải thích:
- Mình đã cố lơ đi mà không được. Bọn bạn bè mỗi lần đến chơi nói kháy, tức anh ách. Mua mới hàng ngoại thì không có tiền, mà nó cũng phí đi vì cái anh CĐ này tốt đáo để, điều đó thì mình không phủ nhận. Chỉ nông mắt nhất ở cái hàng chữ…
Anh bỏ lửng câu nói nhưng tôi biết là anh cũng đang chê “chữ nội” không được sang. Nhìn những chữ như giun móc, tôi thật bụng hỏi:
- Anh có đọc được loại chữ kia không?
Bạn tôi cười to:
- Ông đúng là còn quê hơn cả tôi. Nó hơn nhau chính ở chỗ không đọc được. Không đọc được nên người ta không biết nó của nước nào, chỉ biết là của ngoại. Đọc được thì ai còn mất tiền mua nó làm gì. Không đọc được mới sang!
Nói đến đấy thì thấy anh tái mặt đi, tay ôm đầu. Tôi biết là cái đau sau cú ngã bây giờ mới ngấm. Tôi cố hỏi anh xem đau thế nào, anh không nói, chỉ ú ớ chỉ vào tủ kê ở góc tường. Tôi hiểu ý lấy giúp anh một cái hộp gỗ, bên trong đựng khá nhiều loại thuốc. Anh lấy ra một hộp thuốc ghi toàn chữ Tây, nhăn nhó bảo tôi:
- Ông dịch giúp tôi xem nó dùng cho bệnh gì. Tôi đi du lịch, nhờ anh bạn mua giúp, chỉ biết là thuốc mà không biết công dụng của nó là gì nên cứ vứt đấy. Ngộ nhỡ mình đau một chỗ, lại uống thuốc giảm đau chỗ khác thì… toi.
Bạn tôi cười méo cả miệng, có lẽ vì anh vừa rất đau, vừa thấy xấu hổ là không biết ngoại ngữ.
- Nó là thuốc bổ anh ạ, anh thích thì cứ uống cũng chả sao…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận