Khi chủ tàu thành con nợ
Kể từ tháng 1/2020, xã Tiến Tới sáp nhập với xã Đường Hoa, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) lấy tên chung là xã Đường Hoa. Nhưng đối với nghề đi biển, dân Tiến Tới vẫn nổi tiếng bởi những ngư dân lão luyện, giỏi nghề.
Vào những năm 2015-2018, xã Tiến Tới "phất" lên nhờ nghề đi biển. Mỗi chuyến đi đầy ắp khoang tàu là hải sản tươi sống giúp ngư dân trở về "lận lưng" vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều căn nhà cao tầng mọc lên, thêm nhiều nhà đóng tàu, nhiều người đi biển ở Tiến Tới.
Nhưng hơn ba năm nay, Tiến Tới đìu hiu, những con tàu xếp hàng dài trên bến Cái Tó, không thể ra khơi.
"Từ năm 2019 trở lại đây, Tiến Tới đã chứng kiến nhiều chủ tàu vỡ nợ, bỏ quê hương không biết lưu lạc nơi đâu. Nhiều người bám trụ với những con tàu khai thác vùng khơi cũng đứng trước nguy cơ phá sản", anh Lê Quý Trọng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá huyện Hải Hà thở dài.
Có rất nhiều câu chuyện về những chủ tàu nổi tiếng một thời trên đất Tiến Tới, chỉ sau một vài năm đã trở thành con nợ.
Như anh Hoàng Văn Quỳnh (41 tuổi, thôn Cái Tó) dồn hết tiền trong nhà, cắm thêm 3 sổ đỏ của gia đình, nội ngoại vào ngân hàng để đóng con tàu hơn 6 tỷ đồng năm 2017. Từ năm 2017-2019, nhiều điều luật về biển thay đổi, sản lượng đánh bắt ngày càng thấp, anh Quỳnh rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề.
Bàn giao hết nhà đến tàu cho chủ nợ, ngân hàng, năm 2022, vợ chồng anh Quỳnh đành bỏ đi nơi khác, chỉ còn bố mẹ cùng các con ở lại, nhưng phải đi ở nhờ nhà họ hàng.
Năm 2016, thấy nhiều nhà đóng tàu làm ăn được, anh Hoàng Văn Vang (44 tuổi, thôn Cái Tó) cũng vay mượn đóng con tàu 2,7 tỷ đồng. Chung cảnh ngộ với anh Quỳnh, năm 2022, anh Vang bán con tàu, căn nhà trả nợ.
Hiện, cả gia đình anh Vang sang nhà ngoại mượn gian chái nhà để ở, còn anh Vang đi làm thuê.
Nỗi niềm ngư dân vươn khơi
Đang mùa khai thác, nhưng hầu hết các tàu đánh bắt to, nhỏ của xã Đường Hoa về neo đậu hết trong khu neo đậu thôn Cái Tó. Trên các tàu nhỏ không một bóng người, chỉ có một vài người trên những con tàu lớn.
Ông Hoàng Văn Sinh (62 tuổi, thôn Cái Tó) buồn bã cho hay, tính đến hôm nay, tàu của ông đậu ở đây đã gần hai tháng rồi.
"Giờ đi làm là thua lỗ, vì tính chi phí mỗi chuyến ra khơi (khoảng 25 ngày) hết tầm 150 triệu đồng, nhưng vùng quy định đánh bắt quá hạn hẹp, sản lượng lại quá thấp", ông Sinh nói.
Là ngư dân lão luyện ở Tiến Tới, có tàu riêng từ năm 1984, chưa bao giờ ông Sinh thấy làm nghề đánh bắt thủy sản khó khăn như thời điểm hiện tại. Bởi với các quy định phân vùng hiện nay thì diện tích khai thác của ngư dân vùng khơi quá hạn hẹp.
Hơn nữa, nếu tàu cá dài từ 12-15m mà khai thác ở vùng lộng như quy định thì khi hình thái thời tiết có gió mùa đông bắc, tây nam hoặc nhiễu động vùng thấp, hay có cơn giông bất chợt là rất nguy hiểm.
Lãnh đạo xã Đường Hoa cho biết: Toàn xã có trên 230 tàu đánh bắt thủy sản. Thực tế, nghề khai thác thủy sản của bà con vài năm trở lại đây gặp khó khăn do nhiều yếu tố. Đó là nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, chi phí nhân công, dầu máy, đá ướp… đều tăng cao. Trong khi lượng tàu lớn phát triển ngày càng nhiều thì diện tích khai thác vùng khơi lại quá hạn hẹp…
Trao đổi về những khó khăn của bà con làng biển Tiến Tới, lãnh đạo một cơ quan chức năng huyện Hải Hà cho biết: Những khó khăn hiện nay của bà con ngư dân trên địa bàn huyện nói chung và ở Tiến Tới là có thật. Nguyên nhân là do trước đây công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn về lĩnh vực còn hạn chế, cộng với ngư dân hoạt động khai thác thủy sản theo kiểu "mạnh ai nấy ra khơi", chưa chấp hành các quy định…
"Đến khi các chính sách bị siết chặt để đảm bảo IUU thì nhiều trường hợp vướng về thủ tục liên quan đến phương tiện, giấy phép và con người... Chỉ tính riêng tại Tiến Tới có trên 150 phương tiện chưa đủ điều kiện để cấp phép ra khơi", vị này cho hay.
Được biết, hiện cơ quan chức năng huyện Hải Hà đang tích cực phối hợp rà soát, tháo gỡ những khó khăn về thủ tục để giúp ngư dân trên địa bàn sớm được vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận