Số vụ án tham nhũng, chức vụ được phát hiện, khởi tố tăng 74,1%
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2023, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao và toàn ngành đã phối hợp đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.369 vụ án hình sự (tăng 13,4% so với năm 2022).
Trong đó, số vụ án tham nhũng, chức vụ được phát hiện, khởi tố là 947 vụ (tăng 74,1%); Tội phạm về trật tự xã hội khởi tố 31.270 vụ (tăng 14,3%); Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường khởi tố 39.034 vụ (tăng 13,6%).
Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra truy tố theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như: Vụ án liên quan đến công ty Việt Á; Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); Vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Các vụ án liên quan đến Công ty AIC.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả ngành kiểm sát đã đạt được và những đóng góp quan trọng của ngành KSND đối với thành tựu chung của đất nước trong năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tuy nhiên, dự báo tình hình vi phạm, tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi các cơ quan tư pháp, trong đó có viện kiểm sát không ngừng đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác.
Không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế
Chủ tịch Quốc hội nêu một số nhiệm vụ trọng tâm đề nghị Viện KSND tối cao tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong năm 2024.
Theo đó, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những giải pháp tăng cường năng lực cho ngành kiểm sát, qua đó tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; Không để xảy ra trường hợp bị oan sai trong tố tụng hình sự; Không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế, tạo điều kiện, môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tập trung giải quyết tốt các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, hành chính; Tăng cường kiểm sát và kiến nghị xử lý các trường hợp chậm thi hành án; Đẩy mạnh giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền.
Xác định rõ những lĩnh vực công tác phải thực hiện đột phá nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tập trung sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân công và sử dụng hợp lý, hiệu quả biên chế cán bộ hiện có. Tiếp tục giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, nâng cao chất lượng hoạt động của ngành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận