Thị trường

Chủ tịch UBND TP.HCM kiểm tra các chợ truyền thống, không để dân thiếu thốn

18/07/2021, 13:26

Lãnh đạo TP.HCM đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại chợ truyền thống, chỉ đạo Sở Công thương không để người dân thiếu thốn...

Sáng 18/7, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đi kiểm tra, khảo sát tình hình mua bán tại chợ Bình Thới, phường 10, quận 11; chợ Hạnh Thông Tây, phường 11, quận Gò Vấp; chợ Ngã Ba Bầu, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12.

Tại các điểm kiểm tra, các đơn vị đã báo cáo nhanh tình hình công tác phòng, chống dịch Covid 19, những khó khăn tồn tại của các chợ trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16.

img

Sáng 18/7, Chủ tịch UBND TP.HCM kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại chợ truyền thống Ngã Ba Bầu, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12

Tại chợ Bình Thới và chợ Ngã Ba Bầu, mỗi người đi chợ đều xếp hàng giãn cách, được phát 1 phiếu mua hàng chờ đến giờ vào chợ mua sắm.

Bên trong chợ, các chủ sạp cũng áp dụng giãn cách nhau để phòng dịch. Trước đó, các tiểu thương cũng được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính mới được buôn bán tại chợ.

Ông Nguyễn Văn Đức, quyền Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, hiện nay địa bàn quận có 10 chợ truyền thống. Tuy nhiên vừa qua có 7 chợ phải tạm đóng cửa do liên quan dịch bệnh.

Ngoài 3 chợ đang hoạt động, địa bàn còn có 5 siêu thị, 138 cửa hàng Bách Hóa Xanh, cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Bên cạnh đó, quận đã phối hợp với Sở Công thương đưa hàng hóa theo các xe lưu động đến tận nơi phục vụ cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Đức cho biết thêm, đối với 7 chợ truyền thống đang đóng cửa 10 ngày, sau khi hết thời hạn đóng cửa, UBND quận xét lấy mẫu tầm soát xét nghiệm trên diện rộng cho bà con trong và ngoài chợ để được mở cửa trở lại.

"Quận thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá. Hiện giá cả các chợ đã khá ổn định, không có hiện tượng tăng giá quá cao”, ông Đức nói.

img

Người dân được phát phiếu, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào chợ Ngã Ba Bầu, quận 12

Qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các chợ duy trì mô hình kiểm soát, động viên thương nhân và bà con nhân dân chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chợ cần phải tổ chức khéo léo, tránh sự ùn ứ khi người dân vào chợ bằng cách xếp hàng, phát phiếu.

Chợ phải định kỳ 5 ngày tổ chức lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên cho thương nhân và người lao động. Tăng cường trang bị quạt công nghiệp trong lòng chợ để tạo môi trường thông thoáng.

Theo lãnh đạo TP.HCM, ngoài việc tổ chức bán hàng tại các chợ, các địa phương cũng cần tăng cường bán hàng lưu động đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm cho tiểu thương trong chợ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

img

Tại quầy rau củ qủa chợ Ngã Ba Bầu, tiểu thương chấp hành phòng chống dịch, ghi nhận sáng 18/7

Về giá cả hàng hóa, các quận tăng cường nhắc nhở, thậm chí xử phạt đối với những trường hợp tăng giá hàng hóa không đúng quy định.

Trước đó, TP.HCM đang thí điểm tổ chức cho một tiểu thương bán thịt, cá và rau, củ quả ở những chợ đang bị đóng cửa để giảm áp lực thiếu hụt hàng hóa.

Các chợ đang được hoạt động cần tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng chống dịch, nếu chợ nào không tuân thủ cần kiên quyết đóng cửa.

Ông Phong chỉ đạo, Sở Công thương không để người dân thiếu thốn, khó khăn khi mua lương thực nhất là tại các khu phong tỏa.

Sở Công thương cho biết, hiện TP.HCM còn 48/237 chợ (bao gồm 3 chợ đầu mối) hoạt động. Như vậy, có đến hơn 3/4 số chợ truyền thống trên địa bàn TP đã tạm đóng cửa vì có ca F0 hoặc liên quan F0.

Theo Sở, với một số mặt hàng, năng lực cung ứng của chợ truyền thống chiếm đến 60-70%. Vì vậy, khi các chợ truyền thống dừng hoạt động, các kênh phân phối như siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã phải đẩy công suất hàng lên tối đa, vẫn không đủ năng lực cung ứng, dẫn đến việc người dân xếp hàng dài chờ mua hàng, giá cả nhiều mặt hàng tăng lên hơn mức bình thường…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.