Thường trực nỗi lo nhà sập, bờ kè đổ
Trong căn nhà chưa đầy 40m2, mái thấp lụp xụp cạnh con đường nhỏ nằm chênh vênh trên bờ kè áp với tuyến đường Lê Thánh Tông, ông Trần Văn Vinh (ở số 6 thuộc tổ 9, khu 1, phường Hòn Gai, TP Hạ Long, Quảng Ninh) kể, gia đình ông mua lại căn nhà này hơn chục năm trước với giá gần 500 triệu đồng.
"Mua nhà ở được một thời gian, tôi mới biết khu đất này nằm trong vùng quy hoạch di tích lịch sử nhà tù chính trị. Ở vùng quy hoạch nên nhà không bán được, không sửa được. Thỉnh thoảng lại nghe thông tin dân khu này sẽ được hỗ trợ, di dời đi nơi khác, chúng tôi mong lắm", ông Vinh tâm sự.
Là hàng xóm nhà ông Vinh, căn nhà cấp 4 của ông Phạm Văn Trị (90 tuổi) và người vợ 86 tuổi bị liệt toàn thân cũng cũ nát.
Cụ Trị kể, năm 1960, cụ ra Quảng Ninh làm việc tại Công ty Cung ứng và du lịch Quảng Ninh. Khi công ty xây dựng dãy nhà ở tập thể cho cán bộ, nhân viên ngay trên nóc nhà tù này, cụ Trị được phân một căn vào năm 1969 rồi được thanh lý, ở đến bây giờ.
"Tuổi tôi đã cao, bà nhà thì liệt, nên mỗi khi có mưa, bão lớn là tôi lo lắng lắm. Chỉ lo căn nhà, tuyến kè phía trước bị sự cố, vợ chồng tôi sao chạy nổi", cụ Trị nói.
Kề đó, căn nhà của gia đình chị Phạm Thị Tâm được xây dựng từ năm 2012 với diện tích gần 50m2 cũng đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Bởi gần đây, tường nhà bất ngờ xuất hiện nhiều vết nứt lớn.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Cao Cường, công chức văn hóa - xã hội phường Hồng Gai, TP Hạ Long cho biết: Theo hồ sơ, di tích lịch sử chứng tích nhà giam tù chính trị của thực dân Pháp ở Hòn Gai do thực dân Pháp xây dựng đầu thế kỷ XIX.
Di tích có gồm bốn bộ phận cấu thành là khu giam tù nhân, đường hầm, nhà tra tấn và khu nhà ở của cai ký, quản ngục. Nhà giam này vốn là một cầu cảng, một mặt giáp biển và phía sau tựa vào núi, là nơi giam cầm, tra tấn các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt.
Đến năm 1944, lo sợ phát xít Nhật đảo chính, thực dân Pháp đã xây dựng thêm căn hầm để trú ẩn. Căn hầm được xây dựng bằng đá và gạch chỉ, rộng từ 1-1,5m, cao từ 1,8-2m, nền bằng phẳng, nóc cuốn vòm.
Sau này, nhà giam đã bị phá hủy để mở rộng quốc lộ 18A qua bến phà Bãi Cháy, nên chỉ còn lại vết tích là bức tường phía sau tiếp giáp với chân núi và một đoạn đường hầm. Bức tường này được xây bằng gạch chỉ, dài 83,6m2, cao 2,4m.
Khu nhà tù chính trị này đã được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp bằng công nhân di tích lịch sử cấp tỉnh đầu năm 2023. Hiện trạng vùng di tích được khoanh vùng bảo vệ là trên 1.098m2, trong đó khu vực bảo vệ I là 75,8m2, vùng bảo vệ II là 1.022,9m2. Tại vùng bảo vệ II của di tích hiện có 11 căn hộ, với trên 40 người dân sinh sống.
Cần sớm có khu tái định cư để di dời
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo khu 1, phường Hồng Gai, TP Hạ Long cho biết: Trải qua hơn 100 năm tồn tại, dưới tác động của thời tiết, khí hậu, địa chất, nên năm 2016, một số vị trí của đường hầm trong lòng đất ở Di tích nhà tù chính trị đã bị sụt, lún, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà cửa, tài sản của một số hộ dân. Do vậy, chính quyền địa phương đã phải bơm bê tông để lấp các đoạn sụt, lún.
"Việc bơm bê tông để vá các vết nứt chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi đường hầm, bờ kè hiện nay đang bị các công trình nhà dân xây dựng đè nặng, nên nguy cơ sập cận kề. Khu phố và bà con sinh sống trên nóc nhà tù này đã nhiều lần kiến nghị chính quyền sớm hỗ trợ, đưa bà con ra khỏi vùng nguy hiểm và có phương án bảo vệ di sản", vị lãnh đạo khu 1 cho biết.
Còn ông Vũ Mạnh Hải, Phó chủ tịch UBND phường Hồng Gai cho hay, an nguy của hơn chục hộ dân với trên 40 nhân khẩu đang ở trong vùng Di tích nhà tù chính trị của thực dân Pháp là mối lo thường trực của chính quyền địa phương.
"Chính quyền địa phương đã phối hợp đã xây dựng phương án tái định cư cho các hộ dân để bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích. Tuy nhiên, việc triển khai phải chờ các cơ quan có thẩm quyền quyết định", ông Hải nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận