Chuyện dọc đường

Chuyện 3 “nhà” ở chung cư

05/07/2019, 07:23

Từ nhiều năm nay, ở hàng trăm dự án chung cư cũ hoặc mới đều đang xuất hiện những mâu thuẫn khá gay gắt giữa chủ đầu tư với khách hàng.

img
Cư dân tại một chung cư ở Hà Nội treo băng rôn phản đối vì cho rằng chủ đầu tư trì hoãn tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu

5h sáng một ngày cuối tuần, cả khu chung cư nhà tôi bỗng trở nên huyên náo khác thường. Nhiều gia đình đang ngủ nướng bị đánh thức sớm hơn thường lệ bởi tiếng cãi cọ, la ó của một nhóm người với đơn vị vận hành tòa nhà.

3 người phụ nữ mang xô chậu, kem đánh răng, khăn mặt xuống sảnh chung cư để rửa mặt, gội đầu nhằm phản đối đơn vị quản lý đã cả gan cắt nước của gia đình họ.

Một vài người khác đã quay cảnh tượng kỳ lạ này và đăng tải trên mạng xã hội. Chỉ ít phút, đoạn clip với nội dung: Chủ đầu tư dự án X ức hiếp cư dân, đột ngột cắt nước sinh hoạt nhiều gia đình giữa đợt nắng nóng… đã thu hút hàng nghìn lượt xem và hàng trăm lượt chia sẻ.

Vậy là bắt đầu một đợt khủng hoảng lan rộng. Nhiều gia đình trong diện sắp bị cắt nước lập tức treo băng rôn khắp mặt tiền chung cư để phản đối. Hàng chục cơ quan báo chí vào cuộc. Mạng xã hội liên tiếp cập nhật những diễn biến mới, nóng.

Bỗng nhiên rơi vào thế kẹt, doanh nghiệp này loay hoay không biết phải thanh minh, giải thích như thế nào cho cộng đồng mạng, những khách hàng tiềm năng của họ hiểu.

Sở dĩ, họ phải bắt buộc cắt nước một số hộ gia đình vì chây ì không đóng phí dịch vụ hàng năm trời. Mặc dù đã có hàng chục lần gửi giấy thông báo, gọi điện, nhắn tin… nhưng hàng trăm khách hàng vẫn nhất quyết không nộp một xu. Đến khi không thể gồng gánh khoản phí dịch vụ thay cho cư dân, chủ đầu tư mới phải vận dụng đến biện pháp nặng tính đối kháng như trên.

Câu chuyện khu chung cư tôi ở thực tế không lạ. Từ nhiều năm nay, hàng trăm dự án chung cư cũ hoặc mới đều đang xuất hiện những mâu thuẫn khá gay gắt giữa chủ đầu tư với khách hàng. Đó là những tranh cãi về diện tích thiếu hụt, diện tích sử dụng chung, phí bảo trì, sổ hồng, phí dịch vụ…

Đúng là trong thực tế, không ít chủ đầu tư đã không tuân thủ các quy định của pháp luật, không đảm bảo quyền lợi của cư dân - khách hàng. Nhưng, câu chuyện đó không thể đánh đồng cho mọi doanh nghiệp.

Để tạo nên một thị trường bất động sản Việt Nam khá lớn mạnh như hiện nay, có rất nhiều những đơn vị làm ăn uy tín, đàng hoàng. Tuy nhiên, họ vẫn phải méo mặt vì việc tranh chấp, khiếu kiện diễn ra tại các chung cư hiện nay ngày càng phức tạp, hỗn loạn.

Nhiều bộ phận cư dân ở các chung cư đòi quyền lợi một cách tiêu cực như tổ chức diễu hành trên đường phố gây ách tắc giao thông, viết bài, đưa thông tin một chiều không chính xác lên mạng xã hội, treo băng rôn, biểu ngữ khắp nơi.

Có rất ít nhóm khách hàng ở các chung cư này chọn cách khởi kiện chủ đầu tư và chờ đợi phán quyết của tòa dân sự.

Người viết bài này không có ý định bênh vực các chủ đầu tư dự án, nhưng trong khi chờ đợi các cơ quan quản lý siết chặt giám sát, hoàn chỉnh chế tài quản lý thì một bộ phận khách hàng, người mua nhà cũng cần thay đổi cách ứng xử sao cho phù hợp nhất.

Khi không “chơi” theo luật, khách hàng sẽ gián tiếp làm phương hại đến quyền lợi của chính mình.

Giá mỗi căn hộ tại khu chung cư nhà tôi bắt đầu lao dốc từ khi xuất hiện những chuyện ì xèo kiện cáo, phản đối, treo băng rôn, viết bài tiêu cực lên mạng xã hội.

Chủ đầu tư như ngồi trên đống lửa bởi họ đang xây thêm một khu đô thị khác. Với những sự cố không mong muốn này, dự án của họ có nguy cơ bị thị trường quay lưng. Hàng trăm khách hàng khác cũng nháo nhác khi thấy dòng tiền đổ vào đây không có khả năng sinh lời.

Từ câu chuyện này, nhìn xa hơn, rộng hơn, thì một bộ phận không nhỏ khách hàng đang gián tiếp “hạ mức tín nhiệm” thị trường bất động sản.

1, 2 dự án dính vào kiện cáo, treo băng rôn là chuyện nhỏ, nhưng hàng chục, hàng trăm dự án xuất hiện băng rôn, người dân tụ tập phản đối thì đã trở thành việc lớn. Việc thu hút những nhà đầu tư uy tín, nhiều tiềm lực có thể sẽ gặp khó khăn, trở ngại nhiều hơn.

Một thị trường không thể tự tốt lên, bớt méo mó và lành mạnh hơn nếu cả 3 yếu tố cấu thành là cơ quan quản lý, nhà đầu tư và khách hàng không tự hoàn thiện chính mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.