Xã hội

Chuyện "vá" biệt thự lịch sử của con trai huyền thoại Biệt động Sài Gòn

30/04/2021, 12:06

Căn biệt thự từng là cơ sở của Biệt động Sài Gòn, đang được con trai huyền thoại Biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai dày công phục dựng.

img

Ông Trần Văn Lai trước căn biệt thự số 6-8 Tự Đức, nay là đường Nguyễn Thị Huỳnh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM

Căn biệt thự của ông Trần Văn Lai - Anh hùng lực lượng vũ trang, người chỉ huy trong lực lượng Biệt động Sài Gòn năm xưa, nay không còn nguyên vẹn do bị mua đi bán lại và đập phá để cải tạo. Và sau đó là hành trình phục dựng gian nan của người con trai cả - ông Trần Vũ Bình (Trần Kiến Xương, hiện đang là Trưởng đại diện Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại TP.HCM).

Căn biệt thự lịch sử

Ít ai biết, căn nhà biệt thự số 6-8 Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM là di tích gắn liền với di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập. Căn biệt thự này được xây dựng khoảng 60 năm trước.

Trước giải phóng, căn biệt thự có địa chỉ 33/5 Lăng Phú Thành, sau đổi thành số 6-8 đường Tự Đức và hiện nay là 6-8 đường Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Đây là nơi được chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (còn được gọi là Mai Hồng Quế, bí danh Năm U Som) và bà vợ cả Phạm Thị Chinh (còn gọi Phạm Thị Phan Chính) mua lại để phục vụ hoạt động cách mạng.

Với danh nghĩa nhà thầu khoán Dinh Độc lập, ông Mai Hồng Quế có hoạt động kinh doanh bề ngoài làm xưởng sản xuất tranh kiệt, bàn ghế, nệm, các đồ trang trí nội thất… nhưng bên trong chính là cơ sở hoạt động bí mật của Biệt động Sài Gòn.

Căn biệt thự này cũng chính là nơi hội họp, nuôi giấu cán bộ công tác tại nội thành Sài Gòn.

Ông Trần Văn Lai khi đó là nhà thầu chính, được quyền ra vào Phủ Tổng thống và quen biết nhiều với chức sắc Việt Nam Cộng hòa. Ông cũng là cán bộ Tiểu đoàn, C trưởng Biệt động, đơn vị Biệt động 159, Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

img

Tiếc thương cái chết của người đồng chí, đồng đội và sau là người vợ, ông Trần Văn Lai đã tự họa hình hai người để tưởng nhớ

Năm 1964, ông Trần Văn Lai cùng vợ cả là bà Phạm Thị Chinh (tức Phạm Thị Phan Chính - liệt sĩ) đã đứng ra bảo lãnh cho hai đồng đội là Phan Trọng Bình và Phạm Quốc Sắc, là 2 trong số 6 tử tù chính trị bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo thoát khỏi án tử.

Ông bà đã bảo lãnh hai cán bộ cấp cao này với lý do là họ hàng của bà Phạm Thị Chinh và để hai cán bộ này trú tại biệt thự số 6-8. Tuy nhiên, do yêu cầu của Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, 2 cán bộ được lệnh rút ra chiến khu.

Chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, Anh hùng LLVT Nhân dân Trần Văn Lai (1920- 2002, quê Thái Bình) là người hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc tỷ phú Mai Hồng Quế, Năm USOM - thầu khoán Dinh Độc Lập.

Ông là một chiến sĩ Biệt động đã bất chấp hiểm nguy của gia đình, hiến dâng cả gia tài, sự nghiệp cho cách mạng.

Ông Trần Văn Lai chính là nguyên mẫu của nhân vật ông chủ hãng sơn Đông Á trong bộ phim nổi tiếng “Biệt động Sài Gòn”.

Chính quyền Sài Gòn phát hiện họ vừa được bảo lãnh đã trốn thoát nên đã bắt nhốt bà Chinh để tra khảo. Bà Chinh bị địch tra tấn dã man nhưng vẫn cương quyết không khai.

Địch không khai thác được gì, buộc phải thả bà Chinh. Với di chứng nặng nề từ những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, ngày 30/9/1964, bà Chinh đã hy sinh và được công nhận liệt sĩ năm 1984.

Năm 1965, Quân khu chỉ thị ông Trần Văn Lai phải bán 2 căn biệt thự trên cùng một số tài sản khác là tài sản riêng của gia đình, đồng thời gửi vào nhà băng số tiền 800.000 đồng để cho cán bộ rút ra khi cần thiết, bảo đảm phục vụ chiến đấu tại Nội Thành - Gia Định.

Từ đó 2 căn biệt thự 6-8 Nguyễn Thị Huỳnh đã được chuyển qua nhiều đời chủ.

img

Ông Trần Văn Lai, nguyên mẫu nhân vật chính của bộ phim "Biệt Động Sài Gòn"

Hành trình gian nan mua lại hai căn biệt thự

Sau khi vợ cả mất mà không sinh được người con nào, ông Trần Văn Lai tiếp tục hoạt động, lấy vợ hai và sinh được 6 người con.

Sau khi cha mất, từ những tư liệu của cha để lại, ông Trần Vũ Bình, con trai cả của ông Lai, đã có cuộc hành trình gian nan đi tìm những trang lịch sử oai hùng của Biệt động Sài Gòn.

Ông Bình tìm đến các cơ sở gắn với biệt động Sài Gòn và mong muốn phục dựng lại các di tích này, trong đó có căn biệt thự số 6-8 Nguyễn Thị Huỳnh. “Tôi có một ước nguyện tìm căn biệt thự này vì nó gắn với một giai đoạn hào hùng của dân tộc và cũng gắn với tình vợ chồng ngắn ngủi của cha và má đầu Phạm Thị Chinh”, ông Bình nói.

Mãi đến năm 1998, ông Bình mới tìm lại được 2 căn biệt thự và nung nấu quyết tâm sẽ mua lại để phục dựng.

img

Ông Trần Vũ Bình phục dựng lại tấm cửa của căn biệt thư năm xưa

Liên quan đến hai căn biệt thự này, bà Nguyễn Thị Ti (51 tuổi), chủ doanh nghiệp xây dựng, từng thuê hai căn biệt thự này cho biết, năm 2017 bà đã thuê căn biệt thự này làm phòng trà, chuyên phục vụ khách hàng dòng nhạc tiền chiến. “Tôi thuê gần 3 năm, từ 2017 đến gần hết 2019 thì chủ nhà đòi lại để bán”, bà Ti cho biết.

Theo bà Ti, căn biệt thự này khi đó rất cổ kính. Tất cả các cửa lá sắt, hoa văn đều rất cũ, nhà xây chắc chắn.

Bà Ti cũng định mua lại căn nhà này, đã trả giá 24 tỷ đồng nhưng chủ nhà không bán. Sau đó, bà cũng biết thông tin là chủ nhà đã bán cho người khác tên Thu.

img

Bà Nguyễn Thị Ti (áo vàng) người đã đến thuê căn biệt thự để làm phòng trà, nay bà quay lại thăm căn nhà nơi bà từng gắn bó một thời gian

Ước mong làm sống lại căn biệt thự hào hùng

Ông Bình nói trong xót xa, cuối tháng 3/2020, do không biết đây là căn nhà gắn với di tích lịch sử nên chủ nhà đã đập bỏ, toàn bộ đồ đạc trong nhà đã bị mang đi bán: “Tôi vội vã chạy tới căn biệt thự hy vọng còn giữ lại được những kỷ vật của cha mình, chết lặng trước cảnh ngôi nhà đã bị phá tan hoang”.

Chứng kiến cảnh căn biệt thự tan hoang, những món đồ đã bị mang đi bán, ông Bình suy sụp, đi lang thang, không ngủ hàng tuần trời. Gia đình, bạn bè, người thân phải động viên để ông Bình vượt qua và cùng bàn tính mua lại căn biệt thự cùng những đồ vật của nó.

Ông Bình tìm được số điện thoại của người chủ mới, nhưng chủ căn biệt thự lại ở nước ngoài. Sau khi nghe câu chuyện cảm động về lịch sử căn biệt thự và mục đích của ông Bình, người chủ mới đã bay về Việt Nam để cùng ông thảo luận về việc chuyển nhượng.

img

Ông Trần Vũ Bình đứng trước đống gạch đổ nát của căn biệt thự. Ông quyết tâm chuộc lại và sẽ “vá” lại toàn bộ căn biệt thự trên img

Căn biệt thự sẽ được phục dựng lại. Đây là nơi từng là căn cứ bí mật để cất giấu, vận chuyển tài liệu, quân lương, những cán bộ cao cấp và chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, cũng là nơi khởi đầu cho mối tình son sắt của ông bà Trần Văn Lai

Dù cuộc thảo luận diễn ra tốt đẹp, chủ mới đồng ý chuyển nhượng nhưng số tiền mua lại căn nhà quá lớn. Ông Bình và gia đình đã phải cầm cố nhà cửa, tài sản mới đủ mua lại căn biệt thự đó.

Vậy là từ khi tìm được căn nhà năm 1998, đến năm 2020 ông Bình và gia đình mới mua được căn biệt thự, sau 22 năm.

Hiện ngoài thời gian làm việc, bất kể ngày đêm, ông Bình cùng những cộng sự của mình lùng sục mọi ngóc ngách, tìm mọi cách mua lại những vật dụng của căn nhà tại các khu vực bán đồ cũ.

Ông Bình cho biết, mơ ước lớn nhất là sẽ làm "sống dậy" căn nhà, cố gắng "vá" lại với những thiết kế, cửa sắt, vật dụng cũ để nó giống như ngày xưa nhất.

Dù rất khó khăn song ý định của ông Bình và gia đình là “vá” lại căn nhà một cách trung thực nhất. Đó là lý do ông gọi đó là “Biệt thự vá”.

Đến thời điểm này, ông Trần Vũ Bình vui mừng cho biết, không bao lâu nữa, ngôi biệt thự số 6-8 Nguyễn Thị Huỳnh sẽ hoàn thành việc phục dựng và khánh thành vào ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 năm nay.

Hình ảnh căn biệt thự của những chiến sỹ Biệt động Sài Gòn đang được phục dựng lại

img

Căn biệt thự đã về tay chủ khác và bị phá bỏ thành đống gạch nát, ông Bình đứng trước đống gạch trong căn biệt thự

img

Căn biệt thự rộng hơn 200m2, gồm 1 trệt 3 lầu

img

Tháng 3/2020, căn biệt thự đã được ông Bình và gia đình mua lại và phục dựng như xưa

img

Vị trí căn hầm bí mật để cất giấu vũ khí, tài liệu

img

Không ai biết rằng trong căn biệt thự này lại có căn hầm dưới lòng đất

img

Những tấm tường cũ trong nhà của căn biệt thự được xây dựng hơn 40 năm

img

Ông Bình tìm mua lại những vật dụng của căn nhà tại các khu vực bán đồ cũ, như cửa sắt, hoa văn, hoạ tiết xưa

Căn biệt thự cũ số 6-8 Nguyễn Thị Huỳnh được xây dựng khoảng 60 năm năm trước, đang được gia đình ông Lai phục dựng lại sau khi bị phá bỏ. Căn biệt thự 1 hầm dưới lòng đất và 3 lầu, diện tích hơn 200m2

Tầng trệt phía trước là phòng đón khách, phòng thư ký, phòng của nhân viên làm việc sẽ chính là vị trí căn hầm dưới lòng đất và được nguỵ trang tủ két sắt ngày xưa của Mỹ (đế két sắt nằm trên miệng hầm và xoay két sắt sẽ là căn hầm)

Lầu 1 là phòng tiếp khách lớn trên 100 khách (được phục dựng như phòng đại yến Dinh Độc Lập). Lầu 2 phía trước là phòng họp nội bộ, đằng sau là phòng trình giấy tờ làm việc của ông Trần Văn Lai. Lầu 3 là phòng tĩnh tâm hay được gọi lầu tứ phương vô sự, đằng sau là phòng nghỉ của ông Trần Văn Lai và bà Phạm Thị Chinh (bà vợ cả). Trên cùng sân thượng giữ nguyên bản là nơi tổ chức tiệc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.