Bà Ngần bên Hưng - chàng trai đã thấy ánh sáng nhờ giác mạc con trai bà hiến tặng và giờ đây bà cũng muốn hiến tặng một giác mạc của mình để Hưng thành người lành lặn |
Cho đi để nhận lại
Đầu tháng 7, trong căn nhà nhỏ ở xã Tuyết Nghĩa (huyện Quốc Oai, Hà Nội), bà Cấn Thị Ngần (SN 1960) thì thầm kể chuyện trước di ảnh con trai - anh Trịnh Đình Vàng (SN 1986). Bà bảo với anh Vàng rằng, ngôi nhà anh đang xây dang dở đã được những người con mới của bà sửa sang, hoàn thiện, lắp cửa gỗ, sơn tường, đóng khóa…
“Mẹ mất con nhưng mẹ có thêm 5 người con nữa, các con mới đều thường xuyên thăm hỏi, gọi điện, chăm sóc mẹ. Con cứ yên lòng”, bà Ngần thì thầm.
Cuộc đời bà Ngần cơ cực từ thời trẻ. 30 tuổi, chồng bà tử vong vì điện giật, để lại cho bà ba đứa con thơ. Bà dựng chiếc lều tạm giữa đồng nước để bắt cá, chăn vịt nuôi con. Rồi các con cũng lớn lên, xây dựng gia đình nhưng gia cảnh cũng không ai khấm khá. Chị Trịnh Thị Bích Ngọc (SN 1982, con gái đầu của bà) lấy chồng ở huyện Quốc Oai, nhưng chồng bị TNGT mất sớm, để lại gánh nặng con thơ. Con trai thứ hai của bà là Trịnh Đinh Đồng (SN 1984) lấy vợ ở ngay cạnh nhà bà. Hai vợ chồng làm công nhân nhưng do anh Đồng từ nhỏ đến giờ 7 lần bị tai nạn, nên sức khỏe yếu, thuộc diện hộ nghèo.
Anh Vàng là đứa con khoẻ mạnh nhất của bà, hết phổ thông vào miền Nam học cơ khí, sau đó về quê làm cho một công ty xây dựng. Hai mẹ con bàn nhau, cố đi làm, xây được căn nhà rồi tính chuyện lấy vợ cho anh Vàng. “Vậy mà nhà mới xây xong, còn chưa trát vữa thì nó bỏ tôi mà đi”, bà Ngần mếu máo kể.
Ngày 27/7/2016, anh Vàng lên lan can tầng 2 của căn nhà mới xây, nằm hóng mát. Chẳng may anh ngủ quên, bị ngã xuống đất. Đến 4h sáng hôm sau, anh Đồng phát hiện sự việc, đưa em đi cấp cứu thì anh Vàng đã chết não.
Đang làm giúp việc ở Hà Nội, nhận được tin con gặp nạn, bà Ngần lao đến bệnh viện và được bác sĩ thông báo, anh Vàng chỉ còn chờ giờ đi. Tại bệnh viện cũng đang có một ca đang chờ chết nếu không được ghép tim kịp thời.
“Tôi ngồi bất động nhìn con gần trọn một ngày, cứ nghĩ đến mẹ bệnh nhân đang chờ ghép tim chắc đã ngồi bất động rất nhiều ngày. Rồi tôi đến gặp bác sĩ, tôi nói nếu con tôi không qua khỏi, tôi đồng ý hiến toàn bộ mô tạng của con…”, bà Ngần nghẹn lời.
Lặng đi giây lát, bà khẽ tâm sự: “Cho đến bây giờ, nhớ lại giây phút ấy, tôi vẫn đau nhói ghê gớm. Con tôi tuy lúc ấy không biết gì nữa, nhưng con vẫn lành lặn, giờ tự dưng tôi đồng ý cho bác sĩ lấy hết các bộ phận trong người con, trái tim người mẹ nào không đau đớn. Nhưng nghĩ đến bệnh nhân kia đang thập tử nhất sinh, tôi lại cố kìm lòng mình”.
Anh Vàng mất, có 5 người được hồi sinh nhờ nguồn tạng từ cơ thể anh và nỗi đau mất người con trai yêu dấu của bà Ngần cũng được san sẻ bởi bà có thêm 5 người con mang trên mình một phần bóng dáng của anh Vàng. “Gần 2 năm nay, 5 đứa con ấy của tôi là thằng Cường (ở Sơn La) được hiến thận, thằng Tiến (ở Quảng Bình) được hiến tim, cái Hậu (ở Lạng Sơn) được hiến thận, cái Thuỷ (ở huyện Chương Mỹ) và thằng Hưng (huyện Hoài Đức) được hiến giác mạc luôn hỏi thăm, tìm về với mẹ. Hàng tuần, hàng tháng, các con lại đưa con cháu về chơi và đón tôi đến nhà các con chơi, rồi đi tham quan các nơi. Có khi đi cả tuần, có khi cả chục ngày mới về nhà. Giờ các con không cho mẹ đi làm thuê nữa, vì chúng nói mẹ già rồi. Mẹ ở nhà dưỡng sức, để các con thay nhau về thăm mẹ, chăm sóc mẹ”, bà Ngần cho hay.
Hiện, bà Ngần cũng đã đăng ký hiến tạng sau khi mất và dự tính hiến một bên giác mạc cho anh Hưng, người đã nhận một giác mạc của anh Vàng. “Nhà Hưng nghèo, mẹ đi nhặt đồng nát nuôi con, Hưng cần có đủ 2 mắt, thành người lành lặn để nó lấy vợ, sinh con… “, bà Ngần nói.
Những câu chuyện lan toả
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép bộ phận cơ thể Quốc gia (Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) cho biết, từ những câu chuyện hiến tạng đầy xúc động như của bà Ngần, bé Hải An, em Sáng… đã lan toả, chạm tới trái tim cộng đồng và dần làm thay đổi nhận thức về hiến tạng.
“Năm 2013, tổng số người đăng ký hiến tạng là con số 0, thì cả năm 2014 chỉ có 265 người đăng ký hiến tạng. Thế nhưng, chỉ hơn 2 tháng kể từ ngày câu chuyện của bé Hải An được chia sẻ, số lượng người đăng ký hiến tạng tăng lên 2.467 người. Nâng tổng số người hiến tạng đến đầu tháng 5/2018 là 14.667 người”, ông Phúc thông tin.
Tuy nhiên, hiện nhu cầu chờ ghép tạng rất lớn, nhưng số lượng hiến tạng còn quá thấp. Theo ông Phúc, từ năm 1992 đến nay, hơn 20 năm, Việt Nam mới chỉ có gần 3.000 người được ghép tạng, phần lớn là được hiến từ người còn sống, tỉ lệ tạng từ người chết não chưa được 10%, trong khi thế giới tỷ lệ ghép tạng từ người chết não chiếm 90%. Một năm trung bình có gần 10 nghìn người chết vì TNGT, nhưng người được hiến tạng chết não vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong nỗi đau tận cùng mất người thân, còn quá ít người hiểu, tận dụng cơ hội đó để giúp người thân của mình tiếp tục hiện hữu trên cuộc đời và mở ra cơ hội sống cho những bệnh nhân suy mô tạng.
Ông Phúc kể, tháng 5, tại bệnh viện có một cậu bé 16 tuổi đang từng giờ chờ có tim để được ghép. Trung tâm đã đưa thông tin lên trang thông tin nội bộ, kêu gọi cộng đồng, hiến tạng của người thân chết não. Chỉ sau vài ngày đưa tin, có khoảng 1 triệu lượt người xem, hơn 10.000 lượt share. Rồi có cuộc gọi đến thông báo ở Tây Nguyên có cậu thanh niên 23 tuổi, bị tai nạn nguy kịch, bệnh viện trả về. Người dân đã thông tin tới bệnh viện để trung tâm biết, liên hệ với gia đình thanh niên đó, gia đình do dự. Chỉ khi thanh niên qua đời, gia đình gọi đến trung tâm đồng ý hiến tạng cứu người thì đã quá muộn. Sau đó một tuần, trái tim của cậu bé 16 tuổi cũng ngừng đập…
Nếu bạn đặt bút ký vào đơn tình nguyện hiến tạng, 10 năm, 20 năm sau, mọi người thấy chuyện hiến tạng là bình thường và chúng ta sẵn sàng chia sẻ việc hiến tạng. Nếu 20 năm sau chúng ta suy tạng, ngay lập tức có nguồn tạng dồi dào, có thể được ghép ngay. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép bộ phận cơ thể Quốc gia (Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận