Vào rồi không muốn về
Bà Ngô Thị Hồng Tư (79 tuổi, trú tỉnh Hải Dương) vào Viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 (Khu đô thị Thanh Hà Cienco5, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) được hơn một năm. Trước đó, chồng bệnh nặng qua đời, bà Tư sống một mình trong căn nhà nhiều kỷ niệm của hai vợ chồng già.
Mất đi người bạn đời, sức khỏe của bà Tư yếu đi rõ rệt. Con trai muốn đón bà lên Hà Nội ở cùng nhưng bà không muốn phiền con cháu. Sau khi bàn bạc, các con tìm viện dưỡng lão để bà Tư vào sống thử.
Hồi đầu, bà Tư chưa thích nghi được, gần như không muốn nói chuyện cùng ai. Sau một tuần, được các điều dưỡng chăm sóc, có bạn trò chuyện, bà Tư dần hòa mình vào cuộc sống mới. Hằng tuần, con cháu đều đặn vào thăm và đón bà Tư về nhà vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, mỗi lần về, bà chỉ mong mau chóng trở lại, vì không hợp đồ ăn ở nhà, cũng như không cảm thấy thoải mái như ở trại dưỡng lão.
Kế bên phòng bà Tư, ông Nguyễn Văn Nam (70 tuổi, quê Nam Định) được gia đình đưa vào viện dưỡng lão cách đây 6 tháng. Trước đó, ông có dấu hiệu trầm cảm, được con cho đi khám, điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Bạch Mai. Sau khi ổn định gia đình quyết định đưa ông vào đây để có người chăm sóc.
Trước đây, con cái đi làm suốt ngày, một mình ở nhà khiến ông mắc bệnh tâm lý. Từ ngày vào viện, có bạn bè tâm sự, được chăm sóc, tinh thần ông phấn chấn hơn, sức khỏe được cải thiện.
Viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 hiện có 120 cụ, độ tuổi trung bình từ 70 - 90, cụ cao tuổi nhất là 105 tuổi. Trong đó, 100% các cụ có bệnh lý nền như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, 60% các cụ mắc bệnh suy giảm trí nhớ. Hằng ngày sẽ có điều dưỡng trực chăm sóc 24/24h về các hoạt động ăn uống, ngủ nghỉ.
Công việc cần sự kiên trì, nhẫn nại
Đến nay, chị Phạm Thị Vóc (37 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) đã gắn bó với Viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 được 2 năm. Mỗi sáng, sau khi giao ca, chị đi các phòng kiểm tra sức khỏe cho từng cụ, để có thể xử lý kịp thời nếu có vấn đề.
Hiện chị Vóc cùng một đồng nghiệp khác phụ trách chăm sóc cho 32 cụ, độ tuổi từ 70 - 90. Trong đó, đa phần các cụ còn khỏe mạnh, có thể tự đi lại được. Việc chính của chị là hỗ trợ xúc cơm, tắm rửa, xoa bóp cho các cụ.
Sau khi vệ sinh cá nhân và kiểm tra sức khỏe, chị Vóc mời các cụ ra ăn sáng. Mỗi suất ăn đều được tính toán thành phần dinh dưỡng cẩn thận, cụ nào không tự ăn được chị sẽ xúc hộ.
Nhìn cách người phụ nữ nói cười, cần mẫn chăm sóc các cụ, ít ai biết được ngày mới vào viện, chị chỉ muốn bỏ việc. Chị vốn là điều dưỡng cho một bệnh viện ở Hà Nội. Bốn năm trước, chị sinh con, khi trở lại công việc, chỗ làm xa, con nhỏ hay ốm, chị tìm một công việc gần nhà cho tiện đi lại.
Được bạn bè giới thiệu, chị xin vào viện dưỡng lão. Mới đầu, chị tự tin với kỹ năng chăm sóc bệnh nhân của mình, nhưng khi bắt tay vào làm, mọi việc khác xa những gì chị nghĩ. Các cụ ở đây đều cao tuổi, đãng trí, nhiều bệnh nền, có người không đi đứng, vệ sinh được. Nhiều lúc các cụ không chịu ăn, tắm rửa, khuyên thế nào cũng không được khiến chị bất lực.
"Có lần bế cụ bà đi tắm nhưng cụ không thích, dùng hai tay cào cấu mình, thậm chí nhổ nước bọt. Hay có cụ ngồi gần một tiếng không ăn xong bát cơm, cứ đút vào lại nhổ ra. Vừa tủi thân, vừa nản nhưng lại không thể to tiếng vì họ đều là người già, sức yếu, không tự chủ được hành vi của mình. Tối về chỉ biết khóc với chồng, muốn nghỉ việc. Sau đó, dần dà tôi quan sát, để ý thói quen, tính cách mỗi người rồi thân thiết lúc nào không hay", chị Vóc nói.
Chị Vóc tâm sự, công việc này đòi hỏi kiên trì, nhẫn nại bởi các cụ tuy lớn tuổi nhưng tâm hồn chẳng k hác gì đứa trẻ, luôn muốn được chiều chuộng. Để làm thân với một cụ có khi mất mấy tháng. Kể về câu chuyện đáng nhớ nhất, chị bùi ngùi: "Lần đó tôi vừa xúc cơm cho một cụ ông xong, rồi đi xúc cho cụ khác, khi về kiểm tra thì cụ ông đã mất. Lúc đó chỉ biết khóc vì thương cụ".
Khi hỏi về thu nhập, chị Vóc từ chối tiết lộ cụ thể, chỉ cho biết "tốt hơn công việc cũ một chút nhưng vất vả hơn nhiều".
Thương các cụ như bố mẹ mình
Trong khi đó, anh Nguyễn Đình Như (28 tuổi, ở Phú Thọ) đã có gần 5 năm chăm sóc các cụ tại đây. Anh được phân công phụ trách các cụ bệnh nặng, sức khỏe yếu, tai biến.
Hằng ngày, anh phụ giúp các cụ tắm rửa, ăn uống, thăm khám sức khỏe, tập vật lý trị liệu và xoa bóp.
Anh kể, những ngày đầu anh có chút bỡ ngỡ, thậm chí ngại ngùng vì được phân công chăm sóc cả các cụ bà. Tuy nhiên, nhìn thấy các cụ tuổi ông bà mình, sức khỏe yếu, đi đứng không vững, không thể tự phục vụ, anh lại lao vào làm mà không nghĩ ngợi gì.
"Trong viện dưỡng lão mỗi cụ mỗi tính, có người vui vẻ nhưng có người khó tính, khó chiều. Việc bị các cụ đánh, mắng là thường xuyên, nhưng mình cũng có bố mẹ già, mình hiểu, chỉ thấy thương chứ không trách", nam điều dưỡng chia sẻ, với anh cũng như các điều dưỡng khác, sức khỏe, tinh thần của các cụ chính là những niềm vui lớn nhất.
Ông Đào Quang Đức, Giám đốc Viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 cho biết, hiện viện có 54 nhân viên, chia làm nhiều bộ phận, chăm sóc cho 120 cụ. Tất cả nhân viên đều tốt nghiệp điều dưỡng, có khả năng cơ bản về ngành y, chăm sóc sức khỏe, nhận biết được dấu hiệu sinh tồn, đo mạch, huyết áp.
"Hằng ngày sẽ có điều dưỡng trực chăm sóc 24/24h về các hoạt động ăn uống, ngủ nghỉ. Mỗi cụ có một đặc thù về sức khỏe, tính cách và nhu cầu khác nhau. Tuy nhiên, bằng sự gần gũi, thấu hiểu, cán bộ, nhân viên thường xuyên trò chuyện, động viên để tìm ra những giải pháp chăm sóc phù hợp khiến các cụ cảm thấy thoải mái, lạc quan, quên hết ốm đau, muộn phiền", ông Đức chia sẻ.
Được biết, chi phí tại cơ sở đối với các cụ không cần hỗ trợ là 8 triệu đồng/tháng, các cụ cần phục hồi chức năng là 11 triệu đồng/tháng và với những cụ có nhu cầu ở phòng riêng là 14 triệu đồng/tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận