Đang nắng gắt, trời bỗng tối sầm, cơn mưa đùng đùng ập tới, cả đội vội gom giấy tờ, máy móc và nhanh tay bấu víu lấy khung chòi sắt để khỏi bị gió cuốn bay.Đó là cảnh tượng thường thấy ở các chốt kiểm dịch trong mấy ngày miền Tây mưa nắng thất thường…
Tại “vùng đỏ” xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, đội ngũ nhà giáo cũng không thể ngồi yên, họ cùng kêu gọi nhau xung trận ra tuyến đầu chống dịch. Cô Phan Hoàng Tú Nga, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phú Quới cho biết, trường có hàng chục giáo viên đăng ký tuyến đầu phòng chống dịch ở “vùng đỏ” của xã.
Đội ngũ nhà giáo, sinh viên tình nguyện ra tuyến đầu phòng chống dịch. Ảnh: Thiện Kim
“Người vào tổ trực chốt, người phục vụ khu cách ly, người tham gia tổ đi chợ. Mấy ngày nay, chẳng may chúng tôi tiếp xúc trường hợp F0, giờ ai cũng đang bị cách ly”, cô Nga nói và cho biết, khi bị cách ly, các thầy trò nhà trường bèn chuyển “chiến thuật”, kêu gọi góp tiền, hiện vật để giúp cho tuyến đầu chống dịch.
Mấy ngày đi chốt hay phục vụ bà con ở khu cách ly, nhiều thầy cô chẳng dám về nhà, nếu ai có về thì cũng chỉ lẳng lặng nép ngoài sân, ngoài hiên nhà không dám gần con cái.
“Mấy ngày tham gia chống dịch, tôi về nhưng phải đứng ngoài sân, tắm, rửa vật dụng, xe cho sạch rồi cả tiếng sau mới dám vào nhà. Nhưng tâm lý vẫn lo cho gia đình.
Như 1 Hiệu phó của trường đang phục vụ trong khu cách ly, hết ca trực, thầy ấy về nhà nhưng chỉ ngủ ngoài hiên để hạn chế tiếp xúc với gia đình. Nhìn các học sinh cũ đang là cán bộ xã căng mình suốt 12 tiếng chống dịch mình cũng động lòng”, cô Nga tâm sự.
Còn ở “lá chắn” cửa ngõ vào tỉnh Vĩnh Long, chốt kiểm soát dịch số 1 dưới chân cầu Mỹ Thuận, Nguyễn Hoài Nam, sinh viên năm 3 ngành Xã hội học, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cũng bần thần vì thấm mệt do tham gia chống dịch gần 1 tháng nay.
Nam kể: “Lúc trường phát động tham gia phòng chống dịch, bạn bè ai cũng liếc nhìn nhau với vẻ sợ. Nhưng em nghĩ mình không làm thì ai sẽ giúp, mình phải vì sự an lành của mọi người, trong đó cũng có gia đình mình nên xin gia đình đi chống dịch…”.
Thầy cô, sinh viên tham gia trực chốt. Ảnh: Thiện Kim
Nam phụ trách việc lấy thông tin từ tài xế. Theo em, nhiệm vụ tưởng như dễ dàng nhưng cũng rất dễ mang áp lực tâm lý, hay bị stress. “Có nhiều chốt chặn, các bác tài xe đường dài rất hay khó chịu và buông lời thô lỗ. Nhiều khi mình cũng mệt, mà còn nghe chửi cũng ứa nước mắt. Nhưng đó cũng là cơ hội để mình tôi rèn sự nhường nhịn, kiềm chế cảm xúc”, Nam tự an ủi.
Theo thống kê của ngành Giáo dục Vĩnh Long, hiện có hơn 600 nhà giáo, cán bộ, nhân viên ngành xung phong ra tuyến đầu chống dịch. Trong đó, nhiều nhất là sự tham gia của các thầy cô giáo ở Trường THPT Bình Minh.
Đội ngũ giáo viên ở thị xã Bình Minh, Vĩnh Long hỗ trợ test sàng lọc, truy tìm Covid-19 trong cộng đồng. Ảnh: Thiện Kim
Ngoài việc tham gia chốt, khu cách ly, bệnh viện dã chiến thì các nhà giáo còn tham gia test sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng. Gần nửa tháng nay, thầy Sơn Ngọc Thái, giáo viên trường THPT Bình Minh tham gia chốt kiểm soát dịch dưới chân cầu Cần Thơ.
“Chốt này là chốt hoang vu nhất, nằm ven quốc lộ và hầu như chẳng có ai sinh sống ở đây. Mình nhường việc nhẹ cho các đồng nghiệp nữ, mình chọn ra đây trực đêm để góp chút sức phòng chống dịch. Ai cũng có gia đình, nhưng 1 gia đình vì rất nhiều gia đình khác thì đó là việc cũng nên làm lúc này”, thầy Thái chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận