Ghi dấu những chiến tích oai hùng khi xưa, giờ đây trạm cũng là điểm tựa vững chắc để ngư dân bám biển.
Sự tích hầm Nghiêng
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thạch, Chính trị viên Trạm Radar 535 giới thiệu về “hầm Nghiêng”
Để đến được với Trạm Radar 535, thuộc Trung đoàn 351 (Vùng 3 Hải quân), nằm trên đỉnh đèo Ngang, có độ cao cách mực nước biển khoảng 234m, chúng tôi phải đi men theo tuyến Quốc lộ 1A cũ vượt lên đỉnh đèo Ngang ngoằn nghèo heo hút gió.
Từ di tích cổng trời Hoành Sơn Quan di chuyển theo tuyến đường bê tông thẳng tắp chạy thẳng ra doi đất nhô ra Biển Đông - đấy là nơi đặt “đại bản doanh” của Trạm Rada 535.
Với những chiến tích oai hùng và sự hi sinh của cán bộ, chiến sỹ Trạm Radar 535, năm 1970, trạm đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là trạm radar duy nhất của Quân chủng Hải quân được phong tặng danh hiệu cao quý này.
Từ di tích cổng trời Hoành Sơn Quan di chuyển theo tuyến đường bê tông thẳng tắp chạy thẳng ra doi đất nhô ra Biển Đông - đấy là nơi đặt “đại bản doanh” của Trạm Rada 535.
Tiếp PV là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thạch, Chính trị viên Trạm Radar 535, với làn da đen sạm đặc trưng của người lính radar dạn dày sương gió.
Thiếu tá Thạch cho biết, Trạm Radar 535 được thành lập năm 1960, có vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng, với nhiệm vụ quan sát, nắm bắt, theo dõi các phương tiện trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng trong khu vực được phân công phụ trách.
Dẫn PV đến vị trí hầm R1 hay còn gọi là “hầm Nghiêng”, nằm trong khuôn viên Trạm Radar 535, Thiếu tá Thạch cho biết, do nguyên tắc của đơn vị, nên ngoài “hầm Nghiêng”, PV không được chụp ảnh, tiếp xúc với những thứ khác.
Kể về hầm R1, Thiếu tá Thạch cho hay, hầm được xây dựng từ năm 1960 với kết cấu bê tông, sắt thép chắc chắn, có chức năng là hầm chứa máy, phát sóng radar phục vụ chiến đấu cho lực lượng quân đội ta.
Vì trạm được xây dựng với nhiệm vụ quan sát, nắm bắt, theo dõi các phương tiện trên biển, theo dõi diễn biến tình hình các tàu chiến, máy bay địch nên từ những năm 60 của thế kỷ trước, nơi đây đã trở thành điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, nhằm phá hoại hệ thống radar của quân ta.
Một vỏ quả bom còn sót lại
Một trong những trận đánh điển hình là vào hồi 14h30 ngày 22/3/1965, lần đầu tiên đế quốc Mỹ sử dụng không quân để đánh phá trận địa Trạm Radar 535 do trước đó trạm đã phát hiện và cảnh báo cho quân ta về việc các tàu chiến, máy bay Mỹ đánh phá nhiều mục tiêu ở miền Bắc.
Hay đêm 31/7/1964, tàu Ma-đốc xâm phạm vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía Bắc điều tra các mạng lưới bố phòng của ta tại khu vực đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê...
Tiếp đón những kẻ “không mời mà tới”, cán bộ, chiến sỹ của Trạm Radar 535 đã phối hợp với Đại đội 24 Hải quân và lực lượng phòng không nhân dân kiên cường đánh trả, bảo vệ an toàn trận địa, duy trì đài radar để tiếp tục phát sóng phục vụ chiến đấu.
Với dã tâm quyết san phẳng trạm radar, 12h trưa ngày 26/3/1965, đế quốc Mỹ tiếp tục sử dụng 6 máy bay điên cuồng đánh phá trận địa của trạm.
Sau 5 giờ chiến đấu mưu trí và dũng cảm, cán bộ, chiến sỹ của trạm và Đại đội 24 Hải quân đã bắn rơi 3 chiếc máy bay của địch...
Do hứng chịu những màn mưa bom, bão đạn từ máy may địch bắn phá, hầm máy R1 trúng bom, bị phá hủy một phần kết cấu và nghiêng, từ đó, địa điểm này được gọi là chiến tích “hầm Nghiêng”.
Trong trận chiến này, bom đạn Mỹ đã đánh sập nhà chỉ huy, nhà ở của bộ đội. 3 chiến sỹ của trạm đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu và bám trụ tại căn hầm R1.
Đó là các liệt sỹ Đỗ Văn Hoạt (SN 1932, quê Ý Yên, Nam Định), Lê Văn Khâm (SN 1942, quê Quảng Trạch, Quảng Bình), Dương Văn Tường (SN 1944, quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển
Trạm Radar 535 cách mực nước biển 234m
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, để xây dựng được các công sự trên đỉnh đèo Ngang là cả một sự nỗ lực lớn của cán bộ nhân viên trạm và đông đảo lực lượng dân quân địa phương ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Thời điểm đó, do đường sá chưa được đầu tư nâng cấp như bây giờ, muốn vận chuyển sắt thép, xi măng lên đây để xây những căn hầm, công sự thì cán bộ trạm, lực lượng dân quân địa phương phải men theo từng lối mòn giữa rừng rậm để có thể leo lên tới đỉnh đèo.
“Thật khó có thể tưởng tượng, cái thời khó khăn thiếu thốn như thế nhưng bộ đội, dân quân, người dân có thể vận chuyển rồi khối lượng lớn vật liệu xây dựng để xây dựng nên Trạm Radar 535”, Thiếu tá Thạch nói.
Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, ngoài nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng trong khu vực được phân công phụ trách, Trạm Rada 535 còn được ví như “mắt thần” trên Biển Đông, trạm thường xuyên hỗ trợ các lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển mỗi khi có sóng dữ. Đây cũng là chỗ dựa bình yên cho tàu thuyền ngư dân yên tâm bám biển.
Nhớ lại lần phối hợp tìm kiếm tàu cá ngư dân mất tích do bão, Thiếu tá Thạch kể lại: Vào khoảng tháng 7/2018, nhận được tin báo từ lực lượng Bộ đội Biên phòng có thuyền của ngư dân địa phương bị mất tích do bão, đơn vị đã ngay lập tức triển khai các phương án tìm kiếm.
Chỉ sau vài giờ, đơn vị đã phát hiện chiếc thuyền gặp nạn trên vùng biển Quảng Bình, nhờ đó lực lượng chức năng đã kịp thời tiếp cận hiện trường, cứu sống được 2 thuyền viên trên tàu.
Ngoài ra, tại Trạm Radar 535 còn có trang thiết bị tân tiến, có thể bắt tín hiệu từ hơn 100 hải lý (gần 200km). Chính vì vậy, các lực lượng chức năng, đặc biệt ở khu vực Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), Khu kinh Hòn La (Quảng Bình) luôn được đơn vị phối hợp trong việc kiểm soát các tàu nước ngoài hoạt động trên vùng biển và phối hợp tìm kiếm các tàu cá gặp nạn.
“Quanh năm sống, làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên cán bộ, chiến sỹ ở đây ai cũng chịu khổ, chịu khó thích nghi sống chung với gió, nắng, mây mù và ẩm ướt. Cán bộ ở trạm luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn... để hàng giờ, hàng ngày canh giữ biển trời Tổ quốc”, Thiếu tá Thạch chia sẻ.
Trong lần dự Lễ khánh thành bia tưởng niệm các liệt sĩ Trạm Radar 535, Trung đoàn 351, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Diện, nay đã ngoài 80 tuổi, người có nhiều kỷ niệm gắn bó với “hầm Nghiêng” kể, ông sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Năm 1960, ông tình nguyện nhập ngũ sau đó được đi đào tạo lớp radar đối hải. Ra trường với quân hàm trung sĩ, ông được biên chế về trạm.
Ông Diện chia sẻ: Cao điểm 234 - Đèo Ngang thời kỳ đó cực kỳ ác liệt, bom đạn Mỹ dội xuống suốt ngày đêm. Chiều 22/3/1965, ông đang làm nhiệm vụ trực ban thì phát hiện tiếng động cơ máy bay từ xa. Ngay lập tức ông chạy về phía chiến hào, sau tiếng kẻng báo động, toàn đơn vị vào vị trí chiến đấu. Mấy phút sau có 5 - 6 chiếc AD-6, F-4 bổ nhào đánh phá trận địa của trạm.
“Tôi cùng đồng đội sử dụng súng máy 14,5mm và tiểu liên AK đánh trả quyết liệt. Đại đội Phòng không 24 Hải quân đóng ở chân đèo Ngang cùng lực lượng dân quân địa phương kiên cường chiến đấu, bảo vệ an toàn trận địa, bảo đảm đài radar phát sóng liên tục”, ông Diện kể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận