Trong nước

Chuyện chưa kể về người hùng Paralympic Lê Văn Công

17/09/2016, 07:30

Đằng sau tấm HCV của đô cử quê Hà Tĩnh vẫn còn những chuyện chưa bao giờ được hé lộ.

Lê Văn Công ăn mừng chiến thắng tại Paralympic Rio
Lê Văn Công ăn mừng chiến thắng tại Paralympic Rio 2016. Ảnh: Reuter

Đã một tuần trôi qua nhưng câu chuyện đô cử Lê Văn Công giành HCV lịch sử cho Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Rio 2016 vẫn chưa hết nóng. Đằng sau tấm HCV của đô cử quê Hà Tĩnh vẫn còn những chuyện chưa bao giờ được hé lộ.

Đổi đời nhờ bạn… tạ

Năm 2005, chàng trai với đôi chân tật nguyền Lê Văn Công rời quê nhà Hà Tĩnh vào TP HCM lập nghiệp. Ban đầu, anh xin vào làm ở xưởng mộc nhưng công việc quá vất vả khiến Công không thể kham nổi. Rồi sau đó, Công chuyển sang học nghề sửa chữa điện tử. Cũng trong khoảng thời gian này, anh bén duyên với cử tạ qua một người bạn. Các thầy ở Trung tâm TDTT quận Thủ Đức nhanh chóng nhận ra năng khiếu của Công và động viên chàng trai Hà Tĩnh theo nghiệp VĐV.

Bằng cố gắng của bản thân, sự tận tình của các thầy cộng thêm năng khiếu vốn có, Công chỉ mất có ba năm để ghi dấu ấn trong làng Thể thao người khuyết tật Việt Nam bằng tấm HCV giải cử tạ người khuyết tật châu Á. Thành công sau đó liên tiếp đến với Lê Văn Công mà đỉnh cao là tấm HCV tại Paralympic Rio 2016 cùng hai kỷ lục. Ngay sau khi biết mình giành HCV, Lê Văn Công đã bật dậy hôn lên quả tạ. Người hâm mộ thích thú với khoảnh khắc này và hỏi anh mới biết anh coi tạ như bạn. “Cử tạ giúp tôi có được cuộc sống đầy đủ hơn. Mỗi ngày, tôi đều tập luyện với tạ nên tôi yêu những trái tạ và coi tạ như bạn”.

“Khi mới tập cử tạ, tôi lo lắng nhiều thứ nhưng lo nhất là chế độ để có thể tập luyện lâu dài. Rất may các thầy đã giúp đỡ tôi rất nhiều nên tôi mới theo cử tạ được tới tận ngày hôm nay. Ngoài ra, tôi biết có nhiều người dè bỉu mình rằng đã khiếm khuyết lại còn học đòi. Những lúc như vậy tôi buồn lắm nhưng rồi sau đó lại gạt đi và nghĩ mình phải nỗ lực khẳng định bản thân, vì gia đình”, anh chia sẻ.

Ước nguyện của nhà vô địch

Trong câu chuyện của tôi với Lê Văn Công, không dưới ba lần anh nhắc tới vợ mình là chị Lê Thị Tám (quê Nghệ An). Cùng cảnh tha hương kiếm sống, anh Công và chị Tám từ chỗ hiểu rồi yêu nhau và quyết tâm đến với nhau dù gia đình chị cấm cản đủ đường. Đến nay, sau nhiều năm dành dụm, vợ chồng anh Công đã có một căn nhà khang trang ở Long An cùng hai đứa con một trai, một gái. “Vợ tôi là một người phụ nữ quá tuyệt vời, là tất cả những gì tôi có.

Giành HCV nhờnhẹ cânAnh Công cho hay, kỷ niệm đáng nhớ nhất khi thi đấu là lần tham dự ParaGames 2007 tại Thái Lan. Khi đó, ba VĐV dẫn đầu, gồm cả anh đều đạt thành tích 152,5kg. Sau đó, BTC quyết định trao HCV cho Lê Văn Công bởi anh nhẹ cân nhất.

Về với tôi cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng cô ấy chưa bao giờ than vãn, lúc nào cũng động viên, chăm sóc tôi. Chân tôi thế này, mọi công việc trong nhà gần như mình vợ tôi gánh vác. Nhà ở Long An nhưng tôi phải tập luyện ở TP HCM nên vợ tôi phải đảm đương cả vai trò của người cha chăm sóc hai con”.

Khi tôi hỏi về kỷ niệm nào anh nhớ nhất giữa hai vợ chồng, anh Công trầm xuống một lát rồi chia sẻ tiếp: “Năm 2009, khi tập luyện tôi dính chấn thương phải nghỉ thi đấu 3 năm. Đó thực sự là quãng thời gian khó khăn nhất với vợ chồng tôi. Cô ấy phải chạy vạy để lấy tiền giúp tôi chữa trị rồi tập vật lý trị liệu. Đó cũng là thời gian vợ tôi mang bầu đứa con đầu lòng. Vậy mà tôi chẳng thể chăm sóc cô ấy. Ngay cả khi vợ gần sinh, tôi cũng không thể ở cạnh buộc cô ấy phải về quê Nghệ An sinh nở”. Chính bởi hiểu rõ những vất vả của vợ nên anh Công luôn tự hứa với lòng mình rằng phải tập luyện và thi đấu thật tốt để không phụ niềm tin và sự kỳ vọng của người bạn đời.

Dù đã đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp nhưng Lê Văn Công vẫn còn những ước mơ chưa thực hiện được. Anh nói, hai vợ chồng đang cố gắng tiết kiệm để mua một căn hộ nhỏ tại TP HCM để những lúc tập luyện vẫn được gần vợ con. Bên cạnh đó, anh rất muốn mở một phòng tập gym để cuộc sống thêm ổn định và để vợ đỡ vất vả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.