Xã hội

Chuyện đời nữ giao liên bị bom napan lấy chồng kém 18 tuổi

Giữa nỗi đau thể xác và tinh thần, cô giao liên trẻ tiếp tục cống hiến cho cách mạng. Để rồi sau này, cô tìm được một nửa đích thực...

Nỗi đau cô giao liên trẻ

Đã 58 năm trôi qua, nhưng bà Phan Thị Hườn (79 tuổi, quê gốc ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) vẫn chưa nguôi nỗi đau của một thời quá vãng.

img

Vợ chồng bà Hườn trong ngày cưới con gái

Khuôn mặt bà, với làn da bị hủy hoại hoàn toàn bởi sức nóng của bom lửa napan, như những ký ức hằn sâu về sự tàn khốc của chiến tranh.

Tai họa ập đến vào đúng ngày đưa ông Táo về trời năm 1964, khi đó và Hườn là một nữ giao liên trẻ tham gia hoạt động cách mạng: “Tôi đi chợ để mua đồ đạc về cúng thì một vụ đánh bom xảy ra. Khi đi qua những ngôi nhà lá trong xóm, trực thăng của Mỹ từ đâu sà xuống rồi lửa bắt đầu lan nhanh nuốt trọn những ngôi nhà”.

Bà hốt hoảng vứt bỏ đồ đạc nhảy xuống con mương gần đó, nhưng không kịp. Ngọn lửa đã lan đến, như nuốt trọn khuôn mặt cô gái trẻ.

“Trận đó, chết cả trăm người. Mặt nóng ran, tôi cố nhảy lên bờ mương, chui vào lu nước gần đó. Chờ lửa tan, tôi quờ quạng về nhà cách đó chừng vài trăm thước. Mọi người trong nhà thấy tôi đều bật khóc”, bà Hườn kể.

Không thuốc thang, không bệnh viện, không băng bó, bà Hườn cứ nằm vậy trên giường chịu đựng những cơn bỏng rát hành hạ.

Ngay trong ngày, lính trực thăng của giặc tìm đến những gia đình có người bị thương trong vụ truy quét. Họ đến nhà của bà Hườn đề nghị được đưa bà đi bệnh viện.

Bà kể: “Tôi đâu thể lên máy bay của giặc được. Mình làm cách mạng, lỡ trong cơn mê man, đau đớn mình khai ra gì đó thì sao. Vậy là tôi từ chối được cứu chữa. Tôi nằm ở nhà ba ngày, khuôn mặt đen sạm, không băng bó gì cả. Sau đó, tôi được người quen đưa đến bệnh viện của quân khu ở trong rừng U Minh”.

Đường vào bệnh viện của quân khu chỉ mình bà Hườn biết. Bà ở đây điều trị đúng một năm với bao nỗi đau thể xác lẫn tinh thần.

“Chiến tranh khiến đồng đội tôi hy sinh, có người mất đi một phần thân thể, vết thương của tôi cũng vậy thôi. Nếu bi quan, tôi không thể sống, không thể đứng vững trong hàng ngũ cùng đồng đội. Nghĩ vậy, tôi cố gắng sống để tiếp tục cống hiến cho cách mạng”, bà Hườn nói.

Ngày 30/4/1975, đất nước được hoàn toàn giải phóng, đơn vị của bà tiếp quản một kho dược của địch ở Hội Lực, Cần Thơ (nay thuộc phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ).

Bà được đưa về đây làm việc, được Nhà nước cấp cho gần 3.000m2 đất cất nhà, làm vườn.

Cũng tại đây, sau nhiều năm công tác, bà gặp người chồng đầu tiên của mình. “Ông ấy cùng đơn vị với tôi. Lúc gặp nhau tôi đã ngoài 40 tuổi, dung nhan lại xấu xí nhưng ông ấy đã chấp nhận”, bà Hườn nhớ lại.

Tuy nhiên, vì một số lý do, lúc bà mang thai cậu con trai đầu lòng, người chồng đã bỏ đi. Bà cắn răng vượt cạn sinh con một mình, đứa bé ra đời khỏe mạnh.

Từ đó, bà Hườn sống âm thầm, làm lụng vất vả nuôi con. Ngoài công việc ở kho dược, bà tranh thủ cải tạo khu vườn sau nhà mình để tăng gia sản xuất.

Cũng từ đây bà tình cờ tìm được mối lương duyên thứ hai của đời mình. Đó là một người đàn ông trẻ hơn bà 18 tuổi.

Buổi “hỏi vợ” nhớ đời tại UBND phường

img

Hạnh phúc bình dị của vợ chồng bà Hườn

Trong ngôi nhà nhỏ ở hẻm 12, đường Nguyễn Truyền Thanh, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, gia đình 7 người của bà Hườn sống hạnh phúc bên nhau.

Người đàn ông bà Hườn bén duyên sau này tên Vui, đã có vợ và 3 đứa con gái. Hồi đó, khi bà Hườn cải tạo đất trồng trọt canh tác đã thuê ông Vui đào mương, đắp đất be bờ.

Là người có sức khỏe, quen với ruộng đồng, ông Vui thường làm hết mọi việc bà Hườn giao.

Thấy gia đình ông Vui gia cảnh khó khăn, bà Hườn đồng ý cho 2 vợ chồng ông vào ở nhờ trên đất nhà mình để tiện cho công việc.

Được một thời gian, vợ chồng ông Vui xảy ra mâu thuẫn, người vợ nhân lúc ông Vui không ở nhà đã lẻn đưa 2 con gái lớn bỏ xứ mà đi, để lại đứa con gái nhỏ. Trở về nhà không thấy vợ con, ông Vui đau buồn tột độ.

Sau đó, bà Hườn vẫn thuê ông Vui làm nhưng không cho ở nhờ nhà nữa. Hàng ngày ông Vui làm thuê, tối về thường tìm tới rượu để giải sầu.

Cuộc sống thầm lặng của cả hai người cứ thế trôi đi. Bà Hườn làm lụng lo cho con trai mình, ông Vui cũng bán sức lao động nuôi đứa con gái.

Nhiều lúc thấy ông Vui tính tình hiền lành, bà Hườn gợi ý làm mai mối, nhưng ông Vui chỉ cười, không nói năng gì.

Cho đến một lần, bà Hườn lại đem vấn đề làm mai cô cháu gái nói với ông Vui. Bất ngờ, ông Vui nói: “Tôi không chịu ai hết, chỉ muốn cưới bà làm vợ thôi”.

Lời nói của ông Vui khiến bà Hườn chững lại. Bà tự ái, nghĩ ông chỉ bông đùa vì làm gì có chuyện một người đàn ông trẻ khỏe, bảnh bao lại đi thương một người phụ nữ có khuôn mặt khủng khiếp như bà?

“Tôi không tin anh nói thật nhưng vẫn bình tĩnh đáp trả: “Tôi là người sống, làm việc có tổ chức, anh muốn cưới thì lên phường mà xin lãnh đạo”, bà Hườn thuật lại.

Ngay hôm sau, ông Vui chở bà Hườn lên gặp chủ tịch phường để hỏi cưới!

“Khi tôi nói cho tôi cưới người đàn bà này làm vợ, bà chủ tịch phường nhìn chúng tôi chằm chằm, đầy vẻ hoài nghi. Thấy vậy, tôi liên bồi thêm, tôi nói thật, không đùa giỡn”, ông Vui nhớ lại.

Sau lần lên phường, bà Hườn tin tưởng vào tình cảm của người đàn ông trẻ tuổi. Cả hai quyết định về sống chung với nhau mà không tổ chức đám cưới. Khi biết tin này, nhiều người đã mỉa mai, dè bỉu nhưng ông Vui đều bỏ ngoài tai.

Hạnh phúc từ sự sẻ chia

Thời gian trôi đi, câu chuyện cảm động của vợ chồng bà Hườn đã khiến cho bà con hàng xóm nể trọng. Nó cho thấy hạnh phúc không nằm ở những điều cao sang, xa vời mà là những sự giản đơn và bình dị như thế.

Cuộc sống của gia đình bà Hườn hiện còn khó khăn. 30 năm qua, họ vẫn chưa thoát ra khỏi vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Hàng ngày, ông Vui đi làm thợ hồ, lúc rảnh việc, ai thuê gì làm thêm nấy.

Tuy còn nghèo khó, nhưng cuộc sống của ông bà và vợ chồng cậu con trai cùng 3 đứa cháu nội, ngoại luôn vui vẻ. Mỗi ngày, bà Hườn lo cơm nước cho gia đình rồi ngồi chờ chồng về. Với bà, ông Vui là chỗ dựa vững chắc, là niềm hạnh phúc của bà và các con.

“Có bận tôi bệnh phải nằm viện mấy ngày, ban ngày ông ấy đi làm thuê, tối lại vô chăm sóc tôi. Dù vất vả nhưng ông ấy không một lời than vãn, chỉ động viên tôi yên tâm tĩnh dưỡng”, bà Hườn nói với niềm vui nơi khóe mắt.

Ông Dương Hiếu Trung, công chức phụ trách LĐ, TB&XH phường Bình Thủy cho biết, gia đình ông Vui, bà Hườn thuộc diện khó khăn. Những năm qua, địa phương đã vận động các nhà hảo tâm xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Hườn. Mỗi khi có các khoản hỗ trợ theo quy định, chính quyền đều đưa gia đình bà Hườn vào danh sách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.