Các quốc gia cân nhắc lại lệnh cấm
Mới đây, Hiệp hội Thương mại Thuốc lá Thái Lan (TTTA) báo cáo thuốc lá điện tử (TLĐT) lậu ở Thái Lan được kinh doanh khắp mạng xã hội. Tỷ lệ giới trẻ sử dụng TLĐT không giảm dù có lệnh cấm. Khoảng 30% sinh viên đại học muốn thử dùng TLĐT, theo thống kê từ Trung tâm Quản lý kiến thức và Nghiên cứu kiểm soát thuốc lá.
Cục Hải quan Thái Lan cũng tịch thu 68.706 sản phẩm TLĐT (đa phần từ Trung Quốc), giá trị lên đến 11 tỷ đồng từ tháng 10/2023 đến 1/2024. Đồng thời, Hải quan Trung Quốc cho biết, 45 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng) là tổng giá trị của sản phẩm TLĐT được nước này sản xuất và xuất khẩu sang Thái.
Năm 2018, Singapore đã ban hành lệnh cấm TLĐT, thuốc lá làm nóng (TLLN). Song, số người dùng các sản phẩm này ngày càng tăng dù chế tài nghiêm ngặt. Từ 2018-2022, 860 người bị bắt, 145 người bị truy tố vì buôn lậu TLĐT. Trong 3 năm (2020-2022) số người sử dụng TLĐT tăng 4 lần (từ 1.266 lên 4.961 người/năm).
Thực tế đó cho thấy, dưới góc độ sức khỏe cộng đồng, lệnh cấm ở các quốc gia này cũng chưa chứng minh được tính hiệu quả. Chính phủ vừa phải gồng gánh áp lực buôn lậu TLĐT, TLLN, vừa phải khắc phục hậu quả từ thị trường chợ đen. Do đó, tháng 9/2023, Thái Lan đã thành lập Ủy ban Đặc biệt để đánh giá lại lệnh cấm TLĐT tại nước này.
Mới đây, một quan chức Thái Lan nhìn nhận, chính sách quản lý TLLN, TLĐT sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là việc làm ngơ trước sự hiện diện của các sản phẩm này trên thị trường. Chính phủ có thể sử dụng doanh thu thuế từ TLLN, TLĐT cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, công tác tuyên truyền về tác hại thuốc lá.
Tương tự, tại Panama, gần đây Tòa án Tối cao nước này cũng tuyên bố Luật 315 – về việc cấm sử dụng, nhập khẩu và kinh doanh TLĐT, TLLN – là vi hiến.
Mới nhất, ngày 15/5 vừa qua, Tổng thống nước Cộng hòa Colombia, Gustavo Petro, đã ký ban hành Luật 2354 hợp pháp hóa việc sử dụng và kinh doanh TLLN, TLĐT.
Phương án khả thi nào cho Việt Nam?
TLĐT, TLLN đã có mặt trên thị trường Việt Nam hơn 10 năm qua và được thảo luận trong từng ấy thời gian. Vấn nạn buôn lậu và tỷ lệ sử dụng có xu hướng tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Hiện nay, Bộ Y tế có đề xuất cấm TLĐT, TLLN và các loại thuốc lá mới khác. Còn Bộ Công thương kiến nghị thí điểm lưu thông TLLN như thuốc lá truyền thống trong 2 năm theo quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) và chưa cho phép lưu hành TLĐT tại Việt Nam trong khi chưa ban hành chính sách quản lý.
Theo Luật Đầu tư, thuốc lá là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, "nguyên liệu thuốc lá" được lấy làm cơ sở để phân loại và quản lý theo Luật PCTHTL. Các bộ ngành liên quan đồng ý rằng, TLLN được sản xuất từ nguyên liệu là thuốc lá và đây là sản phẩm thuốc lá.
Ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chia sẻ, các nhà làm luật luôn cần xem xét tương lai khi đưa ra các quy định. Ông Hải khẳng định, định nghĩa về sản phẩm thuốc lá trong Khoản 1, Điều 2 của Luật PCTHTL đã bao gồm TLLN - đã được chứng minh là có ít tác hại hơn so với thuốc lá điếu.
Theo ý kiến của nhiều bộ ngành, hiện đã đủ điều kiện pháp lý (Luật PCTHTL) để quản lý các sản phẩm phù hợp với quy định của Luật, như TLLN. Điều này tạo thành khung pháp lý vững chắc để kiềm chế sự phát triển của thị trường chợ đen, giúp ngăn chặn việc lợi dụng để nhập khẩu các chất cấm và việc tiếp cận, lôi kéo giới trẻ.
Viện trưởng Viện Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh Võ Trí Thành, cho rằng, sức mạnh của thị trường được thể hiện rõ khi các loại thuốc lá mới (TLĐT, TLLN) dù "cấm hay không cấm thì vẫn bán". Ông Thành cũng chia sẻ "thay vì lập nên cái đê ngăn cấm ấy, tốt hơn chúng ta nên xẻ dòng mương" bằng cách áp dụng pháp luật để quản lý hiệu quả các sản phẩm TLLN, TLĐT.
Kể từ Hội nghị COP8 về Công ước Khung kiểm soát thuốc lá (FCTC) vào năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không ngừng đề xuất các quốc gia nên áp dụng biện pháp quản lý TLLN theo luật quốc gia. Đến tháng 7/2021, đã có 184 /195 quốc gia thành viên WHO kiểm soát TLLN theo luật pháp sở tại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra yêu cầu cụ thể đối với từng đơn vị. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế: Thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý;
Nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đối với Bộ Công Thương: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận