Quân sự

Chuyên gia Đan Mạch: Nga có thể "thoát Trung" nếu Châu Âu hợp tác về Su-57

20/05/2021, 08:11

Châu Âu đang bị tụt hậu trong cuộc đua sản xuất máy bay chiến đấu và hợp tác với Nga đang được xem là ý tưởng táo bạo.

img

Chiến đấu cơ Su-57 của Nga

Cộng đồng các chuyên gia ở phương Tây ngày càng có xu hướng tin rằng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ "sẽ chẳng ích gì" cho các nước châu Âu khi họ mua và trang bị cho quân đội của mình.

Các phiên bản nâng cấp của F-16 và F-18 cũ hoạt động còn tốt hơn nhiều so với F-35. Karsten Riise, một nhà phân tích người Đan Mạch, thạc sĩ Kinh tế từ Copenhagen, đã đưa ra những đánh giá về vấn đề này trên trang web của Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga.

Theo chuyên gia Karsten Riise, chiến đấu cơ F-22 Raptor của Mỹ là một máy bay chiến đấu thực sự rất hiệu quả, nhưng nó không nhằm mục đích xuất khẩu và chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế (hiện có khoảng 195 chiếc) và sẽ không được sản xuất nữa vì tất cả dây chuyền sản xuất và tài liệu đã bị "bảo quản".

Máy bay chiến đấu của châu Âu đang tụt hậu nghiêm trọng trong cuộc đua công nghệ. Người Pháp cũng không có gì để khoe khoang và tất cả điều này chỉ ra rằng phương Tây đang thất thế trong cuộc chiến trên không.

Vào đầu năm 2021, Paris và Berlin đã đồng ý cùng nhau phát triển một loại máy bay chiến đấu mới của châu Âu, chương trình có tên gọi là Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS).

Sáng kiến nhằm tạo ra những chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo của châu Âu là một bước đi đúng hướng, nhưng nói chung EU đang bị tụt lại phía sau một cách vô vọng, vì vậy triển vọng rất mờ mịt.

Để có được một chiếc máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo thực sự đủ sức cạnh tranh, EU cần một chiến đấu cơ có các đặc tính bay và hiệu suất vượt trội trong tương lai.

EU cần một hệ thống tác chiến điện tử giúp phi công có thể tương tác hiệu quả với các phần mềm điện tử, hệ thống điện tử hàng không, cảm biến, hệ thống điều khiển vũ khí và nhiều loại thiết bị và dụng cụ đo đạc.

Ngoài ra, tất cả những công nghệ trên có thể được sử dụng để trang bị cho không chỉ một máy bay, mà là một số nền tảng hàng không, bao gồm cả những máy bay không người lái.

Nhưng hiện tại EU vẫn chưa có gì, vì vậy dự án này khó có thể về đích được như mong muốn đề ra là vào năm 2040. Tuy nhiên, nếu châu Âu không thể tự phát triển một loại máy bay như vậy thì có thể cố gắng hợp tác với Nga.

Moscow đã đưa vào trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 một cách xuất sắc. Chính Nga có thể trở thành chỗ dựa vững chắc cho việc thực hiện ý tưởng của các nước châu Âu trong tương lai.

Không nghi ngờ gì nữa, ngày nay Su-57 là máy bay tiên tiến nhất trong số các máy bay thế hệ thứ 5. Nếu EU và Liên bang Nga đồng ý hợp tác, thì họ có thể nhanh chóng tạo ra một "chủ nhân bầu trời" thực sự, mà không ai có thể theo kịp.

Sự phát triển này thực sự sẽ là một bước đột phá và mang tính cách mạng đối với tác chiến đường không. Một dự án như vậy sẽ đưa châu Âu và Nga đến gần với nhau hơn, họ sẽ phải trao đổi công nghệ và quên đi những mâu thuẫn trong quá khứ.

Châu Âu sẽ thoát khỏi viễn cảnh nhiều năm phụ thuộc vào Mỹ, trong khi Nga sẽ giữ được sự độc lập và thoát khỏi những ảnh hưởng của Trung Quốc - nước có những tham vọng ngày càng được thể hiện rõ ràng hơn. Đây là một phương án hợp tác đôi bên cùng có lợi không nên bỏ qua.

Trong một dự án như vậy, nòng cốt là EU và Liên bang Nga, ngoài ra Pakistan và Ấn Độ cũng có thể tham gia. Có lẽ có thể sẽ đạt được hòa bình và tình cảm láng giềng hữu nghị giữa các quốc gia này.

Pakistan sẽ thoát khỏi sự giám sát của Bắc Kinh và Ấn Độ sẽ kết thúc việc chịu ảnh hưởng từ Washington. Điều này sẽ làm cho các quốc gia có điều kiện kết hợp các nguồn lực khổng lồ về con người, công nghệ và khoa học.

Do đó, để bắt đầu cần đạt được sự hiểu biết, khoan dung và tin cậy lẫn nhau giữa Moscow và EU. Điều tương tự cũng áp dụng cho sự tham gia chung của Pakistan và Ấn Độ. Đây có thể gọi là một khởi đầu nhỏ cho những thành tựu to lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.