Xã hội

Chuyện giữ nghề ở làng có pho tượng 700 tuổi "đứng lên, ngồi xuống"

20/05/2023, 07:51

Pho tượng cổ hơn 700 năm tuổi đặt tại miếu Bảo Hà được xem là độc nhất vô nhị tại Việt Nam khi có thể đứng lên, ngồi xuống.

Ngày nay, con cháu làng Bảo Hà vẫn giữ được nghề truyền thống, làm ra những bức tượng, phù điêu nổi tiếng trong và ngoài nước.

Độc đáo tượng đứng lên, ngồi xuống

img

Pho tượng có thể đứng lên, ngồi xuống

Những ngày giữa tháng 5/2023, rất nhiều đoàn khách lũ lượt đổ về tham quan ngôi miếu ở thôn Bảo Hà, xã Động Minh, huyện Vĩnh Bảo,TP Hải Phòng. Mọi người đến đây đều không khỏi trầm trồ thán phục khi ngắm nhìn bức tượng cổ có thể chuyển động đứng lên, ngồi xuống.

Bước vào khu vực hậu cung ngôi miếu, ông Bùi Trọng Ngoan (66 tuổi), thành viên Ban khánh tiết di tích miếu Bảo Hà nhẹ nhàng đẩy cánh cửa hậu cung.

Khi cánh cửa hé mở, bức tượng thờ Đức Linh Lang Đại vương trong tư thế ngồi trên ngai, tay cầm văn tự từ từ đứng lên. Khi cánh cửa hậu cung khép lại, bức tượng dần ngồi xuống.

Ông Bùi Trọng Ngoan cho biết, cụm di tích miếu - chùa Bảo Hà được Bộ Văn hóa - thông tin xếp hạng cấp Quốc gia năm 1991. Bức tượng có thể đứng lên ngồi xuống là tượng thờ Đức Linh Lang Đại vương, Thành hoàng của làng.

Theo thần phả, Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông. Trong một đợt hành quân, ngài tới trang Linh Động (làng Bảo Hà ngày nay) dựng đồn binh, luyện tập binh sĩ, tuyển mộ quân. Về sau này, để tưởng nhớ công ơn của ngài, dân làng xây miếu thờ trên nền đồn binh xưa.

“Về nguồn gốc bức tượng, đây là sản phẩm của bậc tổ sư của làng nghề tạc tượng Bảo Hà là cụ Nguyễn Công Huệ - người có công sáng lập, truyền dạy nghề tạc tượng cho dân làng Đồng Minh”, ông Ngoan thông tin.

Theo các bậc cao niên trong làng, những năm giặc Minh đô hộ nước ta, cụ Huệ bị bắt đi phục dịch ở Quan Xưởng, Trung Quốc.

Trong thời gian đó, cụ đã chú tâm học nghề chạm khắc, sơn mài và châm cứu. Đến đời Lê Nhân Tông (1443 - 1459), cụ trở về quê, truyền dạy cho dân làng nhiều nghề như châm cứu, dệt vải và đỉnh cao nhất là nghề tạc tượng. Bức tượng nổi tiếng nhất, lưu truyền tới ngày nay là tượng thờ Đức Linh Lang Đại vương.

Khi cụ mất, dân làng suy tôn cụ là Tổ nghề tạc tượng và được phối thờ tại miếu Bảo Hà.

Kết hợp nghệ thuật tạc tượng và múa rối

Theo ông Hoàng Văn Bảo, Trưởng ban khánh tiết di tích miếu Bảo Hà, bí mật của bức tượng Đức Linh Lang Đại vương nằm ở cánh cửa của điện thờ nơi có bức tượng.

Từ đầu năm đến nay, miếu Bảo Hà đón gần 100 đoàn khách trong nước và quốc tế theo tuyến du khảo đồng quê tới thăm. Các đoàn khách tới thăm, chúng tôi đều nhiệt tình đón tiếp, hướng dẫn tham quan, không thu bất cứ loại phí nào. Nhiều đoàn khách nước ngoài tới đây trầm trồ ngạc nhiên trước bức tượng cổ thờ Thành hoàng làng có thể đứng lên, ngồi xuống khiến chúng tôi thêm tự hào.

Anh Đoàn Quốc Việt, Bí thư Đoàn thanh niên xã Đồng Minh


Các nghệ nhân tạc tượng xưa khéo léo kết hợp giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối cạn, làm ra hệ thống truyền lực kéo đẩy nối giữa cánh cửa với các khớp của pho tượng. Vì vậy, khi mở, cánh cửa sẽ truyền lực lên pho tượng. Bức tượng dần đứng lên và ngược lại, khi cửa khép lại, bức tượng lại trở về tư thế ngồi ban đầu.

Pho tượng có thể đứng lên, ngồi xuống là nhờ hoạt động theo nguyên lý “cánh tay đòn” gồm hệ thống ròng rọc, khớp nối hoàn toàn bằng một loại gỗ đặc biệt nằm trong căn hầm phía dưới cung cấm mà đến nay người dân địa phương vẫn chưa thể biết đó là loại gỗ gì.

Sự chuyển động của bức tượng khiến cho những người đến đây trầm trồ về sự tài hoa của người thợ làng Bảo Hà, khiến ngôi miếu này trở nên linh thiêng, kỳ bí.

Theo thần tích của làng, cụ Nguyễn Công Huệ có 3 học trò xuất sắc là các cụ Tô Phú Vượng, Hoàng Đình Ức và Tô Phú Luật.

Cho đến giờ, người dân Đồng Minh vẫn lưu truyền giai thoại “7 hạt gạo nếp tạc thành đàn voi” của người thợ tạc tượng Tô Phú Vượng. Ông là một trong những học trò nổi tiếng tài hoa của cụ Huệ được vua Lê Cảnh Hưng mời vào cung tạc ngai vàng.

Sau khi tạc xong ngai vàng, ông quá sung sướng vì đã tạo ra một kiệt tác nên ngồi thử. Bị thái giám phát hiện và tâu với nhà vua, ông Vượng bị khép tội «khi quân phạm thượng», nhốt vào ngục tối chờ ngày xử trảm. Sống trong ngục mấy hôm, ông Vượng cảm thấy «ngứa nghề». Thấy những cọng rơm nếp còn sót lại một vài hạt thóc, ông liền lấy tay bóc, chuốt 7 hạt gạo nếp thành 7 con voi với các tư thế khác nhau.

Chuyện về đàn voi tí hon truyền đến khắp nơi, nhà vua biết chuyện, cảm phục cái tài của người thợ tạc tượng tài hoa, đã quyết định tha bổng, phong ông Tô Phú Vượng tước “Kỳ tài hầu” và cho về quê mở mang, lưu truyền nghề nghiệp.

Lửa nghề truyền mãi mai sau

img

Ô̂ng Tô Văn Hữu đang chế tác những tác phẩm truyền thần

Người làng Bảo Hà luôn truyền miệng nhau câu nói “muốn biết người Bảo Hà làm tượng thế nào, tới chùa Tây Phương sẽ rõ”, với ý rằng những bức tượng ở chùa Tây Phương (Hà Nội) do những người thợ Bảo Hà làm. Nhiều đoàn nghiên cứu đã tới chùa Tây Phương và làng Bảo Hà tìm hiểu đều khẳng định, những bức tượng ở chùa Tây Phương nổi tiếng do các nhóm thợ của làng Bảo Hà làm ra.

Theo các bậc cao niên làng Bảo Hà, suốt mấy trăm năm qua, người làng vẫn duy trì nghề truyền thống. Những nhóm thợ làng Bảo Hà đã làm ra hàng ngàn bức tượng, phù điêu đặt tại các đền chùa, miếu mạo khắp các vùng miền cả nước.

Một trong những niềm tự hào của người làm nghề tạc tượng Bảo Hà là bức tượng phật nghìn tay, nghìn mắt của nghệ nhân Đào Trọng Đạm được trưng bày tại bảo tàng ở thành phố Leipzig (Đức) từ năm 1970 tới nay.

Ngày nay, đi khắp các ngõ xóm ở làng Bảo Hà đâu đâu cũng vang lên tiếng đục gỗ. Người làng duy trì và sống tốt bằng nghề cổ truyền của cha ông.

Mải miết bên bức tượng truyền thần đang hoàn thiện, ông Tô Văn Hữu, 67 tuổi ở làng Bảo Hà chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã được bố, ông truyền nghề làm tượng. Suốt nhiều năm, tôi cùng anh em trong làng đi khắp mọi miền làm tượng cho các đền chùa. Tới nay, chủ yếu tôi nhận đặt hàng người có nhu cầu, các con tôi cùng đều đang nối nghiệp”.

Theo ông Hữu, mấy năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng có giảm nhưng thu nhập từ nghề làm tượng gỗ vẫn đủ nuôi sống gia đình. Hiện, trung bình, mỗi thợ làm nghề vẫn đảm bảo thu nhập trên dưới chục triệu đồng/tháng.

“Nghề làm tượng gỗ đòi hỏi phải cầu kỳ, tỉ mỉ và cả năng khiếu. Ngày nay, rất nhiều người có nhu cầu làm tượng truyền thần để thờ cúng cha mẹ, tổ tiên. Chỉ từ một tấm ảnh, người thợ phải tạo nên một bức tượng với các chiều, góc cạnh như thật”, ông Hữu kể.

Với hơn 50 hộ gia đình làm nghề tạc tượng cùng hàng chục nhóm thợ vẫn hàng ngày mải miết nhận các hợp đồng làm tượng gỗ ở khắp nơi cho các công trình văn hóa, nghề tạc tượng đã, đang và sẽ đem lại niềm tự hào cho người làng Bảo Hà.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.