Đường sắt

Chuyện ít biết về nghề trưởng tàu hàng

16/02/2024, 06:18

Tàu không có điều hòa như tàu khách, lại lắc lư, càng chạy nhanh càng lắc. Ăn uống dọc đường phải tự túc, không được nấu ăn trên tàu.

Chạy tàu hàng vất vả hơn tàu khách trăm bề, toa trưởng tàu hàng chỉ có khoang giữa hơn 10m2, toàn sắt thép, mùa hè như cái lò 39 - 40 độ, nhưng không có điện, nóng vô cùng...

Lắc lư theo bánh đoàn tàu

4h sáng, mùa đông nên trời vẫn tối sẫm, bãi hàng ga Yên Viên sáng đèn. Kỹ thuật toa xe đảm bảo, việc kiểm tra số toa xe, container hoàn thành, trưởng tàu lại cùng các thành viên hội đồng thử hãm đoàn xe, đảm bảo hệ thống hãm vận hành trơn tru thì mới lăn bánh.

Chuyện ít biết về nghề trưởng tàu hàng- Ảnh 1.

Trưởng tàu Đào Công Trọng kiểm tra đồng hồ áp lực.

5h sáng, đoàn tàu H9 xuất phát đi ga Sóng Thần. Trên toa trưởng tàu phía cuối, một trưởng tàu hàng vào vị trí, chuẩn bị làm tín hiệu an toàn với tuần đường, gác chắn, trực ban chạy tàu ga mỗi khi tàu qua. Hai trưởng tàu khác và một công nhân áp tải kỹ thuật toa xe sắp xếp tại tư trang, giấy tờ, sẵn sàng cho chuyến hành trình dài khoảng 40 giờ.

Tàu lắc lư chạy trong bình minh dần ló rạng. Kê tấm ván gỗ nâng tấm cửa sổ bằng nhôm, trưởng tàu Đào Công Trọng cười: "Sáng kiến này để lấy ánh sáng, không khí và nhất là gió lùa mùa hè cho đỡ nóng. Mùa hè, toa tàu toàn sắt thép, như cái lò 39 - 40 độ, nhưng không có điện".

Rồi chỉ tay vào cái ắc quy 24 vôn, anh bảo chủ yếu dùng để bật đèn, mùa hè chỉ chạy được quạt 12 vôn nên vẫn rất nóng.

Trưởng tàu Ngô Xuân Bắc thì giới thiệu kỹ hơn về "cơ ngơi" của mình. Nói là toa trưởng tàu hàng, nhưng thực ra chỉ có khoang giữa hơn 10m2, hai đầu toa đều dành để xếp hàng hóa. Trong hơn 10m2 ấy, có 2 khoang giường ngủ, một dành cho vị trí trưởng tàu trực, một dành cho hai trưởng tàu đang xuống ban và công nhân toa xe nghỉ ngơi. Ngoài ra có toilet và thùng nhựa chứa nước. Tất cả đều cũ kỹ, chật hẹp.

Anh Trọng chia sẻ thêm: "Chuyến đi 40 giờ, chuyến về 40 giờ, tất cả làm việc, sinh hoạt đều trên toa này thôi. Vất vả hơn tàu khách nhiều, nhưng lương cao hơn. Trước đây tôi cũng đã đi tàu hàng rồi, sau chuyển sang đi tàu khách, khi đơn vị cần, mình lại đi tàu hàng. Nói thật, ngoài chuyện lương, còn trách nhiệm nữa. Vì nói là lương cao hơn nhưng bình quân thực lĩnh cũng chỉ trên dưới 8 triệu đồng".

Rồi anh Trọng kể, hồi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong miền Nam, tàu khách phải nghỉ, nhưng các chuyến tàu hàng vẫn đều đặn chạy giữa hai miền, nhất là vận chuyển hàng y tế, nhu yếu phẩm hỗ trợ miền Nam chống dịch.

Hạnh phúc vì được khách hàng tin yêu

Đoàn tàu lướt nhanh qua Thanh Hóa, trưởng tàu Nguyễn Văn Việt trùng giọng: "Quê tôi đó. Gia đình, vợ con vẫn đang ở quê. Sắp Tết rồi, không biết có được ăn Tết ở nhà không...".

Chuyện ít biết về nghề trưởng tàu hàng- Ảnh 2.

Trưởng tàu Đào Công Trọng kiểm tra tình trạng toa xe, container.

Anh Việt cho hay, sát Tết, tàu hàng sẽ nghỉ chạy vì công nhân bốc xếp khu vực Bình Dương nghỉ, về quê ăn Tết. Trưởng tàu sẽ được chuyển sang đi tàu khách. Lúc này là cao điểm vận tải khách, tàu khách chạy thêm nhiều, cần huy động lao động, có chuyến đi xuyên Giao thừa, có chuyến đi sát Tết.

"Hai, ba năm nay, vợ chồng ra ở riêng, hai con lại nhỏ, tôi xin đi tàu tăng cường chạy trước và sau Tết nên cũng được ở nhà 2 - 3 ngày Tết. Nhưng trước Tết đi tàu đến 28 - 29 tháng Chạp nên cũng không đỡ đần được vợ việc gì.

Đi tàu Tết cũng vất vả hơn vì khách đông, nhưng tôi quen rồi. Mình giúp đỡ, hỗ trợ hành khách, được hành khách ghi nhận, khen nhân viên đường sắt phục vụ tốt, tận tình là mình vui, hạnh phúc", anh Việt chia sẻ.

Cũng như anh Việt, anh Trọng cho hay, 17 năm theo nghề thì chỉ vài ba năm được đón Tết ở nhà, còn lại chủ yếu đón Tết trên tàu.

"Tôi lấy vợ muộn, con còn nhỏ, cháu đầu học lớp 2, cháu thứ hai học lớp 1. Hồi lấy vợ, ai cũng trêu, làm trưởng tàu vất vả, đi suốt, lương lại thấp mà vẫn lấy được vợ, không thì ế dài!", anh Trọng cười nói.

Gác nỗi niềm riêng

"Nhớ Tết năm vợ còn đang mang bầu cháu thứ hai, sắp sinh, chồng lại đi tàu nên rất vất vả. Mình vợ ở nhà bụng mang dạ chửa, lại chăm con nhỏ. Vợ tôi cũng muốn chồng ở nhà, nhưng tôi ở thì anh em khác phải đi, hơn nữa tàu nhiều, khách đông, đơn vị đang thiếu người. Vừa lo, vừa thương vợ", anh Trọng nói tiếp.

Chuyện ít biết về nghề trưởng tàu hàng- Ảnh 3.

Trưởng tàu Đào Công Trọng và Ngô Xuân Bắc trong khoang làm việc.

Rồi anh bảo, nhớ vợ con nhưng ngược lại cũng có niềm vui khi được hành khách yêu mến, cảm ơn vì đã đồng hành, đưa họ kịp về quê sum họp gia đình.

Còn nhớ, cách đây khoảng 4 năm, trên tàu Thống nhất SE9/10 có đôi vợ chồng người nước ngoài lên tàu từ ga Sài Gòn. Đến gần thời điểm Giao thừa, tổ tàu đi gặp gỡ, mời hành khách đến toa hàng cơm đón Giao thừa cùng tổ tàu.

Vợ chồng vị khách này đã rất ngỡ ngàng, vui sướng vì được tham gia đón Tết cổ truyền của Việt Nam, được chứng kiến phong tục đón Giao thừa trên tàu. Cũng có mâm ngũ quả, mâm lễ, cành đào, bánh chưng, tổ tàu thắp hương "tống cựu, nghênh tân", mong ước một năm tốt lành trong không khí hân hoan.

Khách Việt thì lại mang cảm xúc riêng, người chưa về kịp đón Giao thừa với người thân cũng bùi ngùi, nhưng lại đỡ tủi thân vì được đón Giao thừa ấm áp với tổ tàu. Tất cả đều vui vẻ, chúc nhau một năm mới nhiều may mắn, bình an.

"Lúc đó, nhiều cảm xúc khó tả lắm. Tết năm nay, cũng mong được ăn Tết ở nhà với vợ con, nhưng nếu đơn vị phân công, tôi lại lên đường... Được mang lại niềm vui cho hành khách, cũng là niềm hạnh phúc của mình!", anh Trọng nói.

Vất vả hơn so với chạy tàu khách

Ông Nguyễn Trọng Trung, Tổ trưởng Tổ tàu hàng, Trạm Tiếp viên đường sắt Hà Nội (Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội) chia sẻ, nghề trưởng tàu hàng rất vất vả. Tổ tàu hàng quản lý 12 tổ tàu, mỗi tổ tàu khi lên ban gồm 3 trưởng tàu thuộc đoàn tiếp viên, một công nhân áp tải kỹ thuật theo tàu. Các trưởng tàu thay phiên nhau làm nhiệm vụ an toàn, hàng hóa; công nhân toa xe kiểm tra, chỉnh bị toa xe dọc đường.

Tổ tàu sẽ phải lên ban trước một ngày tại trạm ở ga Hà Nội, nhận kế hoạch của chuyến tàu, phân nhiệm vụ cho từng người, rồi tự di chuyển về khu vực lưu trú phía sau ga Yên Viên, chờ nhận tàu. Đi tàu H9 xuất phát Yên Viên lúc 5h thì phải dậy từ 3h sáng, ra tàu; đi mác H15 xuất phát lúc 1h thì 23h phải ra tàu để tác nghiệp theo quy định.

Trên hành trình, mỗi khi tàu dừng quá 5 phút là trưởng tàu phải xuống, đi kiểm tra an toàn dọc đoàn tàu, nhất là kiểm tra seal chì niêm phong container vì sợ kẻ gian nhảy lên cắt chì, lấy hàng, sẽ phải chịu trách nhiệm.

Tàu không có điều hòa như tàu khách, lại lắc lư, càng chạy nhanh càng lắc. Ăn uống dọc đường phải tự túc, không có bộ phận nấu ăn trên tàu, cũng không được nấu trên tàu, nên anh em phải đặt trước đồ ăn tại ga, khi tàu dừng đỗ thì xuống lấy.

"Vì thế mà hồi mới triển khai sản phẩm tàu nhanh chuyên tuyến container Yên Viên - Sóng Thần, đơn vị phải kêu gọi tinh thần xung phong của đảng viên, của các trưởng tàu lâu năm, giàu kinh nghiệm đang đi tàu khách sang đi tàu hàng. Dần dần, người cũ kèm cặp người mới, rồi luân phiên đi tàu khách - tàu hàng, hình thành nên đội ngũ trưởng tàu hàng cứng nghiệp vụ, chủ động, linh hoạt trong công việc", ông Trung kể.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.